Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 1/6/2009 15:56'(GMT+7)

Quan tâm đến trẻ thơ, sự quan tâm như thế nào là đúng cách?

Cùng vui chơi, cùng chia sẻ

Trong vài năm gần đây, những chương trình vui chơi nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 hoặc Trung thu do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức đều đón nhận được sự tham gia của đông đảo của các em nhỏ cùng các bậc phụ huynh. Nhiều gia đình đã coi đây là dịp để cùng được vui chơi, cùng chia sẻ những cảm nhận về cuộc sống. Nhìn các em và bố mẹ tay trong tay, hoặc cùng đua vui, cùng làm đồ chơi, thấy ánh mắt của các em long lanh hạnh phúc.

Nhiều gia đình cũng quan tâm nhiều hơn đến việc củng cố những sinh hoạt chung của cả gia đình. Những bữa cơm tối với sự tham gia đông đủ của các thành viên trong gia đình, là cơ hội để sum họp, trò chuyện, chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư về những việc diễn ra hàng ngày... Điều này sẽ giúp tăng cường sợi dây gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.

Ngày nay, mức sống của nhiều gia đình ngày càng được nâng cao hơn trước kia, các bậc cha mẹ cũng có điều kiện quan tâm chăm sóc con cái mình tốt hơn. Cùng với việc chăm lo cho con cái học hành, ăn uống, các bậc cha mẹ còn cũng chú ý hơn tới việc vui chơi, của con mình.

Sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ về tinh thần và vật chất giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, phát triển tốt hơn. Được đón nhận được sự quan tâm chăm sóc chu đáo của các các bậc cha mẹ, các em đều cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc. Những trẻ em được quan tâm đầy đủ cũng có khả năng giao tiếp và chia sẻ với cộng đồng xung quanh tốt hơn.

Quan tâm quá chưa chắc đã là tốt

Lợi ích của việc chăm sóc, quan tâm tới con cái chắc không cần phải bàn nhiều. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là cách thức chăm sóc của các bậc phụ huynh hiện nay có một số điểm chưa phù hợp. Điều này biểu hiện như sau: một là chỉ quan tâm lo cho các em ăn uống, học hành đầy đủ, mà ít quan tâm đến đời sống tinh thần; hai là chăm chút các em quá chi li, kỹ lưỡng.

Xu hướng thứ nhất có thể thấy rất rõ: Cuộc sống ngày càng bận rộn, quĩ thời gian để các bậc cha mẹ dành cho sự quan tâm, trò chuyện với các con mình ngày càng eo hẹp hơn. Mà để có thể chơi đùa với các con, đọc chuyện cho con nghe, lắng nghe những tâm tư của chúng, cha mẹ phải bỏ một số công việc, tạm quên một số sở thích của mình. Không phải bậc phụ huynh nào cũng thực hiện điều này. Nhà giáo ưu tú Hoàng Thị Minh An- Phó Hiệu trường Trung học cơ sở Lý Thái Tổ- quận Hoàn Kiếm- Hà Nội nêu ý kiến: Thực ra bố mẹ bây giờ lo làm ăn nhiều quá nên cứ nghĩ là lo cho con cơ sở vật chất nhiều, đầy đủ là yên tâm, nhưng chúng ta chưa dành một thời gian trong ngày, ít nhất là nửa tiếng, một tiếng để chia sẻ với các con. Nhiều tâm tư, tình cảm các con không biết nói với ai thành ra điều đó cũng làm hạn chế rất nhiều. Các con không được quan tâm về mặt tinh thần của bố mẹ. Thậm chí có những con đi học về, buổi chiều, buổi tối lại phải đi học thêm nhiều ca, làm cho các con không có thời gian thư gian, trao đổi và đặc biệt là nhận từ bố mẹ tình cảm trao đổi, tâm sự, chia sẻ với bố mẹ như một người bạn gần gũi. Tôi nghĩ là đây cũng là điều cần thiết với các con và các cha mẹ, cần quan tâm với các con về mặt tinh thần nhiều hơn nữa...

Chính vì thế nhiều trẻ em tâm sự rằng dù được chăm sóc đầy đủ về vật chất, thích gì bố mẹ cũng cho, nhưng các em không thấy vui và đôi khi cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà của mình. Nhiều em chỉ biết vùi đầu vào máy tính, chat với bạn bè trên mạng. Nhiều em vì quá buồn chán đã tụ tập với đám bạn bè không tốt, hoặc ăn chơi bạt mạng...

Xu hướng thứ hai là bố mẹ quá chăm chút, làm hết mọi việc cho con, lo hết mọi việc cho con mà không để chúng tự suy nghĩ, tự hành động. Theo một số chuyên gia về giáo dục, làm như thế cũng tạo nên một hạn chế nhỏ như: học sinh hơi ỷ lại, không tự lực trong việc tự chăm sóc mình, tự học tập, tự vươn lên trong cuuộc sống, lúc nào cũng cần có sự hỗ trợ vô điều kiện của bố mẹ. Đó cũng là điều mà anh Bùi Anh Tuấn- ở quận Hoàng Mai - Hà Nội băn khoăn: So với thế hệ chúng tôi ngày xưa thì cha mẹ bây giờ quá là chăm sóc con cái, dù đó là tốt, nhưng cũng làm cho con cái không có tính tự lập cao. Cũng theo anh Bùi Anh Tuấn, anh đang phải rất cố gắng để trở thành người bạn để các con chia sẻ. Nhưng điều đó không đơn giản, các bậc cha mẹ cũng phải học, phải nỗ lực hàng ngày mới có được.

Chính vì thế, các bậc phụ huynh hãy quan tâm, chăm sóc con cái mình, hãy trở thành những người bạn tâm tình của các con. Đồng thời mỗi người cũng nên suy nghĩ về cách thức chăm sóc sao cho thể hiện được sự quan tâm đầy đủ, nhưng phải cung cấp cho các em những kỹ năng sống, để các con tự lực vươn lên trong học tập, rèn luyện, có bản lĩnh vững vàng trước mọi thử thách của cuộc sống./.

 Hồng Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất