Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 17/1/2009 13:57'(GMT+7)

Văn hoá của người tham gia lễ hội văn hoá

Lễ hội thi tiến sỹ võ ở Festival Huế

Lễ hội thi tiến sỹ võ ở Festival Huế

Cùng với hàng nghìn lễ hội dân gian truyền thống, ở nước ta ngày càng có nhiều các lễ hội văn hoá diễn ra ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Tiêu biểu như: Festival Huế, Ngày văn hoá-du lịch- thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Khơ-me Nam Bộ, Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột, Liên hoan Hát then Đàn tính, Festival Tây Sơn - Bình Định, thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, lễ hội mận Bắc Hà, lê hội đua ghe-ngo ở Đồng bằng Sông Cửu Long.v.v...

Mỗi lễ hội đều được sự chuẩn bị khá chu đáo. Festival Huế được tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế và các đơn vị chuẩn bị trong vòng hai năm. Những lễ hội này cũng có sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, cán bộ, nhân viên của ngành văn hoá- thể thao- du lịch và các đơn vị có liên quan. Hoạt động của các lễ hội khá phong phú, thể hiện ở các hoạt động: tái hiện các lễ hội dân gian truyền thống, biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu nét văn hoá trong trang phục, ẩm thực, trò chơi dân gian và thể thao dân tộc, giới thiệu các tua du lịch sinh thái, đưa người tham gia lễ hội đến với những vẻ đẹp nguyên sơ và hấp dẫn của mỗi dân tộc, mỗi vùng đất...

Ban tổ chức các lễ hội đều gửi gắm tới cộng đồng những tình cảm tốt đẹp, khơi dậy tình cảm trân trọng bản sắc dân tộc và định hướng lớp trẻ về thẩm mỹ, lối sống. Chính vì thế, mỗi lễ hội thực sự là một "bữa tiệc văn hoá" đậm đà bản sắc dân tộc, nên càng này càng thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia.

Tuy vậy, Ban tổ chức một số lễ hội văn hoá còn lúng túng trong khâu tổ chức và không phải đạo diễn nào cũng hiểu biết một cách sâu sắc văn hoá của các dân tộc, nên nhiều tiết mục đưa vào lễ hội một cách khiên cưỡng hoặc không phù hợp với phong tục, tập quán và đời sống tâm linh của đồng bào.

Người ta nói đi lễ hội là để chơi, để vui, để hoà lòng mình với cộng đồng; tổ chức lễ hội làm ra là để tất cả mọi người cùng được thưởng thức. Thế nhưng nhiều người, nhất là các bạn trẻ chỉ biết mình mà quên đi cộnng đồng. Họ bất chấp những qui định, giành giật, chen lấn, xô đẩy người già, phụ nữ, trẻ em... Trong lễ hội Đền Trần ở Nam Định đã có nhiều cụ già bị ngất, phải đi cấp cứu vì bị làn sóng của hàng nghìn người chen lấn vào "xin ấn". Không gian lễ hội là thanh tao, nhưng nhiều người cảm thấy bận tai vì phải nghe những lời nói tục, chửi bậy. Mọi người ăn quà bánh thản nhiên vứt ngay xuống chân, các hàng rong, hàng quà bánh cũng thi nhau "xâm lấn" vào các lễ hội, làm mất mỹ quan và an ninh trật tự.

Nhiều tệ nạn xã hội nảy sinh trong các lễ hội văn hoá như: nạn trộm cắp, cướp giật tài sản của người đi dự hội. Nạn bói toán, cờ bạc vẫn tồn tại công khai. Các dịch vụ ăn theo lễ hội cũng thi nhau "móc túi" du khách: tiền cơm, tiền uống nước, tiền vé vào cửa, tiền gửi xe... đều tăng gấp nhiều lần ngày thường. Khách có thắc mắc nhiều khi còn phải hứng chịu những trận chửi bới như tát nước của chủ hàng, đành phải cúi mặt mà bước đi.

Việc một số người thản nhiên bê hoa, bứt cành, bẻ hoa trong Lễ hội hoa Hà Nội vừa qua và Lễ hội hoa Anh đào năm 2007 là những việc làm đáng xấu hổ. Đến với lễ hội là đến với không gian giàu văn hoá, mọi ứng xử phải chừng mực, tinh tế, nhưng một số người, trong đó có thanh niên lại ứng xử thiếu văn hoá.

Dư luận xã hội cần lên án mạnh mẽ những hành động xấu trong những lễ hội văn hoá. Ban tổ chức các lễ hội cần có sự tính toán khoa học trong cách sắp xếp, bài trí, dự kiến những tình huống có thể xảy ra và phạt thật nặng những kẻ có hành vi huỷ hoại các tác phẩm, công trình của lễ hội.

Về lâu dài, những bài học giáo dục công dân trong trường phổ thông cũng cần chú trọng cung cấp cho thanh thiếu niên về văn hoá nơi cộng đồng để các em có ý thức hơn khi tham gia các lễ hội và các hoạt động ở nơi công cộng, từ đó xây dựng nếp văn hoá lành mạnh trong các lễ hội văn hoá./.

 Mai Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất