Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 29/1/2012 20:48'(GMT+7)

Ngày xuân tản mạn về kiến trúc ngôi nhà Việt

Nhà cổ ở làng Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội). (Ảnh minh hoạ).

Nhà cổ ở làng Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội). (Ảnh minh hoạ).

Ngày xuân gọi ta về mái ấm gia đình. Dù ở đâu thì vào những ngày Tết đến xuân về, điều mà nhiều người ước ao, mong đợi là được trở về với gia đình, về với mái nhà quê hương ấm cúng yêu thương, về với bờ tre, mái rạ gần gũi đến lạ thường.

Bây giờ mấy ai còn được tận hưởng cái thời tung tăng chạy nhảy trên bãi cỏ xanh, trên triền đê đầy cỏ may và hun hút những ngọn gió mùa thổi suốt tuổi thơ. Những con ngõ nhỏ, khu phố cổ; những mái đình, mái chùa cổ kính rêu phong; những nhà thờ, lăng miếu trầm mặc ngàn năm dường như ngày càng chỉ còn là nỗi nhớ trong quá vãng xa xưa của mỗi lớp người thời hậu thế.

Tất cả những “hồn cốt” của hàng ngàn năm gắn liền với số phận, với những cung bậc thăng trầm của người Việt đang ngày càng thay đổi đến chóng mặt trong cơn lốc của cuộc sống hiện đại. Đến nỗi những năm gần đây đã có tờ báo mở hẳn một cuộc thi “Thử tìm một mẫu hình cho nhà ở Việt Nam”, bởi vì, đang có quá nhiều kiểu nhà cũ-mới, lai tạp Âu - Á xô bồ, kệch cỡm mọc lên hàng ngày.

Lớp người trẻ ở chốn thị thành và cả ở nhiều vùng thôn quê bây giờ chỉ có thể hình dung ra những ngôi nhà, xóm làng, phố xá, kẻ chợ, làng nghề truyền thống Việt qua những bức ảnh tư liệu, những thước phim, trang sách…

Ngày xuân, trà dư tửu hậu, lại miên man về những nét xưa trong kiến trúc ngôi nhà Việt và đau đáu về những giá trị nguyên bản đang phôi pha theo năm tháng và cuộc sống hiện đại. Và cứ thắc thỏm về những sự “pha trộn” Á-Âu, Đông-Tây trrong kiến trúc Việt hiện đại, mà đôi khi tự hỏi: Không biết mình có đang lỗi thời và lạc hậu quá không?

Từ thời các vua Hùng, đã có những ngôi nhà thuần chất Việt. Các di vật khảo cổ khai quật được đã chứng minh điều đó.

Theo sách “Lĩnh Nam chích quái”, ngay từ thuở ban đầu người Việt thời Hùng Vương đã biết dùng cây gỗ, tre gác lên nhau làm những ngôi nhà đơn sơ tránh mưa, nắng. Những ngôi nhà đơn sơ quần tụ trong mỗi vùng, khu vực chính là dấu hiệu của sự ra đời làng xóm đầu tiên của người Việt.

Căn cứ vào hình vẽ trên các trống đồng, người ta thấy tộc người Việt đã làm hai loại nhà sàn chính. Đó là loại nhà sàn có hình dáng như con thuyền và loại nhà có hình dáng như con rùa. Ở những khu vực có nhiều sông, đầm lầy ẩm ướt, vật liệu xây dựng chủ yếu là tre, gỗ, các nhà sàn được dựng trên những cọc thấp, loại nhà sàn này còn tồn tại đến ngày nay ở nhiều vùng miền núi. Ở những thế kỷ trước, người ta cũng đã thấy loại nhà sàn này xuất hiện ở vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Hà Nội qua bao thời đại, đến đầu thế kỷ XIX với những kiến trúc phố phường đông đúc mà mỗi phố, mỗi phường thường tập một nghề truyền thống. Kiến trúc cộng đồng tiêu biểu ở Hà Nội thời này ngoài việc xây dựng lại Khuê Văn Các ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám và Đền Ngọc Sơn thì gần như không phát triển gì. Trong khi đó Huế được đặt làm kinh đô nên kiến trúc xây dựng phát triển mạnh, chủ yếu là các kiến trúc thành quách, lăng tẩm, cung điện, đặc biệt là các kiến trúc nhà vườn đã làm cho bức tranh kiến trúc Việt Nam sinh động khác hẳn với kiến trúc kiểu nhà ống trước đó ở Hà Nội.

Bước sang thời kỳ cận hiện đại, khoảng cuối thế kỷ thứ XIX, sau khi chiếm toàn bộ Đông Dương, đặt xong bộ máy cai trị, người Pháp bắt đầu quy hoạch các đô thị, khu công nghiệp. Hầu hết các công trình kiến trúc xây dựng thời kỳ này đều mang phong cách kiến trúc Pháp có pha lẫn kiến trúc truyền thống phương Đông. Lúc này ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện những công trình kiến trúc cộng đồng mới, đó là những nhà thờ Thiên Chúa giáo ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… và một số tỉnh ven biển. Các công trình kiến trúc nhà thờ với những ngọn tháp nhọn chưa có ở kiến trúc Việt Nam bao giờ, nhưng cũng có những công trình kiến trúc nhà thờ Thiên Chúa mang cả hai phong cách phương Tây và truyền thống phương Đông, tiêu biểu là nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), vừa hiện đại theo phong cách Pháp lại vừa kết hợp với phong cách truyền thống phương Đông, nên nhà thờ có hình dáng của đình chùa Việt Nam.

Có thể nói, kiến trúc xây dựng Việt Nam cũng mang những đặc điểm riêng của người Việt theo từng thời kỳ lịch sử, từng vùng dân cư, từng vùng khí hậu, thời tiết. Các công trình kiến trúc xây dựng luôn luôn thể hiện rất rõ những đặc tính của mỗi vùng, đa dạng, sinh động, phù hợp với phong tục, nếp sống từng nơi.

Sự giao lưu, tổng hoà, “pha trộn” trong lĩnh vực kiến trúc, bên cạnh những giá trị tích cực, cũng có những điều khiến không ít người trăn trở, suy tư. Đặc biệt là từ khi đất nước thống nhất, Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, Trung bộ và Tây Nguyên có mối liên lạc thường xuyên, thì kiến trúc nhà ở cũng đặt ra nhiều câu hỏi, như có nên giữ nguyên nếp nhà truyền thống hay nên “giao lưu” đưa kiểu nhà Nam Bộ lên Tây Nguyên; đưa mái nhà Tây Nguyên ra Hà Nội?

Mỗi vùng đều có mái nhà riêng truyền thống của mình. Nhiều nhà kiến trúc, nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử vẫn thường băn khoăn, khi ngày xuân đi dạo trên đường phố lại thấy Hà Nội có nhà sàn, mái lá giữa phố, có nhà kiểu kiến trúc châu Âu tháp nhọn như mũi giáo, lại có nhà theo kiểu Ả-Rập mái có tháp tròn như quả bí ngô đan xen.

Đi nhiều nơi lại thấy có những chùa chiền quét vôi trắng hoặc các màu sắc “phi truyền thống”, cửa chùa sơn xanh đỏ, lại có chùa được sửa chữa hoặc xây mới theo kiểu nhà Tây: mái bằng, ốp lát, đèn màu trang trí rực rỡ và trăm thứ “lai căng” khác khiến du khách cảm thấy xa lạ, mất đi sự gần gũi của nhà, phố, đình, chùa đã ăn vào tâm thức từ bao đời.

Mùa xuân với thiên nhiên, đất trời, không gian kiến trúc mang đậm hồn Việt ở nhiều vùng quê tưởng chừng như không có gì có thể phá vỡ sự bền vững thanh bình, giờ đây đã bị màu xám lạnh của xi măng và sắt thép lấn át; làng xóm, gia đình dường như đang bị chia nhỏ ra, cô lập, khép kín bằng hàng rào sắt, bờ tường xây, bằng những ngôi nhà kín cổng cao tường. Vẫn biết đó là xu thế của cuộc sống hiện đại, khi người người, nhà nhà ngày càng ăn nên làm ra, có “bát ăn bát để” thì nhu cầu bảo vệ tài sản, giữ gìn cuộc sống riêng tư cần phải có, cần được tôn trọng theo sở thích, nhưng vẫn thấy “chạnh lòng” khi cùng với đó là những không gian Việt, kiến trúc Việt đang dần bị thay thế bằng những không gian riêng biệt, khép kín, pha trộn nhiều phong cách khác nhau.

Những giá trị tích cực, truyền thống mang đậm hồn dân tộc của kiến trúc xây dựng Việt Nam từ mấy nghìn năm nay; những ngôi nhà, những dãy phố, khu công nghiệp đang mọc lên hàng ngày… bên cạnh sự tiện lợi, bên cạnh sự phù hợp với thời đại, thì vẫn cần lắm những dung hoà để không lỗi thời mà vẫn còn giữ gìn được những dáng dấp, đường nét của truyền thống dân tộc.

Điều đó cũng là đòi hỏi, yêu cầu, trách nhiệm đặt ra cho những nhà quản lý, nhà hoạch định chiến lược. Một đất nước giàu bản sắc văn hoá không chỉ ở những giá trị tinh thần mà bắt đầu ngay từ những điều đang có, đã có của kiến trúc nhà ở, sao cho vừa phù hợp với phong cách con người, thiên nhiên Việt Nam, không phá vỡ sự thích nghi hội nhập nhưng vẫn bảo tồn được những giá trị tốt đẹp mà ông cha để lại./.

Lệ Lệ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất