Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 21/1/2009 23:17'(GMT+7)

Mùa xuân và người nghệ sĩ

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Đối với người nghệ sĩ đích thực, lúc nào cũng là mùa xuân, bởi trong họ luôn có sự sinh sôi nảy nở và luôn là ngọn nguồn của sáng tạo mới lạ. Nhưng thế nào là nghệ sĩ đích thực? Phải đặt vấn đề như vậy bởi vì hiện nay không thiếu gì người ăn lương làm nghệ thuật nhưng không thể gọi được là nghệ sĩ. Bản thân họ hoặc bạn bè đã ngộ nhận. Trong khi có người làm nghề nghiệp khác, hoạt động nghệ thuật chỉ là “tay trái” mà là nghệ sĩ thực thụ. Vậy lấy gì phân biệt? Đó là hiệu quả sáng tạo, là chất lượng cái mới trong những thành quả nghệ thuật, chứ không phải một cái mác hay một bề dày số lượng thuần tuý. Không thể hoàn thành sứ mạng nghệ sĩ khi anh không làm rung lên được cảm xúc thẩm mỹ trong trái tim công chúng thưởng thức. Không khác ngày hôm qua, không tự vượt lên chính mình, không có gì mới so với tác phẩm trước đã có, tức khắc anh không còn công chúng nữa. Sự nhàm chán đã tước bỏ vai trò nghệ sĩ của anh.

Mùa xuân về mang lại niềm vui cho thiên nhiên và muôn người.Với nghệ sĩ, có thể anh ta vẫn thấy buồn và có khi càng buồn hơn. Cái buồn bây giờ không phải là sự bế tắc về lý tưởng, hướng đi như các thi nhân lãng mạn trước cách mạng Tháng Tám:

                        Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
                        Mang chi xuân lại gợi thêm sầu
                        Với tôi tất cả như vô nghĩa
                        Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.”
                                                                         
(Chế Lan Viên)

Buồn bây giờ mang tính thẩm mỹ. Mùa xuân là sự khởi thuỷ cho mọi sự nảy nở sinh sôi. Người nghệ sĩ lo lắng nghĩ đến sự sáng tác trong năm tới. Có thể những sáng tác cuả anh ta trong năm qua đã hay, đã được công chúng tán thưởng. Nhưng đó là cuả năm qua, và đó cũng là công chúng cuả năm qua. Năm nay phải khác, đòi hỏi của công chúng cũng khác. Nhưng họ đòi hỏi cao hơn hay thấp hơn? Cái cao hơn thì anh lo nhưng vui mừng, còn thấp hơn thì thật đáng buồn, đáng sợ. Nếu năm nay “gu” thẩm mỹ của công chúng cao hơn, bắt buộc người nghệ sĩ phải tìm tòi sáng tạo mạnh hơn, nhiều hơn. Nhiều hơn thì chắc nhiều người dễ dàng đồng tình hưởng ứng, nhưng mạnh hơn thì chẳng đơn giản chút nào. Mạnh mẽ trong sáng tạo nghệ thuật đồng nghĩa với sự công phá những thành trì kiên cố nhất đã nhiều năm ngự trị trong cảm thụ của rất nhiều thế hệ. Thường thì sự lành hiền chân phương vui vẻ bao giờ cũng suôn sẻ chấp nhận. Đảng và nhà nước ta trọng tài, khuyến khích mọi tìm tòi sáng tạo làm phong phú, giàu có nền văn nghệ của đất nước. Nhưng trách nhiệm chăm sóc giám sát lại ở những bộ óc, trái tim, đôi mắt của những con người cụ thể. Vì trên thực tế, nhiều tác phẩm không đáp ứng được tính Chân-Thiện-Mỹ vẫn được “trình” ra công chúng và cũng không ít những tác phẩm văn nghệ sâu sắc, giàu tính sáng tạo, biết trân trọng, ca ngợi cái đẹp, mạnh dạn lên án cái xấu, cái ác thì người kiểm duyệt lại bỏ qua vì sự “an toàn” của họ. Ở đậy, phải chăng còn có sự chưa đồng bộ, đồng hành giữa người quản lý với lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Hậu quả là, sẽ “cho qua” những sản phẩm không đạt “tiêu chuẩn” và không nâng đỡ, khuyến khích được những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đích thực.

Trong cái rét ngọt của những ngày cuối năm, người nghệ sĩ thường tĩnh tâm, nhâm nhi bên chén rượu, ly trà để nghĩ lại những gì mình đã tạo ra trong những tác phẩm năm qua. Bỗng có nhiều người giật mình khi thấy: Ôi có nhiều cái chẳng phải nghệ thuật đã được người ta đổ xô tìm đến, thậm chí tung hô náo nhiệt. Và các bạn bè cầm bút phê bình lý luận cũng phụ hoạ tâng bốc lên tận mây xanh , thậm chí còn hướng dẫn cho dư luận đề cao. Đó là kiểu gì vậy? Rất nhiều sự ngộ nhận đã gặp nhau: Tác giả nghĩ rằng mình thành công, công chúng tự thấy mình mộ điệu, còn nhà phê bình thì cho rằng mình đã có công phát hiện định hướng chỉ dẫn. Rồi, người nghệ sĩ ấy bỗng lại buồn: Đó là nghệ thuật hay thương mại? Đâu là ranh giới? Người ta ủng hộ cái gì, lên án cái gì? Xem ra cả xã hội sẵn lòng đề cao nghệ thuật chân chính và lên án tình trạng thương mại hoá nghệ thuật. Vui đấy rồi cũng buồn ngay đấy. Đề cao nghệ thuật thì phải tạo ra những điều kiện để nó phát triển, ít nhất là những thứ tối thiểu. Đằng này lại bắt nó tuân thủ những quy luật nghiệt ngã của thị trường thì làm sao lại muốn nó trở thành nghệ thuật đích thực được? Nó phải nhảy sang địa hạt hàng hoá thông thường với tất cả mọi thủ thuật câu khách, thậm chí có khi phải là giả, phải “mập mờ đánh lận con đen”. Họ bỗng tự thấy xấu hổ với sự nổi tiếng cuả mình.

Bản chất nghệ sĩ là sáng tạo, làm nên cái mới, là không bao giờ vừa ý với cái đã có. Mùa xuân thiên nhiên chỉ xảy ra 3 tháng đầu mỗi năm, còn người nghệ sĩ lúc nào cũng cần là mùa xuân vậy. Họ có sức chống đỡ mãnh liệt với sự lão hoá của thời gian. Mái tóc có thể bạc, những nếp nhăn có thể hằn sâu trên khuôn mặt từng trải, nhưng tâm hồn họ phải luôn bắt mạch , hoà nhập với tuổi trẻ. Sự cằn cỗi đồng nghĩa với sự tước bỏ chức năng người nghệ sĩ. Lúc nào đó người nghệ sĩ cảm thấy bị tù hãm, nhức nhối trong một khuôn khổ chật hẹp nào đó, muốn cưạ quậy thoát ra thì cũng chỉ là thiên hướng muốn vươn tới sự sáng tạo, muốn đi tìm một cái đẹp viên mãn hoàn chỉnh hơn. Bởi vậy đối với họ, mùa xuân còn đồng nghĩa với sự tự do. Tuy nhiên, tự do ở đây cần hiểu là sự giải toả tư tưởng ra khỏi những định kiến, mặc cảm hạn hẹp, thiển cận để tiếp cận với những giá trị văn minh của trí tuệ con người. Và cũng chẳng nên nhắc tới ở đây sự gây nhiễu nguy hại của những người nhân danh nghệ sĩ, nhân danh cái mới, nhân danh tiến bộ để xuyên tạc sự thật, vì những động cơ cá nhân, vụ lợi nằm ngoài nghệ thuật.

Dưới ánh nắng mùa Xuân, tấm lòng người nghệ sĩ được sưởi ấm, được nuôi dưỡng thêm ước mơ sáng tạo. Họ muốn làm những tia nắng ấm, góp phần “hong sấy” cho đời, hiến cho đời những hoa thơm, trái ngọt./.

Nguyễn Đình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất