(TCTG) - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền biển đảo, định hướng mục đích yêu cầu, nội dung tuyên truyền, hình thức tuyên truyền và phân công thực hiện. Trên cơ sở chương trình phối hợp tuyên truyền biển đảo giữa Bộ Tư lệnh Hải quân và Tỉnh ủy Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động làm việc với lãnh đạo Học viện Hải quân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền biển đảo. Từ đó chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền biển đảo từ tỉnh đến cơ sở một cách thường xuyên, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phù hợp từng loại đối tượng và địa bàn.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng to lớn của biển đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngay từ đầu năm 2010, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ra Nghị quyết về quốc phòng - an ninh, trong đó xác định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền gắn với phát triển kinh tế biển đảo là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện Chương trình kinh tế biển của tỉnh giai đoạn 2006 – 2010. Tỉnh ủy Khánh Hòa coi đây là một chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Thực hiện chủ trương này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền biển đảo, định hướng mục đích yêu cầu, nội dung tuyên truyền, hình thức tuyên truyền và phân công thực hiện. Trên cơ sở chương trình phối hợp tuyên truyền biển đảo giữa Bộ Tư lệnh Hải quân và Tỉnh ủy Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động làm việc với lãnh đạo Học viện Hải quân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền biển đảo. Từ đó chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền biển đảo từ tỉnh đến cơ sở một cách thường xuyên, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phù hợp từng loại đối tượng và địa bàn.
Công tác tuyên truyền biển, đảo đã được các ban, ngành trong tỉnh thực hiện với nội dung phù hợp, hình thức đa dạng, phong phú, có chiều sâu. Toàn tỉnh triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam; tổ chức chiến dịch truyền thông cho Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, với những hình thức tuyên truyền, cổ động như: treo băng rôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề biển đảo; tổ chức hội nghị cấp tỉnh tọa đàm về chủ đề biển đảo và tổ chức hoạt động làm sạch bờ biển…
Nhận thức rõ công tác tuyên truyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên giáo, mảng đề tài này được báo, đài quan tâm xây dựng với các chuyên mục định kỳ về biển, đảo như: chuyên mục quốc phòng, an ninh, du lịch, hội nhập kinh tế… Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa đã sản xuất, phát sóng hàng trăm tin, hàng chục phóng sự và phim tài liệu tuyên truyền về biển, đảo và huyện đảo Trường Sa. Ngoài việc tuyên truyền ở địa bàn tỉnh, các cơ quan báo chí của tỉnh còn chọn lọc chuyển tải các tin, bài, phóng sự đăng phát trên các báo, đài Trung ương; đồng thời, phối hợp với Quân chủng Hải quân phát trên sóng truyền hình phát thanh mỗi tháng một chương trình, phản ánh các mặt hoạt động của Quân chủng Hải quân.
Nhiều bài viết, nhiều phóng sự phản ánh sự nỗ lực của quân và dân huyện đảo Trường Sa phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên trong sản xuất và chiến đấu, sẵn sàng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Việc đưa thông tin của Trường Sa về đất liền và chuyển tải những thành tích, những tình cảm của hậu phương, đã góp phần tạo niềm tin vững chắc cho quân và dân Trường Sa… Đặc biệt, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa, giải phóng quần đảo Trường Sa và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa về Trường Sa như: mít tinh trọng thể kỷ niệm 35 năm giải phóng quần đảo Trường Sa trên đảo Song Tử Tây; tổ chức trang trọng lễ tiếp nhận cây bàng vuông và đá san hô biểu tượng chủ quyền quốc gia trên biển do Quân chủng Hải quân, quân và dân huyện đảo Trường Sa gửi tặng…
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa - văn nghệ phản ánh và phục vụ công tác tuyên truyền biển đảo được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiều đoàn văn nghệ chuyên nghiệp, nhiều văn nghệ sĩ đi phục vụ và sáng tác tại các đảo xa; dàn dựng các chương trình giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ. Phong trào sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài người lính đảo đã được nhiều phóng viên, văn nghệ sĩ thực hiện nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và những đợt tuyên truyền khẳng định về chủ quyền biển đảo…
Cùng với các hoạt động trên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, các doanh nghiệp, đơn vị vận động xây dựng được 110 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên cương, hải đảo” và nhiều công trình dân sinh cho các đối tượng chính sách, người nghèo. Ngoài ra, các đồn biên phòng đã tổ chức tuyên truyền cho ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo; đồng thời phát cho ngư dân 1.400 tờ rơi về phòng chống lụt bão, 1.000 tờ rơi về bảo vệ giàn khoan, 2.500 tờ rơi về đường ống dẫn khí dưới biển…
Đoàn Thanh niên tỉnh tổ chức cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” trong lực lượng thanh niên toàn tỉnh. Các cơ sở Đoàn thường xuyên tổ chức các hội thi tuyên truyền ca khúc cách mạng với chủ đề “Hát về biển, đảo quê hương”, giao lưu văn nghệ với chủ đề “Vì Trường Sa thân yêu”….
Một số doanh nghiệp của tỉnh cũng tham gia phát triển kinh tế biển đảo gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đã thành lập lực lượng tự vệ biển. Cán bộ, chiến sĩ tự vệ được huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ an ninh tuyến biển đảo. Ngoài nhiệm vụ tham gia sản xuất, Công ty thường xuyên phố hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an thành phố Nha Trang, dân quân các phường xã ven biển trong toàn tỉnh tuần tra, kiểm soát vùng biển đảo, tổ chức các tổ trực phòng không quan sát bảo vệ bầu trời, vùng biển… Công ty còn kết hợp nuôi trồng thủy sản hành lang ven biển tại các đảo yến với các loại hải sản cao cấp, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương và thực hiện công tác tuyên truyền biển đảo ở các địa bàn Công ty đóng chân.
Sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, những nội dung và cách làm phù hợp trong công tác tuyên truyền biển, đảo của tỉnh đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là các địa bàn ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, trong tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế biển đảo; tổ chức thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở các vùng biển đảo trong tỉnh.
Với những những kết quả đạt được, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền biển, đảo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa như sau:
Một là, thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Bộ Tư lệnh Hải quân và Tỉnh ủy Khánh Hòa là một giải pháp quan trọng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) “về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Trên cơ sở định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân, xuất phát từ thực tiễn, Ban Tuyên giáo địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền biển đảo; tổ chức ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền với các ngành, các đơn vị liên quan. Những nội dung hai bên đã ký kết là phù hợp, gồm những vấn đề các bên phải thực hiện, những vấn đề đòi hỏi phải hiệp đồng, hoặc liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, để tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Hai là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể về công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo. Thường kỳ, trong đánh giá công tác tuyên truyền nói chung cần đánh giá công tác tuyên truyền biển đảo; có đánh giá kết quả cụ thể trong những dịp sơ kết, hoặc tổng kết cuối năm. Những đơn vị, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ này cần được biểu dương khen thưởng xứng đáng, nhằm động viên khích lệ kịp thời.
Ba là, đổi mới công tác chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, sử dụng lồng ghép nhiều hình thức, biện pháp phối hợp tuyên truyền về biển, đảo, trên cơ sở vận dụng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương và các lực lượng của Hải quân, Bộ đội Biên phòng. Bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; các sự kiện lịch sử, chính trị, các phong trào... để duy trì công tác tuyên truyền thường xuyên và tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về biển, đảo đạt hiệu quả.
Bốn là, phát huy vai trò, tác dụng to lớn của các phương tiện thông tin đại chúng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo. Cần bồi dưỡng nâng cao ý thức và kiến thức về quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển, đảo để đội ngũ người làm công tác tuyên giáo và các nhà báo nâng cao chất lượng nội dung thông tin, phản ánh sâu sắc các mặt công tác của lĩnh vực này. Đồng thời, cần khai thác, phát huy sở trường của từng binh chủng thông tin đại chúng, tạo mạng lưới rộng khắp, tác động nhiều hướng và liên tục cho mục tiêu tuyên truyền, trong đó Báo, Đài PTTH địa phương cần duy trì thường xuyên, có chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về tuyên truyền biển, đảo./.
Nguyễn Thị Kiều
UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Khánh Hòa