Thứ Sáu, 27/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 6/3/2010 16:53'(GMT+7)

Tăng niềm tin của người dân vào điều hành của Chính phủ

 

Câu chuyện về nguy cơ lạm phát cao trong năm 2010 trở nên nóng hơn vào những ngày đầu tháng 3 này, khi giá điện được công bố tăng - vào thời điểm vừa qua Tết Nguyên Đán, giá cả thị trường đang đứng ở mức cao, kéo theo hiệu ứng tăng giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Trong động thái tăng giá này, có nhiều biểu hiện té nước theo mưa, tăng giá đón đầu, dễ gây lạm phát do tâm lý, tác động nhiều đến mức độ lạm phát trực tiếp. Để giảm tác động của lạm phát do tâm lý, điều quan trọng, cần có sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, kiểm soát thị trường, minh bạch thông tin, tăng niềm tin của người dân vào sự điều hành của Chính phủ.

Tâm lý thị trường là yếu tố khó đoán định, nhưng lại có quyết định khá quan trọng vào việc thiết lập mặt bằng giá cả, bên cạnh yếu tố giá chi phối bởi quy luật cung cầu. Ở Việt Nam, tâm lý này thể hiện rõ qua mỗi kỳ nghỉ Tết. Cứ đến Tết, giá cả hàng hóa, dịch vụ đều tăng. Giá tăng do nhu cầu tăng (ở đây là tăng cục bộ, trong một thời điểm ngắn). Giá tăng do nguồn lương, thưởng vào dịp cuối năm rủng rỉnh, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận giá cả hàng hóa dịch vụ tăng. Sau Tết, giá cả lại hạ nhiệt, trở lại theo đúng quy luật cung-cầu.

Ấy vậy nhưng sau Tết Canh Dần, lại có những yếu tố tác động tới tâm lý thị trường, đó là chuyện tăng giá điện. Giải thích của ngành điện lực đã rõ: tăng giá theo lộ trình đã được phê duyệt. Cũng là chuyện hết sức bình thường, nhưng tăng giá vào thời điểm sau Tết - là thời điểm nhạy cảm về giá cả, nên đã có những tác động tâm lý không nhỏ.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, thể hiện qua công văn số 1269 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2010. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường; xử phạt nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá. Đồng thời kiên quyết xử lý những hành vi tăng giá kiểu “té nước theo mưa” nhằm hạn chế tối đa những yếu tố phát sinh làm cho lạm phát tăng cao, gây tâm lý bất lợi trong xã hội.

Từ chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành đã có những động thái tích cực trong thông tin tuyên truyền, giải thích cho công chúng hiểu rõ việc tăng giá của các loại vật tư đầu vào thiết yếu. Như phân tích của Bộ Công thương, việc tăng giá điện trung bình lên 6,8% chỉ làm tăng chi phí của khu vực sản xuất công nghiệp lên 1%, không thể có chuyện vì tăng giá điện mà giá thép trên thị trường sẽ tăng 5-10% như tính toán của Hiệp hội Thép.

Rồi cách đây ít ngày, Bộ Tài chính đã có thông báo cụ thể về việc điều chỉnh giá bán than trong năm 2010, trong đó nêu rõ giá bán than vừa điều chỉnh tăng là giá bán cho ngành điện (do giá than trước đây bán cho ngành điện theo giá chính sách, chưa theo giá thị trường), còn giá bán than cho các khu vực sản xuất khác như sản xuất xi măng, phân bón… đã được điều chỉnh theo cơ chế thị trường từ những năm trước, nên không có lý do gì mà các doanh nghiệp phân bón, xi măng lại tuyên bố tăng giá sản phẩm vì giá than tăng!

Còn Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, qua trả lời phỏng vấn của báo chí, đã nêu rõ, với giá xăng tăng 2 lần từ đầu năm khoảng 6%, chi phí ảnh hưởng chủ yếu tới vận tải taxi, làm tăng khoảng 2% chi phí, còn các loại hình vận tải khác dùng dầu là chủ yếu, các doanh nghiệp vận tải chưa hề tăng giá cước, do cung đang vượt cầu. Do vậy đổ lỗi giá cả tăng do cước vận tải tăng là không đúng. Và một tin vui với thị trường là chiều ngày 3/3, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã công bố giảm từ 300-500 đồng/lít dầu. Đây được xem là yếu tố quan trọng, tác động tới tâm lý tiêu dùng, giúp giảm sức căng của quả bóng giá cả hiện nay.

Và ngay trong phiên họp thường kỳ tháng 2 năm 2010 diễn ra trong các ngày 2 và 3/3 vừa qua, Chính phủ đã nêu rõ 5 giải pháp ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, trong đó có nhấn mạnh yếu tố ổn định tỷ giá hối đoái năm 2010, không quá thắt chặt chính sách tiền tệ. Cùng với đó là việc công bố giá than, giá điện chỉ điều chỉnh một lần duy nhất trong năm, còn với giá xăng, sẽ xem xét lại cơ chế điều hành, không để những lần điều chỉnh tăng giá quá dày đặc, gây bất ổn thị trường.

Chúng ta đã trải qua thời kỳ đầy khó khăn của năm 2008, khi vừa phải ra sức chống đỡ với lạm phát cao 8 tháng đầu năm, vừa đẩy lùi nguy cơ giảm phát những tháng cuối năm và qua năm 2009, đưa nền kinh tế thoát khỏi suy giảm. Bài học lớn nhất từ thành công vượt khó năm 2009 là sự đồng thuận từ Chính phủ cho đến doanh nghiệp, người dân. Bài học này cần được phát huy hơn nữa trong năm nay, khi những khó khăn mới ló dạng, như yếu tố tăng giá cao trong 2 tháng qua. Chính phủ có những điều hành linh hoạt, kịp thời sẽ tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tránh những hoang mang không đáng có./.

Ngọc Diệu

(Theo VOVNews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất