Thứ Ba, 26/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 3/9/2012 22:25'(GMT+7)

Một số vấn đề được quan tâm trong năm học mới

Tưng bừng khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa

Tưng bừng khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa

1.Giảm tải chương trình . Việc giảm tải chương trình có rất nhiều vấn đề. Có những vấn đề cùng một kiến thức nhưng được dạy ở nhiều môn. Có những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên. Lại có những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Mặt khác cần điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương cho phù hợp.

Là người trong cuộc, ai cũng có thể dẫn ra một vài ví dụ dưới đây:

Ở lớp 8: Môn Hóa học Bài 6 mục IV. “Trạng thái của chất” (trang 24 SGK hóa học 8) đã được học ở môn Vật lý 8. Cũng môn Hóa học, ở lớp 9 bài 11 mục I “Những nhu cầu của cây trồng” (trang 37 SGK hóa học 9) đã được học ở môn Sinh 9… thì có thể chọn một môn để dạy, các môn khác cắt bỏ phần trùng lặp. Hay môn Toán lớp 10: Mục I “Ôn tập hàm số bậc nhất” và mục II “Hàm số hằng y = b của §2. Hàm số y = ax + b” (Tr. 39-41), Chương II. Hàm số bậc nhất và bậc hai cần cắt bỏ không dạy vì học sinh đã học ở §2 §3 (tr 46-51) Chương II, Đại số lớp 9. Với những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu cũng cần lọc bớt. Ví dụ như môn Địa lý lớp 6 bài 18 “Thời tiết, khí hậu và nhiệt độ không khí” có câu hỏi 2. “Tại sao lại có sự khác nhau giữa khí hậu đại dương và lục địa?”. Câu hỏi này yêu cầu kiến thức chuyên sâu, không phù hợp với học sinh lớp 6 và nội dung của bài không đủ kiến thức để trả lời, nên cần cắt giảm. Cần điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương cho phù hợp. Ví dụ môn công nghệ lớp 7 ở các thành phố có thể dạy về kĩ thuật trồng cây cảnh thay vì phải dạy kiến thức về trồng cây gây rừng. Đối với những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay cần sắp xếp lại. Ví dụ môn Mỹ thuật lớp 7: Bài “Mỹ thuật thời Trần” và bài “Một số công trình mỹ thuật thời Trần” trước đây được dạy cách nhau 8 tuần thì nay sắp xếp hai tiết này ở hai tuần liền nhau để giáo viên và học sinh thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị đồ dùng, và mạch kiến thức được liên tục, không ngắt quãng.

2.Chống lạm thu. Chuyện lạm thu đang là vấn đề “nóng” của ngành giáo dục. Có nhiều nơi lý giải vì khoán quỹ lương nên nếu trường không thu tăng sẽ không thể đủ chi cho các hoạt động. Nhiều nơi đã mượn danh nghĩa Hội Phụ huynh học sinh (PHHS) để thu thêm nhiều khoản (gọi là khoản thu thỏa thuận, tự nguyện) và vô tình PHHS đã tiếp tay cho các khoản thu bất minh .

Các khoản theo quy định của nhà nước chỉ là học phí theo cấp học Các khoản thu tự nguyện gồm Bảo hiểm y tế, thân thể. Còn quỹ Hội phụ huynh học sinh, quỹ Đội, quỹ lớp, Chữ thập đỏ, nước uống, gửi xe, đồng phục, tiền xây dựng…đều là “thu hộ”, “thu theo thoả thuận”. Các loại quỹ hỗ trợ như “hỗ trợ xây dựng trường chuẩn quốc gia”, “hỗ trợ xây dựng thư viện chuẩn”, hỗ trợ san lấp sân”, “hỗ trợ hoạt động A, kỳ thi B, giải thưởng C…” đều có sự “thoả thuận” của PHHS. Đó là chưa kể mỗi lớp lại có sự “thoả thuận” riêng của các phụ huynh vì “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” nên “nhờ cô giáo thu giúp” quỹ riêng của PHHS lớp đó chi cho các ngày lễ tết gọi là có món quà nhỏ với các thầy cô…

Học phí ở các trường đều phải thu theo quy định, có hoá đơn giao cho người thu và lưu lại. Các khoản thu còn lại đều không có hoá đơn, chỉ có người nộp ký vào sổ của giáo viên chủ nhiệm mà không có gì lưu lại trong tay người nộp. Như vậy, nếu thanh tra cấp trên có về cũng chẳng có bằng chứng nào để nói là cơ sở đó lạm thu cả. Nhưng các khoản thu “thoả thuận”, “tự nguyện” này lên đến cả tiền triệu /1học sinh, thường chỉ được phát lệnh thu sau khi họp PHHS đã có biên bản “thoả thuận” do người đại diện PHHS lớp đó ký vào. Đó là chưa kể đến chuyện học thêm hàng tháng: học sinh “tự nguỵện” làm đơn, bố mẹ “thoả thuận” ký vào và mỗi tháng phải nộp 1 khoản tiền cũng không nhỏ. Gọi là “tự nguyện” đi học, nhưng không có học sinh nào không “tự nguyện” cả, mà cũng không phụ huynh nào dại gì mà không ký vào đơn “thoả thuận”. Việc thu này không thống nhất giữa các trường mà hoàn toàn do nhu cầu của từng trường, muốn hoạt động tốt thì phải thu nhiều hơn. Việc khoán quỹ lương khiến những người quản lý phải tính toán thật chi tiết sao cho chế độ tiền lương của anh chị em giáo viên vẫn đảm bảo mà các hoạt động của nhà trường vẫn được duy trì tốt. Đó cũng là cái khó của ngành giáo dục cần sự chia sẻ của xã hội và PHHS.

Để khắc phục cần nâng cao vai trò của PHHS: Với những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh như tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống..., nhà trường cần thỏa thuận với phụ huynh về chủ trương thu, công khai mức thu, nội dung chi bảo đảm nguyên tắc thu đủ bù chi. Đối với những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh như đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu..., cần thống nhất giá cả, kiểu mẫu với phụ huynh và để họ tự lựa chọn, quyết định hình thức thực hiện thích hợp. Với các khoản đóng góp tự nguyện, cần tổ chức thu, quản lý và thông báo dự toán sử dụng, công khai quyết toán theo đúng quy định của pháp luật; không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp.

3. Giảm quá tải về sĩ số: Theo quy định về số học sinh trên 1 lớp ở Tiểu học không quá 30 em, Trung học cơ sở không quá 45 em. Nhưng thực tế nhiều nơi con số này vẫn vượt , bởi số lượng học sinh đông mà trường lớp thì có hạn. Việc này riêng ngành giáo dục không thể giải quyết được, vì việc giảm sự quá tải về sĩ số học sinh phải liên quan chặt chẽ đến việc xây thêm trường lớp. Hiện tại, các địa phương đang “bế tắc” về quỹ đất xây trường thì ngành giáo dục không thể hạn chế học sinh đến trường, không thể bắt học sinh nghỉ học vì thiếu trường lớp. Đây là vấn đề cần lộ trình lâu dài, không thể làm ngay trong một sớm một chiều. Muốn giải được bài toán quá tải sĩ số học sinh, việc xây dựng trường lớp cần đi với giải pháp đồng bộ của Ủy ban nhân dân các cấp cùng với Bộ Giáo dục.

4. Vấn đề giáo viên : Sự mất cân bằng về tỉ lệ giáo viên giữa các trường vẫn còn. Theo quy định thì tỉ lệ giáo viên tại các trường sẽ là 1,7 giáo viên/1 lớp, nhưng ở các khu đô thị lớn, tỉ lệ này tăng rất nhiều, trong khi đó ở các trường vùng sâu vùng xa vẫn còn hiện tượng lớp ghép (một giáo viên phải cùng 1 lúc dạy 2 lớp với 2 giáo án khác nhau). Hoặc có sự mất cân đối giữa giáo viên các bộ môn, đặc biệt các môn ít giờ (không dạy thêm được) như nhạc, họa, giáo dục công dân, lịch sử, địa lý…lại càng thiếu trong khi đó giáo viên toán, văn thì lại quá nhiều. Để khắc phục, các cơ quan chức năng cần có chỉ đạo việc tuyển dụng sớm và nhiều đợt nhằm đảm bảo đủ giáo viên tại một số tỉnh, thành để cơ bản đáp ứng đủ giáo viên cho việc giảng dạy. Kiên quyết điều động giáo viên đến công tác ở những vùng khó khăn để cân đối giáo viên các môn học và điều tiết tỉ lệ thừa thiếu cục bộ.

5. Huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư cho giáo dục.

Trước ngày khai trường, tại nhiều địa phương, công tác hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng đã được tích cực triển khai. Ở Hà Nội, nhiều nơi đã tổ chức quyên góp giấy vở tặng học sinh nghèo. Những suất quà tặng học sing vượt khó học giỏi đã được trao cho đúng đối tượng trong ngày khai giảng. Công ty sách thiết bị trường học Hà Nội hàng năm còn triển khai chương trình tặng sách giáo khoa cho con thương binh liệt sĩ trên địa bàn thành phố. Nhiều tỉnh khác cũng đã vận động quyên góp quần áo, sách vở cho học sinh vùng khó khăn; phát động phong trào “áo trắng tặng bạn đến trường” trong học sinh. Nhiều nơi cũng đã huy động nguồn đầu tư cho trường học của các “Mạnh thường quân” về cơ sở vật chất - đặc biệt là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Nhiều hạng mục như sân chơi, khu thể thao, lán gửi xe đạp, trang trí khuôn viên trường học, khung cảnh sư phạm… cũng được khang trang hơn từ nguồn xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, trong khi Nhà nước chưa kịp triển khai đồng bộ đến tất cả các trường thì địa phương cần phát huy hơn nữa những nguồn này để tăng thêm cơ sở vật chất phục vụ cho con em mình trong học tập.

Bên cạnh những vấn đề “nóng” đã nêu trên, còn nhiều vấn đề khác cũng được xã hội quan tâm trước thềm năm học mới. Hy vọng với quyết tâm cao của ngành giáo dục, và sự đồng thuận, chung tay giúp đỡ của xã hội, năm học 2012-2013 này sẽ là một năm khởi sắc của nền giáo dục nước nhà, tạo đà cho những năm tiếp theo, sớm hoàn thiện việc đổi mới căn bản và toàn diện về nâng cao chất lượng giáo dục.

Nguyễn Thị Diệp






Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất