Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 12/7/2009 10:49'(GMT+7)

Một số suy nghĩ về vấn đề công bằng và tự do trong nhà nước xã hội Đức

Berlin thủ đô nước Cộng hòa liên bang Ðức có diện tích 883.000 km2 với dân số khoảng 3.500.000 người.

Berlin thủ đô nước Cộng hòa liên bang Ðức có diện tích 883.000 km2 với dân số khoảng 3.500.000 người.

I- Quan niệm về công bằng và tự do xã hội trong Nhà nước Đức

Theo quan niệm của người Đức công bằng xã hội và tự do xã hội là hai giá trị cơ bản nhất. Để xây dựng Nhà nước xã hội phải làm rõ hai khái niệm này. Từ lâu ở Đức đã diễn ra nhiều cuộc tranh cãi vấn đề này và đã đi đến thống nhất :

- Mọi người có quyền tạo dựng tài sản cho riêng mình, chẳng hạn như: có nhà riêng, có quyền sở hữu một số tài sản của riêngv.v... Tuy nhiên nền kinh tế thị trường lại đưa đến sự phân bổ tài sản của cải, vật chất của xã hội không công bằng, tập trung vào một số người giàu trong xã hội. Vì vậy cần phải có Nhà nước xã hội để thực hiện phân phối lại cho công bằng.

- Bảo đảm mọi người có được mức sống tối thiểu kể cả những người ốm, bệnh tật, tàn phế. Những người khuyết tật có thể tham gia lao động và tạo ra thu nhập nhất định cho bản thân, vì vậy phải có nơi đào tạo họ. Đồng thời Nhà nước cần quan tâm hơn với những người phải chịu thiệt thòi trong xã hội. Ở Đức đã có hệ thống trợ cấp Nhà nước cho những người khó khăn, tàn tật không nơi nương tựa.

- Không chỉ có công bằng về chính trị, kinh tế mà còn phải có sự công bằng xã hội về các cơ hội : học hành, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, văn, hoá thể thao... Ở Cộng hoà liên bang Đức, tự do còn thể hiện ở sự tồn tại của các hiệp hội khác nhau đại diện cho nhóm lợi ích, nhóm quyền lợi khác nhau. Tuy nhiên thiếu sót ở Đức là chưa xây dựng luật hiệp hội nên hiện nay có nhiều hiệp hội có quyền lực lớn tác động mạnh vào Nhà nước xã hội. Sự tồn tại các hiệp hội là cần thiết cho nền kinh tế phát triển, nhưng chính phủ phải có quy định về giói hạn quyền lực của hiệp hội để nhà nước chi phối các hiệp hội. Khác với Đức, ở Mỹ và một số nước tư bản khác, công bằng hoàn toàn dựa vào sự chi phối của nền kinh tế thị trường và sự cạnh tranh tự do của thị trường, không có sự tác động của nhà nước với vai trò là người điều tiết.

Tự do, là quyền cơ bản của con người. Theo quan điểm của Nhà nước xã hội Đức, tự do phải được bảo đảm và thể hiện trên các lĩnh vực : Báo chí, tín ngưỡng, nghiên cứu giảng dạy... Quyền tự do phải bảo đảm tương thích với Hiến pháp, luật pháp và có giới hạn. Trong nền kinh tế thị trường bao giờ cũng có mâu thuẫn giữa tự do cá nhân và tự do xã hội. Vì vậy, tự do cá nhân và tự do xã hội phải được giải quyết hài hoà. Ở nước Đức mọi người đều có quyền mở doanh nghiệp và cạnh tranh trong kinh doanh trên cơ sở pháp luật. Tự do hoạt động kinh tế là quan trọng để mọi người phát huy tài năng của mình vừa đem lại lợi ích cho mình vừa đem lại lợi ích cho xã hội.

Khác với Đức, ở Mỹ và một số nước, tự do hoàn toàn dựa trên tự do cá nhân, họ khuyến khích tự do cá nhân phát triển, họ gọi đây là tự do mới. Ở các nước này sở hữu tư liệu sản xuất hoàn toàn tự do, kinh tế thị trường không có sự điều tiết của Nhà nước, không có Nhà nước xã hội hoặc có nhưng rất hạn chế. Thị trường tự do hoàn toàn là yếu tố quyết định mọi sự phát triển và tác động trực tiếp đến lợi ích của mọi người trong xã hội.

Để bảo đảm cho tất cả mọi người được tham gia thực hiện quyền công bằng và tự do xã hội của mình trong cộng đồng xã hội, Nhà nước xã hội cần phải có cơ chế và thực hiện hiệu quả cơ chế đó; đồng thời phải có cơ chế kiểm tra việc thực hiện để ngăn ngừa những mưu toan vụ lợi bất chính.

II- Điều kiện để thực hiện công bằng và tự do xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay

  • Những thách thức

Toàn cầu hoá đang đặt ra những thách thức lớn mà nhà nước xã hội Đức phải đối mặt đó là:

Một là, toàn cầu hoá làm tăng cường sức cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển. Từ đó người ta thường nghĩ để thắng cạnh tranh thì phải giảm thiểu tiêu chuẩn xã hội trong Nhà nước xã hội để giảm bớt sự đóng góp của các doanh nghiệp, vấn đề này có thể đặt Nhà nước xã hội vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì nó làm giảm khả năng thực hiện các mục tiêu xã hội của nhà nước. Thực tế hiện nay Nhà nước xã hội Đức đang gặp rất nhiều khó khăn về khả năng chi trả các dịch vụ bảo hiểm xã hội, đây là vấn đề liên quan đến sự tồn tại Nhà nước xã hội ở Đức trước bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.

Hai là, nguy cơ thật sự của toàn cầu hoá là đầu cơ buôn bán tài chính quốc tế, nó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề đầu tư nước ngoài vào nước Đức. Có ý kiến cho rằng đầu tư vào Đức quá đắt nên các doanh nghiệp đi tìm nơi rẻ để đầu tư. Những ý kiến khác lại cho rằng do Nhà nước xã hội Đức phình ra ngày càng lớn nên các doanh nghiệp không chịu nổi sự đóng góp phải di rời vốn đầu tư ra khỏi nước Đức. Vấn đề này đúng sai thế nào thực tiễn sẽ có câu trả lời, dẫu sao thì tình hình này cũng ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế của Đức và tác động xấu đến sự tồn vong của Nhà nước xã hội Đức hiện nay.

Ba là, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước chỉ quan tâm đến đầu cơ buôn bán tài chính để kiếm lời, không hăng hài đầu tư vốn đẩy mạnh sản xuất tạo ra của cải vật chất, không dựa vào tăng năng suất lao động để phát triển sản xuất tạo ta nguồn thu ngày càng lớn cho Nhà nước thì Nhà nước không còn khả năng thực hiện mục tiêu Nhà nước xã hội phúc lợi ở Đức.

Bốn là, nhiều học giả trên thế giới cho rằng Nhà nước xã hội Đức cũng như Nhà nước xã hội Thuỵ Điển không có tương lai trong quá trình toàn cầu hoá; Song cũng nhiều học giả khác lại nhận định rằng Nhà nước xã hội và toàn cầu hoá không mâu thuẫn nhau, không triệt tiêu nhau. Sự tồn tại của Nhà nước xã hội phụ thuộc vào việc Nhà nước có tìm ra cách thức thay đổi phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay của đất nước hay không?

Năm là, vấn đề đặt ra hiện nay đòi hỏi Nhà nước Đức phải giảm thiểu mức thất nghiệp để giảm thiểu mức trợ cấp thất nghiệp. Song khó khăn là hầu hết những người thất nghiệp đều có trình độ thấp, do đó họ cũng không thể kiếm được chỗ làm việc trong khi nền kinh tế Đức đã phát triển đòi hỏi những lao động phải có trình độ cao. Nước Anh có cách giải quyết tương đối tốt vấn đề này. Doanh nghiệp nào chấp nhận người thất nghiệp vào làm việc chỉ phải trả 70% lương cho người lao động, còn 30% do Nhà nước chi trả. Do đó việc tạo điều kiện cho người thất nghiệp tìm được việc làm ở Anh tốt hơn ở Đức. 

  • Điều kiện để thực hiện công bằng và tự do xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá

Một là, Nhà nước xã hội Đức phải thích nghi với những hoàn cảnh của toàn cầu hoá, nhất là về mặt kinh tế - xã hội. Toàn cầu hóa có ảnh hưởng và tác động đến tất cả các nền kinh tế thị trường của các nước (kể cả tác động tích cực và tiêu cực). Vì vậy thích nghi với toàn cầu hoá là đòi hỏi tất yếu với Nhà nước xã hội Đức để tồn tại và có thể lợi dụng tối đa mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của toàn cầu hoá cũng như sự thay đổi của tình hình trong nước nhằm tạo ra khả năng mới, thực hiện mục tiêu xã hội của Nhà nước trong bối cảnh hiện nay.

Cổng Brandenburg. Công trình được cây dựng từ năm 1788 tới 1791 và được tôn vinh là công trình kiến trúc cổ điển Ðức xuất sắc nhất.

Hai là,
Nhà nước xã hội Đức phải tích cực cải cách. Xuất phát từ tình hình thực tế của nước Đức hiện nay, một số người dân không muốn lao động để sống, chỉ muốn sống dựa vào trợ cấp của Nhà nước; mặt khác dân số Đức ngày càng già hoá, lực lượng lao động trẻ giảm, nhiều người không muốn sinh con để có được mức sống cao, tuổi thọ của người dân ngày càng cao, quỹ lương hưu tăng, dịch vụ y tế và các dịch vụ xã hội khác đều tăng làm gia tăng sức ép đối với khả năng chi trả của Nhà nước. Vì vậy nếu không tích cực cải cách Nhà nước xã hội theo hướng giảm phần chi của Nhà nước, tăng phần tự chịu trách nhiệm của người dân thì Nhà nước xã hội Đức sẽ không thể tồn tại được. Mục đích và nội dung chính của cải cách Nhà nước ở Cộng hoà liên bang Đức hiện nay là:

a- Tạo lập sự cân bằng mới giữa trách nhiệm Nhà nước, sáng kiến riêng và hoạt động xã hội

Nhà nước và nền hành chính phải xác định lại nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong điều kiện xã hội đã đổi thay. Nhà nước xã hội thực hiện chia sẻ trách nhiệm với xã hội, khuyến khích việc đảm đương trách nhiệm xã hội ở những nơi có thể. Cuộc cải cách Nhà nước và nền hành chính phải tạo lập sự cân bằng mới giữa trách nhiệm Nhà nước, sáng kiến riêng và hoạt động xã hội. Nhà nước khi đó sẽ không còn mang tính chất là người quyết định mà đúng hơn là người dẫn dắt và khích lệ quá trình phát triển xã hội. Vì thế, điều trước tiên là cần phải phối hợp lực lượng giữa các chủ thể Nhà nước, nửa Nhà nước và tư nhân để thực hiện các mục tiêu chung. Cần tăng cường sự hợp tác nhằm vừa phát triển Nhà nước xã hội hiện đại, vừa nâng cao vai trò tự chịu trách nhiệm của toàn xã hội.

b- Duy trì năng lực hoạt động của Nhà nước xã hội trong điều kiện ngân sách eo hẹp và môi trường xã hội thay đổi do tác động của toàn cầu hoá.

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện nay của Nhà nước xã hội Đức là phải đưa ra những chính sách ưu tiên mới trong điều kiện thiếu nguồn tài chính cùng những thách thức xã hội mới đặt ra mà chưa hề có kinh nghiệm làm thế nào để có thể vượt qua. Đưa ra những chính sách ưu tiên mới đồng thời "đóng băng" thậm chí là cắt giảm nguồn tài chính được phân bổ có nghĩa là có người sẽ mất mát. Nếu không muốn những người yếu thế về xã hội và chính trị đơn phương gánh chịu "mất mát", thì phải thay đổi quan hệ giữa Nhà nước và xã hội. (Nhà nước và người dân cùng chịu trách nhiệm) đi đôi với phân cấp trách nhiệm. Tiêu điểm của nhà nước xã hội hiện đại là đặt trách nhiệm và sự giàng buộc của nhà nước vào trọng tâm và thường xuyên cân bằng chúng với những đóng góp của các bên tham gia. Phân cấp trách nhiệm giữa nhà nước và xã hội bao gồm các định hướng cơ bản sau:

* Nhà nước xã hội chịu trách nhiệm bảo đảm đối với nhiệm vụ công, khi đã xác định được một lợi ích công quan trọng theo một quá trình dân chủ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp tài chính và thi hành.

* Nhà nước chỉ đảm nhận trách nhiệm tài trợ, một khi không thể tạo được nguồn thu hợp lý từ thị trường hoặc là tài trợ của Nhà nước hoàn toàn đáp ứng mục tiêu chính trị, chẳng hạn như để cân đối cho những đối tượng chịu thiệt thòi về mặt xã hội.

* Nhà nước chỉ đảm nhận trách nhiệm tài trợ khi không có bên thứ ba (phi Nhà nước) hoặc khi bên thứ ba không được phép tiến hành vì rủi ro, lạm dụng hay vì những lĩnh vực thiết yếu như an ninh quốc gia, bảo vệ pháp luật, quản lý tài chính.

Ngoài ba trách nhiệm trên, Nhà nước xã hội hiện đại cần và nhất thiết phải có một nhiệm vụ nữa là trách nhiệm lãnh đạo chính trị, được thể hiện ở sự "cầm quyền khôn khéo". Trách nhiệm lãnh đạo này bao gồm những chức năng chiến lược cơ bản như : "chức năng định hướng" thảo luận và xác định vấn đề : "chức năng tổ chức" nhằm đảm bảo động viên và tập hợp được mọi chủ thể hành động thuộc một lĩnh vực chính sách cùng tham gia giải quyết vấn đề; "chức năng làm trung gian" có nhiệm vụ tạo ra sự đồng thuận và nhất trí với những phương hướng hành động chung và khích lệ các chủ thể thực hiện vai trò và chức năng của họ. Với tinh thần khích lệ hợp tác và tự điều tiết một cách sáng suốt, trách nhiệm lãnh đạo chính trị tạo ra cả tiền đề chức năng lẫn khuôn khổ cho những quá trình hợp tác và chia sẻ trách nhiệm mới (xác định mục tiêu, xác lập khuôn khổ pháp lý v.v...). Vì thế, Nhà nước không chỉ là người định hướng, dẫn dắt và khích lệ, mà đôi khi còn phải làm trọng tài biết dừng trận đấu, biết thổi còi chấm dứt cuộc chơi và cho đấu lại. Đó là chức năng gây sức ép và giành quyền quyết định cuối cùng, chức năng này càng trở nên quan trọng, một khi giữa kết quả các quá trình hợp tác và tính hợp lý của toàn bộ hệ thống có khoảng cách quá lớn.

c- Chia sẻ và phân cấp trách nhiệm

Ðaị lộ dưới cây bồ đề bắt đầu từ phía đông quảng trường Marx-Engels
đến phía tây cổng Brandenburg là một đường phố nổi tiếng nhất
thủ đô Berlin

Tư tưởng then chốt của Nhà nước xã hội hiện nay là chia sẻ trách nhiệm. Đối lập với quan điểm tiêu cực cắt giảm nhiệm vụ công, Nhà nước phải xác định mục tiêu một cách tích cực, "chia sẻ trách nhiệm thay vì giảm tải Nhà nước" như sau : Nhà nước xã hội tập trung vào việc đổi mới phương thức thực hiện nhiệm vụ công, vào những trách nhiệm chung, không từ bỏ trách nhiệm Nhà nước đối với những vấn đề trọng tâm của phúc lợi. Hạt nhân của vấn đề chia sẻ và phân công trách nhiệm là kết hợp trách nhiệm của Nhà nước với hoạt động tự chủ của công dân. Về nguyên tắc đây là "những phương thức thực hiện nhiệm vụ và công cụ điều tiết đã được đổi mới".

Khái niệm "chia sẻ trách nhiệm" thoạt tiên có vẻ gây ra một sự lầm tưởng rằng đó là vấn đề "thẩm quyền". Song thực tế không phải như vậy, đây là vấn đề trách nhiệm được chia (theo cách gọi quốc tế). Nhà nước, các hiệp hội và người dân cùng nhau gánh vác, trong đó trách nhiệm của mỗi bên cần được định nghĩa rõ ràng và định vị một cách tối ưu.

Tư tưởng phân cấp trách nhiệm một cách hợp lý, trong đó mỗi lĩnh vực chức năng vừa phi tập trung hoá, vừa tập hợp trách nhiệm để lựa chọn mục đích cũng như phương tiện thực hiện. Những lĩnh vực chức năng này có những ưu thế nhất định để "tối ưu hoá" các quá trình sản xuất và điều tiết, trên cơ sở thu hút các chủ thể xã hội. "Mô hình điều tiết mới" trong cải cách hành chính (được đánh giá có nhiều triển vọng tại Cộng hoà liên bang Đức) rất coi trọng hoạt động quản lý hợp đồng, tức hệ thống các thoả thuận mục tiêu giữa "trung ương" và các lĩnh vực chức năng độc lập kết hợp với quá trình giám sát đa tầng, trong đó để đánh giá kết quả đã đạt được của mỗi lĩnh vực chỉ lọc ra những kết quả trọng yếu đối với các mục tiêu chung. Tóm lại, đã "phân tách" quá trình sản xuất dịch vụ công xưa nay vẫn được điều tiết một cách tập trung theo kiểu đẳng cấp. Song song với các quá trình phi tập trung hoá và sự phân tách này là các biện pháp điều tiết kết quả. Từ kết quả đạt được trở lại xây dựng dây chuyền tác động, nhằm gắn mục tiêu chung với các lĩnh vực chức năng riêng, vừa để đánh dấu các điểm giao cắt vừa để giúp giải quyết vấn đề. Nhiệm vụ của "chính trị" với tư cách là một cấp kiểm soát chiến lược là đảm bảo để ở bất kỳ cấp độ nào "dòng tác động" cũng chảy liên tục trong điều kiện tối ưu.

d- Xây dựng nguyên tắc chỉ đạo của Nhà nước xã hội hiện đại

Nhà nước hiện đại ở Cộng hoà liên bang Đức tiếp thu những luận chứng trọng tâm của các quan điểm khác nhau về chính sách thể chế và tiến hành hệ thống hoá, xây dựng nên bốn nguyên tắc chỉ đạo của Nhà nước hiện đại như sau :

- Đối thoại thay vì mệnh lệnh (Khi đề ra những ưu tiên khác nhau);

- Hợp tác có mục tiêu rõ ràng thay vì đổ lỗi cho nhau và tư tưởng cát cứ;

- Tối ưu hoá sản phẩm và quy trình thực hiện;

- Hợp tác đồng sản xuất (Giữa những người làm ra dịch vụ công và khách hàng có ý thức tự chịu trách nhiệm).

Mọi quan điểm cải cách, hiện đại hoá Nhà nước và bộ máy hành chính ở Đức hiện nay được đánh giá theo bốn nguyên tắc chỉ đạo này. Ở đây cần phải kiểm tra các điều kiện hoạt động trong các lĩnh vực chính sách khác nhau để vận dụng phù hợp bốn nguyên tắc đó trong từng lĩnh vực chính sách cụ thể.

Ba là, tiếp tục cải cách chế độ lương hưu và dịch vụ y tế theo hướng người lao động tự lo một phần.

Do tuổi thọ của người lao động ngày càng cao, nên lương hưu chỉ nên bảo đảm mức tối thiểu, ai muốn có thu nhập cao khi về hưu thì phải tích luỹ thêm cho bản thân mình. Đối với dịch vụ y tế, người dân khám, chữa bệnh phải nộp một phần phí khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế và trả một phần tiền mua thuốc. Nhà nước không chỉ trả hoàn toàn dịch vụ y tế cho người khám, chữa bệnh, những người già cả, tàn tật không nơi nương tựa được nhà nước nuôi dưỡng bằng quĩ trợ cấp xã hội. Tác động của cải cách trên đây đã giúp giảm phần chi ngân sách của nhà nước.

Bốn là, tăng cường các cơ sở đào tạo lao động có tay nghề cao để thu hút hết lực lượng lao động xã hội vào hoạt động trong nền kinh tế, việc làm này vừa đáp ứng nhu cầu lao động cao của nền kinh tế phát triển - kinh tế tri thức, vừa xoá bỏ tình trạng tồn tại lao động giản đơn dẫn đến thất nghiệp ngày càng cao và cuối cùng là gây khó khăn cho khả năng chi trả trợ cấp xã hội của Nhà nước.

Năm là, xem xét lại giới hạn tuổi về hưu của người lao động, vì tuổi thọ người dân cao, thời gian hưởng lương hưu dài, đó là điều khó khăn của Nhà nước xã hội Đức; cần có giải pháp khắc phục nhằm nâng giới hạn tuổi về hưu cao hơn hiện nay.

Tóm lại, Nhà nước xã hội hiện đại của Đức hiện nay cần phải hợp tác tạo ra thịnh vượng chung, không nên chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi đạo đức hay cầu khẩn các nguồn lực của xã hội dân sự. Nó khắc phục ranh giới giả tạo giữa công (Nhà nước) và tư (xã hội dân sự) bằng cách nắm bắt sáng kiến và thực hiện chiến lược huy động, điều tiết và hỗ trợ mọi tiến trình hợp tác và tự điều tiết có mục tiêu ở tất cả các cấp. Nhiệm vụ then chốt của Nhà nước hiện đại là khích lệ các hệ thống lớn và các tổ chức xã hội thuộc các hệ thống này. Mục đích là khi đánh giá các tổ chức - xét trên phương diện vì lợi ích chung - chủ yếu không phải xuất phát từ vị thế và chức năng của chúng, mà trước hết là từ kết quả mà các tổ chức này mang lại trong quá trình sản xuất. Nhà nước vừa khuyến khích vừa đòi hỏi xã hội. Không đề cao quá mức Nhà nước, cũng không đề cao xã hội dân sự; chỉ có tăng cường hơn nữa sự tham gia của các bên trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích chung mới giúp cho Nhà nước xã hội phúc lợi Đức tồn tại và phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

III- Một số vấn đề có thể nghiên cứu vận dụng vào Việt Nam

Nghiên cứu nhà nước xã hội Đức và những bất cập của nó hiện nay, từ đó rút ra một số vấn đề có thể tham khảo vận dụng vào điều kiện Việt nam. Những vấn đề đó là:

1. Công bằng xã hội và tự do xã hội là quyền cơ bản của con người, thực hiện tốt công bằng và tự do xã hội sẽ tạo ra sự ổn định, phát triển của xã hội. Vì vậy, khi làm chính sách kinh tế - xã hội phải quan tâm tới vấn đề này, chính sách phải tiếp cận ngày càng sát với khái niệm công bằng và tự do để điều chỉnh giới hạn cho phù hợp mới tạo được động lực mạnh thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.

2. Trong nền kinh tế thị trường, công bằng xã hội không có nghĩa là cào bằng thu nhập của mọi người như nhau, vì từng người có khả năng lao động khác nhau tạo ra năng suất lao động khác nhau, đóng góp cho xã hội khác nhau, do đó họ cũng có thu nhập khác nhau. Vấn đề quan trọng là Nhà nước phải xác định mức độ hợp lý của khoảng cách đến đâu là vừa và hợp lý để điều tiết.

3. Xây dựng một Nhà nước xã hội tích cực thay vì Nhà nước "bao cấp" hoặc Nhà nước "bảo hộ" hoàn toàn đòi hỏi mỗi người dân phải biết tự lo cho mình đến đâu và Nhà nước hỗ trợ đến đâu. Phải giáo dục cho người dân hiểu rõ không có một Nhà nước nào có thể lo cho người dân mọi thứ, người dân phải có trách nhiệm tự lo cho mình trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa hỗ trợ của Nhà nước và tự lo của cá nhân. Từ kinh nghiệm của Nhà nước xã hội Đức cho tháy cái giá phải trả cho "Nhà nước xã hội bảo trợ hoàn toàn" là quá đắt. Hiện nay để lấy lại sự thăng bằng giữa bảo trợ của Nhà nước với tự lo cho mình của người dân ở Cộng hoà liên bang Đức, trong nhiều mặt của bảo hiểm xã hội nhất là hưu trí, y tế, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp xã hội ... là vấn đề không thật dễ dàng.

4. Ở nước ta giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, giữa dân với dân là một vấn đề quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; làm sao bảo đảm được sự cân đối hài hoà, hợp lý trong quá trình thực hiện mục tiêu : "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

5. Tăng năng suất lao động xã hội là giải pháp bền vững nhất để nâng cao sức cạnh tranh thị trường. Trong điều kiện toàn cầu hoá, để nâng cao sức cạnh tranh thị trường không thể chỉ dựa vào những ưu đãi của thiên nhiên và giá nhân công rẻ vì những ưu đãi này ngày càng hết dần đi; mà giải pháp bền vững nhất, lâu dài nhất là tăng năng suất lao động xã hội.

6. Trong nền kinh tế thị trường phải hết sức lưu ý giải quyết mâu thuẫn giữa tự do cá nhân và tự do xã hội. Do đó phải đề cao vai trò tham gia và quyền tham quyết của người lao động với xí nghiệp thông qua tổ chức công đoàn. Công bằng và tự do xã hội thực chất là vấn đề dân chủ. Để thực hiện tốt công bằng và tự do xã hội phải mở rộng dân chủ, đặc biệt là dân chủ từ cơ sở.

7. Ở Việt Nam Đảng và nhà nước ta chủ trương thực thi chính sách kinh tế hàng hoá nhiều thành phần trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; vì vậy trong nền kinh tế tồn tại nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động có hiệu quả, cần phải dựa vào luật cạnh tranh để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp này, hỗ trợ họ để có điều kiện tồn tại và phát triển tốt, nhất là ở thời kỳ hậu WTO và sự tác động sấu của khủng hoảng suy thoái kinh tế thế giới hiện nay; đồng thời phải có một hệ thống chính sách phúc lợi xã hội tích cực, hợp lý đối với mọi tầng lớp dân cư.

8. Quan tâm hỗ trợ giáo dục đào tạo thế hệ trẻ - lực lượng lao động có tri thức cao của tương lai vì trong một nước nền kinh tế còn kém phát triển, gia đình không đủ điều kiện cho con em mình học hành đến nơi đến chốn, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ giúp đỡ các cháu có điều kiện học hành tốt nhất.

9. Việt Nam cần phải xây dựng một Nhà nước xã hội (Nhà nước của dân, do dân, vì dân) vững mạnh, độc lập, đừng để các hiệp hội quá mạnh lấn át Nhà nước. Vai trò của Nhà nước trong qúa trình chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lúc đầu là hỗ trợ, khi nền kinh tế thị trường đã phát triển phải chuyển sang điều tiết xã hội là chính, trong đó điều tiết kinh tế, điều tiết lợi ích là quan trọng nhất.

  • PGS,TS Cao Duy Hạ
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất