Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 30/1/2012 22:30'(GMT+7)

Nguyễn Vinh Phúc- Một đời tâm huyết với Hà Nội

Không phải là người Hà Nội gốc, cũng không phải là một sử gia, chỉ là nhà giáo dạy tiếng Pháp, Văn, Sử, Địa lý, nhưng ông lại là một người chuyên nghiên cứu về lịch sử của Thăng Long – Hà Nội bằng một niềm đam mê đặc biệt. Hơn nửa thế kỷ qua, ông dồn hết tâm huyết, trí lực vào những nghiên cứu về Hà Nội. Ông được nhiều người gọi là “Nhà Hà Nội học”.

Sinh ra ở Hưng Yên nhưng mãi đến năm 1955, Nguyễn Vinh Phúc mới ra Hà Nội làm thầy giáo dạy Văn, Sử, Địa lý. Lúc đó, Hà Nội mới được giải phóng 1 năm, hầu như kiến thức trong sách giáo khoa về các môn xã hội đều rất sơ sài. Là người đứng trên bục giảng, ông thầm ao ước muốn có được những bài giảng hay, tinh tuý, phong phú và để lại ấn tượng cho học trò của mình.

Sinh thời ông cho biết: “Khi đi vào nghiên cứu Hà Nội để phục vụ mục đích giảng dạy, tôi thấy Hà Nội có nhiều điều hay mà nhiều người chưa biết. Tôi cố gắng tìm lại các giá trị của Hà Nội mà bấy lâu nay bị chìm đi sau các biến cố chiến tranh. Đó có thể là giá trị của một ngôi đình, một pho tượng, một cảnh quan, con sông… Cứ thế đến một lúc tôi chợt nhận ra mình đã dành rất nhiều công sức vào nghiên cứu Hà Nội”.

Sự ra đi của Nguyễn Vinh Phúc tạo ra một khoảng lặng trong lòng người Hà Nội.

Văn hoá Hà Nội là văn hoá tinh hoa được chắt lọc từ các miền đất nước, tạo nên đặc trưng của vùng đất kinh kỳ. Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, Nguyễn Vinh Phúc đã chọn cho mình con đường riêng để khám phá, để hiểu Hà Nội.

Ông từng tâm sự: “Qua quá trình nghiên cứu của tôi, tôi đã vận dụng phương pháp nghiên cứu đa ngành và liên ngành. Tôi không chỉ đi sâu vào lịch sử, văn hóa, địa lý kinh tế mà kết hợp một cách nhuần nhuyễn các lĩnh vực. Bằng phương pháp này tôi đã cố gắng dựng lại một phần nào đó Hà Nội cổ ở các góc độ khác nhau. Tôi thấy công việc của tôi chưa được là bao, tôi mong các bạn trẻ sau này sẽ tiếp tục công việc đó”.

Với vốn kiến thức về tiếng Pháp và Hán văn, ông Nguyễn Vinh Phúc có nhiều thuận lợi để nghiên cứu về Hà Nội. Trong mưa bom bão đạn của chiến tranh, công việc nghiên cứu của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Hàng ngày, với chiếc xe đạp cọc cạnh, ông đã đi hàng chục cây số, hết địa danh này đến địa danh khác, ra đình, đến miếu, tới đền đọc câu đối, vào nhà dân đọc gia phả. Năm 1979, tập sách "Đường phố Hà Nội" ra mắt đã được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu cũng như độc giả đánh giá cao.

Tiếp theo "Đường phố Hà Nội", ông lần lượt cho xuất bản nhiều công trình nghiên cứu khác như: Định hướng một mô hình lễ hội dân gian, những tên đường phố ở Hà Nội, Bách khoa thư về Hà Nội (17 tập) cùng nhiều công trình văn hoá có giá trị khác.

Ngoài ra, Nhà giáo ưu tú, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã viết hàng trăm bài báo nói về Hà Nội đăng trên các báo Hà Nội mới, Nhân dân, Lao động, Quân đội Nhân dân, Văn hoá... và làm chủ biên gần 20 cuốn sách về Hà Nội.

Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú", được trao tặng giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" (năm 2009), được vinh danh là "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2010.

Đánh giá về hành trình và những đóng góp của Nguyễn Vinh Phúc qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu Hà Nội, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng: “Nguyễn Vinh Phúc là người đầu tiên chuyên nghiên cứu, khảo cứu về Hà Nội. Ông là người tiếp tục dòng mạch khoa học và văn chương từ thời các cụ Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Khoa Bằng… nhưng lại khuôn nó vào đề tài Hà Nội. Sự tiếp tục làm việc và tìm tòi của ông là một sự may mắn và cống hiến cho việc tạo ra những công trình nền tảng để hiểu biết về Hà Nội”.

Trong những ngày cuối đời, dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, ông vẫn dồn hết tâm sức viết những bài báo, miệt mài cố gắng hoàn tất những nghiên cứu về Hà Nội với một mong mỏi gìn giữ những hồi ức, nét đẹp của vùng đất, con người Thủ đô.

Ông ra đi vào ngày 28/1/2012, thọ 86 tuổi nhưng giờ đây, từng khu phố, ngõ nhỏ và nhịp sống của mảnh đất ngàn năm văn hiến này vẫn lưu giữ hình bóng ông./.

(Mỹ Trà-Phương Thúy/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất