Thứ Sáu, 27/12/2024
Xã hội
Thứ Bảy, 3/1/2015 9:40'(GMT+7)

Năm 2015: Sẽ kiểm tra chéo về số liệu tai nạn giao thông

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại Lào Cai (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại Lào Cai (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, xây dựng văn hóa giao thông là gốc rễ, nền tảng để đảm bảo kiềm chế và giảm tai nạn giao thông một cách bền vững. Đây là giải pháp căn cơ nhất mà chúng ta phải làm liên tục, lâu dài.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng xung quanh vấn đề này.

Bắt đúng “bệnh”

- Ông đánh giá như thế nào về công tác đảm bảo an toàn giao thông trong năm vừa qua?

Ông Khuất Việt Hùng: Được sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong năm 2014 có nhiều bước tiến triển đáng khích lệ.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội vừa đánh giá, Chính phủ, các Bộ ngành thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã hoàn thành mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo Nghị quyết số 53 của Quốc hội đề ra.

Cụ thể, từ ngày 16/12/2013 đến 15/12/2014, toàn quốc xảy ra 25.322 vụ, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 4.063 vụ, giảm 373 người chết, giảm 5.083 người bị thương. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.

Kết quả này được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, tạo cơ sở vững chắc để Quốc hội giao nhiệm vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 2015 là giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả 3 tiêu chí, đặc biệt là trên tất cả tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Năm 2014, tai nạn giao thông ở đô thị, thành phố lớn giảm, nhưng ở nông thôn lại gia tăng. Vậy, đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Tai nạn giao thông ở đô thị luôn giảm nhanh hơn so với nông thôn. Đây cũng là lý do tại sao năm 2015 chúng ta tập trung về cơ sở, về nông thôn từ kiện toàn bộ máy đến truyền thông.

Ngoài đẩy mạnh quá trình cứng hóa kết cấu hạ tầng thì phải nâng cao ý thức của người dân ở tất cả các vùng miền, dân tộc, tôn giáo. Đây cũng là lý do tại sao công tác truyền thông luôn nói cuối cùng nhưng luôn luôn là biện pháp để đưa tất cả những giải pháp trên vào cuộc bởi có con đường, có biển báo, có vạch sơn nhưng người dân không biết biển báo kia là gì, không biết con đường kết nối đến đâu, không biết xe nào đi trên đường này thì sẽ xảy ra tai nạn.

Chúng ta có thể không có tiền để làm đường, có thể lực lượng Cảnh sát giao thông quá mỏng không tăng cường kiểm tra kiểm soát được nhưng nhiệm vụ giáo dục tuyên truyền vận động luôn phải làm không bao giờ ngừng nghỉ.

Kiểm tra chéo về số liệu tai nạn

- Có ý kiến cho rằng, nhiều địa phương vấn “ém” số liệu tai nạn giao thông để “lấy thành tích” đã dẫn đến con số “vênh.” Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Khuất Việt Hùng: Hiện nay, số liệu kênh tai nạn giao thông đầu tiên là của lực lượng Cảnh sát giao thông, kênh thứ hai là từ các Ban An toàn giao thông đại phương gửi lên đồng thời tính minh bạch càng ngày càng cao, nhất là sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông.

Với độ “mở” như thế này thông tin về tai nạn giao thông sẽ khác. Năm nay, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin sẽ kết nối dữ liệu của Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bảo hiểm để chia sẻ thông tin với nhau.

Năm 2015 sẽ có sự kiểm tra chéo lẫn nhau để khắc phục được các vấn đề về thông tin. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ thống kê tai nạn giao thông theo tiêu chuẩn Quốc tế dần dần sẽ khớp vào hệ thống chung. Vì vậy vấn đề về số liệu, tôi khẳng định sẽ ngày càng tốt hơn.

- Năm 2014, đề án tái cơ cấu đã được triển khai trong ngành giao thông vận tải. Ông có thể nói rõ hơn về kết quả mà ngành đã đạt được trong vấn đề này ?

Ông Khuất Việt Hùng: Năm 2014 cũng là năm quan trọng trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành giao thông vận tải, trong đó thực hiện chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020. Chúng ta giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào vận tải đường bộ.

Năm 2014, vận tải hàng hóa đường bộ chiếm hơn 70% còn lại đường thủy nội địa chỉ khoảng 17%, hàng hải 8%, đường sắt 1%. Việc thực hiện tái cơ cấu là nâng cao năng lực của đường thủy nội địa, đường sắt, công bố các tuyến vận tải qua sông qua biển và đặc biệt là các tuyến vận tải ven biển vào hoạt động.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện thì tần suất và sản lượng của vận tải đường bộ giảm nhưng vận tải hàng hải, đường thủy nội địa, ven biển đều tăng.

Về hành khách, việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô thì vận tải hành khách đường sắt đã tăng, đặc biệt là sự bùng nổ của hàng không giá rẻ. Việc này đã định hình lại và đưa cơ cấu của thị trường vận tải hành khách trở về đúng vị trí vốn có.

- Ông có thể cho biết về nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông vận tải năm 2015 và những năm tiếp theo?

Ông Khuất Việt Hùng: Năm 2015, ngành giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện xây dựng bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các địa phương, đánh giá về kết quả bảo đảm an toàn giao thông. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về kết quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho từng địa phương.

Khẩu hiệu năm 2015 sẽ tiếp tục là siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện với mục tiêu tính mạng con người là trên hết. Kế hoạch triển khai hành động cụ thể thì Ban An toàn giao thông các địa phương sẽ triển khai. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải có kế hoạch cụ thể thực hiện năm an toàn giao thông.

Năm tới sẽ tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành giao thông vận tải để định hình thị trường vận tải gắn với tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện để đưa thị trường vận tải trở về đúng cơ cấu của nó. Các phương thức vận tải trở về đúng vị trí trong hệ thống vận tải 5 phương thức đường sắt-đường sông-đường thủy-đường bộ-hàng không-hàng hải.

Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an cũng như các ban ngành đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đưa ra là lấy an toàn của người tham gia giao thông, lấy cái thuận lợi an toàn của đơn vị kinh doanh vận tải trong hoạt động kinh doanh của mình làm tôn chỉ mục đích để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất