Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 9/7/2009 8:54'(GMT+7)

Tổ chức tốt việc học tập chủ đề năm 2009 nhằm thiết thực nâng cao hiệu quả Cuộc vận động

1. Theo kế hoạch, trong năm 2009 toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta sẽ học tập chủ đề “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Đây là nội dung tiếp theo các chủ đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã học tập năm 2007, 2008. Học tập tốt chủ đề này có ý nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao hiệu quả Cuộc vận động, đẩy mạnh làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Chủ đề học tập theo từng năm trong toàn khóa có mục tiêu chung là xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức trong xã hội ta, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang là lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bản thân tên của Cuộc vận động đã thể hiện rõ hai nhiệm vụ chủ yếu là qua học tập để nâng cao nhận thức về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tự giác, tích cực làm theo.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, tinh hoa văn hóa nhân loại với tư tưởng đạo đức tiên tiến nhất của mọi thời đại là đạo đức cộng sản. Ở Hồ Chí Minh có sự kết hợp tự nhiên giữa tư tưởng đạo đức với hành vi đạo đức mẫu mực như chính cuộc sống của Người. Nâng cao nhận thức đạo đức về tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là để tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Với mỗi người, không thể làm hoàn toàn như Bác, bởi Bác là một vĩ nhân, hiếm có trên đời, nhưng làm theo Bác thì với mọi người, ở trong vị trí công tác và vai trò xã hội của mình đều có thể làm được. “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” luôn luôn là sự kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao ý thức đạo đức và thực hiện các hành vi đạo đức, “học tập và làm theo”.

Cụ thể hóa kế hoạch toàn khóa, ngày 24-4-2009 Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã có Hướng dẫn số 09-HD/BCĐTW, xác định mục đích, yêu cầu của việc học tập chủ đề này là để “tiếp tục nghiên cứu sâu sắc hơn nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó góp phần đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo kế hoạch, trong học tập có trao đổi, thảo luận, liên hệ, gắn với kiểm điểm 40 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác. Thời gian triển khai từ dịp 19-5-2009, kỷ niệm 119 năm ngày sinh đến dịp 2-9-2009, kỷ niệm 40 năm ngày công bố bản Di chúc bất hủ của Người.

2. Học tập chủ đề nâng cao ý thức trách nhiệm là một nội dung quan trọng để nâng cao nhận thức đẩy mạnh làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Trách nhiệm là phần việc được giao, nghĩa vụ phải làm tròn theo cương vị, chức trách của mình. Mỗi người đều có vị trí, vai trò, chức năng nhất định trong các mối quan hệ xã hội, do vậy đều có những trách nhiệm cụ thể nhất định. Đó là trách nhiệm thành viên của mỗi người trong quan hệ gia đình; trong cộng đồng, tổ chức, xã hội; trách nhiệm công dân trong quan hệ với đất nước; trách nhiệm phục vụ nhân dân, là công bộc của dân, của cán bộ, công chức…

Trách nhiệm là một khái niệm kép, vừa thuộc phạm trù đạo đức, vừa thuộc phạm trù pháp luật. Có trách nhiệm chỉ chịu sự phán xét của dư luận, đạo đức. Có trách nhiệm ngoài sự phán xét của dư luận, đạo đức còn chịu sự xét xử của pháp luật. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, chịu sự phán xét cả của dư luận, đạo đức, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Do vậy, không ai có thể “trốn tránh” trách nhiệm của mình. Nhận thức đúng đắn trách nhiệm để tự giác thực hiện có vai trò quan trọng.

Ý thức trách nhiệm là sự nhận thức (nông, sâu, đầy đủ hay chưa đầy đủ) về nghĩa vụ phải hoàn thành trong mối quan hệ nhất định. Ngược lại với ý thức trách nhiệm là thái độ vô trách nhiệm. Hồ Chí Minh chỉ rõ trách nhiệm của mỗi người trong các mối quan hệ, nhưng nhấn mạnh trước hết là trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân. Người thường nhắc nhở mỗi người có 3 trách nhiệm: trước Đảng, trước dân, trước công việc. Trong 3 trách nhiệm đó, trước hết cần có ý thức trách nhiệm cao trước công việc, trước nhân dân để làm thật tốt rồi mới đem kết quả đó mà báo cáo với cấp trên, với Đảng.

3. Mục đích của việc nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân gắn với kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện nay thể hiện trong các điểm sau:

Một là, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Dân tộc Việt Nam, với 54 dân tộc anh em hình thành và phát triển trên một miền đất có điều kiện tự nhiên vừa thuận lợi, vừa khắc nghiệt, gắn liền với nền văn minh lúa nước. Vì vậy, ngay từ rất sớm đã hình thành cộng đồng dân tộc thống nhất, dựa trên các cộng đồng làng xã phát triển và bền vững. Trong mối quan hệ chặt chẽ và gắn bó qua nhiều đời đó, mỗi thành viên là một bộ phận không tách rời của cộng đồng, có lợi ích chung và có trách nhiệm chung. Đó chính là nguồn sức mạnh của cộng đồng.

Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã xác định nhiệm vụ “phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”. Việc động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặc biệt phát huy vai trò nêu gương đi trước, làm trước của cán bộ, đảng viên, công chức… có ý nghĩa quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Hai là, phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, cục bộ, địa phương...

Trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, chủ nghĩa yêu nước đã giữ vai trò to lớn, có ý nghĩa quyết định. Lòng yêu nước, bắt nguồn từ yêu nhà, yêu quê hương xứ sở, Tổ quốc, nhân dân, là sức mạnh vô địch... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(1). Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay có cơ hội lớn và thách thức lớn, rất cần phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, được thể hiện cụ thể trong ý thức trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.

Đối lập với tinh thần tập thể, ý thức trách nhiệm trước tập thể là chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của cộng đồng. Ông cha ta đã ca ngợi những người có công với làng, với nước, dựng đền thờ, tôn vinh là thánh, là thần, là phật hoàng, là thành hoàng…, đồng thời phê phán gay gắt những kẻ phản bội, đầu hàng, những thói hư, tật xấu, chủ nghĩa cá nhân…

Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, những mặt tiêu cực của toàn cầu hóa, của cơ chế kinh tế thị trường khách quan tác động vào tư tưởng mỗi người, kích thích chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, làm suy giảm sự cố kết của cộng đồng dân tộc. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch cũng lợi dụng điều kiện đó để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, khuyến khích lối sống cá nhân, thực dụng, hưởng thụ, vọng ngoại… là một trong những thủ đoạn chủ yếu. Trong điều kiện đó, việc làm rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân; trên cơ sở tôn trọng lợi ích và quyền tự do của mỗi cá nhân, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm của cá nhân trước tập thể, cộng đồng, Tổ quốc và nhân dân có nghĩa to lớn và tác dụng xã hội tích cực.

Ba là, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có phẩm chất đạo đức cách mạng, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới

Đảng ta ngay từ khi mới ra đời đã xác định nhiệm vụ tổ chức, lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành lại nền độc lập và xây dựng xã hội XHCN. Ngoài mục đích đó, Đảng không có lợi ích nào khác. Chính vì vậy, Đảng đã được nhân dân tin cậy, đi theo, làm nên những thắng lợi vẻ vang trong thế kỷ XX. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành lại nền độc lập cho dân tộc. Đó là chiến thắng trong các cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó là thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới.

Trong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện nhiệm vụ đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phải chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải xác định rõ trách nhiệm của mình trước Tổ quốc và nhân dân. Đó là nhân tố quyết định, bảo đảm thắng lợi của công cuộc đổi mới.

Công tác xây dựng Đảng trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đồng thời cũng còn nhiều yếu kém, khuyết điểm. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức đã và đang làm giảm sức chiến đấu của Đảng, làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng. Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong giai đoạn hiện nay là một giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, góp phần làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, hoàn thành trách nhiệm vẻ vang trước Tổ quốc và nhân dân.

Bốn là, đưa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu, đẩy mạnh việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là Cuộc vận động lớn, kéo dài nhiều năm, trong đó có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác và tổ chức thực hiện làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Trong hai năm 2007, 2008, theo Kế hoạch toàn khóa đã ban hành, việc triển khai Cuộc vận động đã đạt được kết quả quan trọng. Nhiệm vụ của những năm sắp tới là tiếp tục kết hợp giáo dục nhận thức theo các chủ đề với tăng cường tổ chức, hướng dẫn việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Nghiên cứu, quán triệt tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân có ý nghĩa thiết thực và trực tiếp trong thực hiện nhiệm vụ này.

Năm nay là năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành tổng kết 40 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác. Việc học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người về ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là biểu hiện làm theo Di chúc của Bác một cách thiết thực, góp phần tạo nên sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, phấn đấu đạt được các mục tiêu do Đại hội X của Đảng đã đề ra.

4. Về hình thức tổ chức học tập chủ đề năm nay, Hướng dẫn số 09-HD/BCĐTW đã chỉ rõ, trong thực hiện cần chú ý một số điểm chính là:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức học tập tập trung theo đơn vị là đảng bộ cơ sở. Theo yêu cầu này, cán bộ, đảng viên của Đảng đều tham gia học tập cùng tổ chức đảng với sinh hoạt, trong đó có các nội dung nghe giới thiệu chủ đề, trao đổi, thảo luận, xây dựng chương trình hành động làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Với các cấp ủy đảng, nếu có tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt cần xác định rõ mục đích tổ chức là để quán triệt chủ trương, kế hoạch và biện pháp triển khai, tạo sự thống nhất trong thực hiện. Việc cán bộ chủ chốt dự hội nghị triển khai không thay cho việc tham gia đầy đủ các sinh hoạt cùng đảng viên thuộc đảng bộ.

Thứ hai, mỗi tập thể và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức tham gia học tập đều cần thiết xây dung chương trình hành động làm theo tấm gương đạo đức của Bác, bằng việc đăng ký những việc làm cụ thể, thiết thực, báo cáo trước chi bộ, đơn vị và có kiểm tra đánh giá thực hiện hàng tháng.

Thứ ba, trong quá trình học tập, mỗi đảng bộ cần xây dựng báo cáo kiểm điểm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác và để đề ra những nội dung phấn đấu thực hiện những lời dạy chân thành, thân thiết của Người trong Di chúc bằng những việc làm cụ thể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

5. Để đẩy mạnh làm theo tấm gương đạo đức của Bác theo Hướng dẫn 09-HD/BCĐTW, trong học tập chủ đề cần chú ý đến một số điểm sau:

Một là, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức về ý thức trách nhiệm, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Giáo dục đạo đức trước hết là tác động vào nhận thức, tạo ra ý thức đạo đức đúng đắn, qua đó mỗi người tự giác thực hiện để có hành vi đạo đức phù hợp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ cách mạng, tiêu biểu nhất là “trung với nước, hiếu với dân”. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức về ý thức trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết cần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, để vận dụng và làm theo.

Học tập và làm theo tư tưởng “tận trung với nước, tận hiếu với dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là mỗi người phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của đất nước, của dân tộc, đặt độc lập dân tộc, chủ quyền và lợi ích quốc gia lên trên hết và trước hết. Ý thức hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của mỗi người phải được thể hiện trong hành động đem hết tài năng, sức lực cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho sự phát triển của đất nước theo con đường XHCN.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mỗi cán bộ, công chức phải hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của mình theo đúng pháp lệnh công chức. Biểu hiện cụ thể là làm tốt những công việc hàng ngày, nhất là những việc liên quan tới đời sống của người dân.

Để nâng cao ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cần kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan niệm và biểu hiện sai trái. Đó là sự lầm lẫn giữa quyền lực của Nhà nước, được Nhà nước giao tập thể, cá nhân thay mặt Nhà nước thực hiện với quyền lực cá nhân. Sự lẫn lộn đó dẫn tới cơn khát quyền lực, chạy chức, mua quyền, bán quyền, lộng quyền, cửa quyền, tham quyền cố vị. Khi có quyền mà thiếu lương tâm sẽ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân, đục khoét dân, ăn của đút, “dĩ công vi tư”. Lúc sinh thời Bác Hồ đã cảnh báo: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”(2).

Hai là, cụ thể hóa ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, mỗi người, dù ở cương vị nào cũng cần phải tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức. Người đã có nhiều lời dạy rất cụ thể về đạo đức của các giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội… Những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị và cần được cụ thể hóa trong điều kiện mới.

Cơ sở để vận dụng, cụ thể hóa những lời dạy của Bác với các giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội là đường lối, quan điểm, giải pháp… đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Đó là đảm bảo quyền làm chủ của dân “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thực hiện đường lối quần chúng “gần dân, học dân, gắn bó với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực hiện được nhiệm vụ của người cán bộ “nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, đảm bảo dân sinh, nâng cao dân trí”. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, dù làm việc ở vị trí nào cũng đều cần quán triệt những quan điểm chung đó.

Cần cụ thể hóa tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân thành các nhiệm vụ trên từng vị trí công tác, từng loại công việc. Thấm nhuần, quán triệt sâu sắc tư tưởng và tấm gương vì nước quên mình, vì nhân dân phục vụ của Bác Hồ để vận dụng, cụ thể hóa nội dung những lời dạy của Bác đối với ngành, địa phương, giới mình trong điều kiện mới, gắn với hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức, hướng dẫn với động viên, kiểm tra, giám sát việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hướng vào việc nâng cao vai trò tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Vì vậy, cần động viên, khuyến khích, hướng dẫn mọi người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, công chức tự giác đề ra chỉ tiêu phấn đấu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong đợt học tập chủ đề “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” của năm nay, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức ở mọi cấp, mọi ngành, nhất là các cán bộ lãnh đạo chủ trì, chủ chốt, cần xây dựng kế hoạch của mỗi cá nhân học tập và làm theo Bác với những việc làm cụ thể, định kỳ báo cáo trước chi bộ, cơ quan, đơn vị.

Để hỗ trợ mỗi cá nhân thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi tập thể đảng, chính quyền, đoàn thể xây dựng chương trình hành động, giúp đỡ, giám sát và kiểm tra việc tự giác làm theo. Định kỳ yêu cầu các cá nhân báo cáo những việc đã làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Bốn là, phát huy vai trò nêu gương của các bộ chủ trì, chủ chốt, cán bộ, đảng viên theo tinh thần trên trước, dưới sau, đảng viên đi trước, để “làng nước theo sau” trong làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Một trong những nguyên tắc thực hành đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải nêu gương về đạo đức. Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người đều phải nêu gương về đạo đức. Ông bà nêu gương cho con cháu, cha mẹ nêu gương cho con, anh chị nêu gương cho em, cán bộ, đảng viên nêu gương cho quần chúng... Phát huy vai trò nêu gương trong thực hành đạo đức có ý nghĩa to lớn không chỉ trước mắt mà còn mãi mãi lâu dài về sau.

Trong phạm vi xã hội, việc nêu gương về đạo đức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp, có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, nhân dân ta đã có câu nói rất hay và rất đúng là “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Theo yêu cầu đó của dân, trong Đảng và hệ thống quản lý nhà nước, việc lãnh đạo đi trước, làm trước để đảng viên, quần chúng, nhân dân đi sau, làm theo có ý nghĩa rất quan trọng. Việc nêu gương về đạo đức không chỉ là sự vận động mà phải trở thành những quy định, sự ràng buộc trách nhiệm để mỗi người đều tự giác và cần phải thực hiện. Các cấp, các ngành cần chủ động ban hành các quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo trước nhân viên; cán bộ, đảng viên trước quần chúng.

Năm là, gắn nội dung, hình thức tổ chức học tập, sinh hoạt chính trị theo chủ đề “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh với tổ chức các hội nghị điển hình tiến tiến, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng những tập thể cá nhân có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp huyện và cấp tỉnh, làm cho Cuộc vận động được tiến hành sôi nổi, liên tục trên địa bàn./.

--------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t.6, tr.171.

(2) Sđd, t.4, tr.57

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất