Hiện
nay, bệnh lao không còn là bệnh nan y nữa, mà là căn bệnh có thể chữa
khỏi hoàn nếu người bệnh tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên,
trên thực tế tình trạng bỏ trị hiện đang ở mức báo động và có xu hướng
gia tăng và gây khó khăn lớn cho công tác điều trị và phòng chống bệnh
lao tại cộng đồng. Ngành y tế đã và đang nỗ lực để đối phó, cũng như
tăng cường kiểm soát tình trạng này.
Bệnh
viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, đơn vị tiếp nhận điều trị và quản lý
cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc thuộc 7 tỉnh ĐBSCL như: An Giang, Kiên
Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Số bệnh nhân
sau khi được chẩn đoán lao đa kháng thuốc tại địa phương sẽ chuyển đến
cho bệnh viện quản lý và điều trị để theo dõi tác dụng phụ của thuốc
kháng lao.
Tại
đây, tỷ lệ điều trị thành công lao đa kháng thuốc khoảng trên 60%; tỷ
lệ thất bại điều trị khoảng 26% và tỉ lệ tử vong là trên 6%.
PGS.TS
Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm
Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết: Tình trạng lao đa kháng thuốc,
chủ yếu được xác định là do người bệnh điều trị không đúng, không đủ,
không tuân thủ chỉ định của bác sĩ; thầy thuốc không đủ thời gian để tư
vấn cho bệnh nhân, và chưa hỗ trợ tích cực cho người bệnh.
Với
bệnh nhân lao đã được chẩn đoán mà không được điều trị thì 50% sẽ tử
vong trong vòng 5 năm. Nhưng nếu được điều trị đúng thì tỷ lệ khỏi ở
nhóm bệnh nhân không kháng thuốc lên tới 92%; ở nhóm bệnh nhân đa kháng
thuốc là 70%.
Do
đó, song song với việc đảm bảo chất lượng quản lý và giảm tỷ lệ bỏ trị
hiện nay, ngành y tế cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân.
PGS.TS
Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh: “Chiến lược của chúng ta bây giờ là phát
hiện được nhiều nhất số bệnh nhân lao kháng thuốc, chữa cho bằng khỏi,
song song với việc phát hiện và điều trị như thế thì phải có một sự hỗ
trợ. Việc người bệnh được chữa khỏi là quyền lợi nhưng cũng là trách
nhiệm của họ, không để lây lan cho cộng đồng”./.
Theo VOVnews