(TCTG) - Ngày mai đã là 23 Tháng Chạp Mậu Tý. Theo phong tục của người Việt, đây là ngày cúng ông Công, ông Táo. Hầu hết các gia đình đều sắm một mâm lễ vật thể hiện sự thành kính và tâm lành, hướng thiện. Nhưng do chưa hiểu biết đầy đủ về phong tục này, nhiều gia đình vẫn đốt quá nhiều vàng mã, gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường.
Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục lâu đời của người Việt. Ngày 23 tháng Chạp, theo dân gian đây là Tết Táo Quân hoặc Tết ông Công ông Táo. Dân gian cho rằng hôm nay là ngày vua bếp lên chầu Ngọc Hoàng, để tâu việc Thiện, Ác của nhân gian.
Tục lệ cúng ông Công ông Táo xuất phát từ quan niệm "Vạn vận hữu linh, đất có thổ công, sông có hà bá". Người Việt luôn coi trọng những vị thần cai quản nơi sinh sống như thổ công, thổ địa và thần bếp. Trong văn hoá truyền thống của dân tộc ta, vị trí của bếp rất quan trọng. Bếp là biểu tượng của một gia đình, thể hiện sự quây quần ấm cúng. Người ta thường có câu "bếp luôn đỏ lửa" để nói về sự đầm ấm, hạnh phúc của một gia đình. Việc cúng Táo Quân cũng nhằm bày tỏ sự tri ân với vị thần đã quanh năm lo toan cai quản duy trì nếp sinh hoạt của gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người có trách nhiệm hơn với gia đình mình.
Chính vì thế, việc hiểu đúng bản chất của tục cúng ông Công, ông Táo để có cách ứng xử với truyền thống văn hoá phù hợp, vừa thể hiện ý nghĩa tâm linh, vừa giáo dục việc gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống và hướng con người chăm lo, vun đắp cho hạnh phúc gia đình, là hết sức cần thiết.
Điều cần nhấn mạnh là tục cúng ông Công, ông Táo, cũng như các phong tục tốt đẹp khác của dân tộc luôn luôn hướng con người tới những điều Thiện, điều Tốt lành. Trong suốt một năm, mọi người đều cố gắng làm những việc tốt, làm ăn lương thiện, sống hoà thuận, đầm ấm và nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái tốt. Trong những lời cầu khấn với thần linh gói trọn những điều mong ước tốt đẹp cho gia đình, cộng đồng và đất nước trong mùa xuân mới. Đây là động lực thúc đẩy mọi người ngày càng phấn đấu, nỗ lực để dân giàu, nước mạnh.
Lễ vật cúng ông Công, ông Táo cốt yếu là thể hiện sự thành kính, thành tâm, tránh sự lãng phí tiền của không cần thiết. Nhiều gia đình tốn hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng mua lễ vật, chỉ với mong muốn rất ảo là để ông Táo nhà mình lên trời thật sang. Lấy tiền thật để mua đồ giấy đốt đi, vừa tốn kém không cần thiết, vừa trái với phong tục truyền thống. Tổng cộng, số tiền để mua đồ vàng mã thái quá ấy cũng lên tới hàng tỷ đồng. Số tiền này nếu đem giúp cho nhiều gia đình nghèo, gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, để mọi nhà được hưởng niềm vui, sự đầm ấm trong dịp Tết đến Xuân về, thì chắc chắc sẽ thêm vui lòng ông Công, ông Táo.
Một hiện tượng xấu lâu nay vẫn chưa khắc phục được, đó là việc sau khi cúng ông Công, ông Táo các gia đình mang cá chép ra sông, hồ để phóng sinh, tiện tay vứt luôn túi ni-lông ra sông, hồ. Nhiều nơi sau ngày 23 Tháng Chạp, túi ni lông nổi lềnh bềnh kín cả một góc sông, hồ và các nhân viên làm vệ sinh môi trường phải rất vất vả để vớt lượng túi ni-lông này. Đây là một việc làm chưa đẹp, làm ảnh hưởng tới môi trường sống của chúng ta. Mong rằng mọi người sau khi thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối... hãy nhớ làm một việc đơn giản là: bỏ túi ni-lông vào thùng rác.
Theo phong tục của người Việt, ngày 23 Tháng Chạp được tính là thời điểm bắt đầu của Tết Nguyên đán. Mong rằng mỗi gia đình hãy cùng gìn giữ các phong tục đẹp trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, với tinh thần tiết kiệm, hướng thiện và giữ môi trường sống Xanh, Sạch, Đẹp, để cùng hướng tới những ước vọng về một năm mới tốt lành./.
MH