Nắm bắt dư luận xã hội hay nói một cách khác là thu nhận tâm tư nguyện vọng, bức xúc của nhân dân được MTTQ quận Thanh Xuân (Hà Nội) coi là một nhiệm vụ quan trọng trong nhiều năm qua. Chỉ có nắm chắc được tình hình của người dân thì mới có thể tham mưu chính xác cho cấp ủy, chính quyền trong mọi hoạt động.
Tuy nhiên, việc nắm bắt dư luận xã hội chính xác là một nhiệm vụ không dễ chút nào, bởi trong số những ý kiến bức xúc có cả những ý kiến “chính đáng” và cả những ý kiến mang động cơ cá nhân.
Một trong những việc mà Mặt trận quận Thanh Xuân dựa vào để thu nhận tình hình dư luận nhân dân là hòm thư góp ý. Nhiều năm nay, những hòm thư góp ý được Mặt trận quận treo ở ngay trong sân UBND các phường nhưng không hề nhận được dù chỉ 1 lá thư góp ý. Người dân đã không dám đến gần hòm thư vì sợ bị nghi ngờ phiền phức. Tâm lý “đấu tranh thì tránh đâu” đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Khi cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa rõ ràng thì không ai dám chính danh nói thật. Chỉ có những người bị đè nén, bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp một cách trắng trợn thì mới đấu tranh, thậm chí đấu tranh quyết liệt.
Đã có sáng kiến thí điểm treo hộp thư góp ý này ra bên ngoài để người dân đỡ ngại hơn nhưng khi triển khai, hòm thư đã bị bọn xấu lấy mất.
Kênh thứ 2 mà Mặt trận quận Thanh Xuân thông qua để thu nhận ý kiến người dân là đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Trong năm 2010, Mặt trận quận chỉ nhận được 3 lá đơn. Đơn thứ nhất là của 77 hộ gia đình ở phường Khương Đình đề nghị UBND phường xem xét lại quyết định xây dựng nhà khu dân cư số 10. Đơn thứ 2 là đơn của bà Nguyễn Thị Kim Thu tố cáo một số gia đình xây nhà không phép và đơn thứ 3 là đơn của bà Vũ Thị Thanh Nga tố cáo một cán bộ của phường Phương Liệt. Vâng, đó là số đơn thư ít ỏi mà người dân gửi đến Mặt trận trong khi đó trong năm 2010 Thanh Xuân là một trong những điểm nóng về khiếu kiện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Còn những đơn thư mà người dân gửi đến MTTQ các phường thì thường trực MTTQ quận lại không nắm được.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình dư luận xã hội đầu năm 2011 này, bà Trần Thị Xuân, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ quận cho biết: “Bà con nhân dân bức xúc nhất là việc giải phóng mặt bằng ở phường Nhân Chính thuộc dự án Nam Thăng Long, chưa có quyết định thu hồi đất nên dân không cho cán bộ vào kiểm đếm đo đất. Đường sá trong phường nhiều đoạn xuống cấp mà không thấy cơ quan chủ quản sửa chữa mặc dù dân đã kiến nghị nhiều. Trong phường Khương Trung hiện còn 17 nhà siêu mỏng, siêu méo, dân kiến nghị phải giải quyết có lý có tình thì mới hy vọng có kết quả. Ngoài ra, trên địa bàn quận còn nhiều dự án dở dang, tiến độ thi công rất chậm khiến cuộc sống của bà con nhân dân bị ảnh hưởng, nhất là vệ sinh môi trường. Một số nhà dân nằm trong dự án quy hoạch treo nên không được phép sửa chữa khiến cho cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn...”.
Qua tìm hiểu tình hình, chúng tôi thấy người dân đến Mặt trận phản ánh tâm tư nguyện vọng ngày càng ít đi. Cả 1 năm trời mà MTTQ quận Thanh Xuân chỉ nhận được 3 lá đơn là quá ít. Điều này nói lên rằng Mặt trận đã không thực hiện được nhiệm vụ giám sát hoạt động giải quyết đơn thư của dân, ngoài việc phê chữ “kính chuyển” rồi gửi đi. Có những nơi nhiều năm là điểm nóng về khiếu kiện nhưng suốt cả năm trời Mặt trận không nhận được dù 1 lá đơn của dân, thậm chí không có ai tìm đến phản ánh tâm tư nguyện vọng. Đó là một thực trạng mà Mặt trận cần kiểm điểm lại vai trò là đại diện cho tiếng nói của nhân dân, giám sát việc giải quyết đơn thư của dân.
Hiện nay ở nhiều nơi Mặt trận đã đầu tư nhiều thời gian vào những việc như vận động ủng hộ từ thiện, thống kê hộ nghèo... mà dường như lãng quên nhiệm vụ chính là nắm bắt dư luận xã hội, phản ánh tâm tư nguyện vọng của dân và đặc biệt là vai trò giám sát cũng như phản biện xã hội.
Theo Lê Tự/ Đại đoàn kết