Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 22/3/2011 12:36'(GMT+7)

Tuyên truyền theo phương pháp Hồ Chí Minh

“Tuyên truyền” theo Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng năm 2009 là "phổ biến, giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành, ủng hộ, làm theo". Mục tiêu của tuyên truyền hiện đại không dừng lại ở việc thay đổi suy nghĩ hay thái độ của quần chúng, mà cần phải tạo hành động trong quần chúng. Tuyên truyền không chỉ lôi kéo cá nhân ra khỏi sự tin tưởng cũ, mà cần phải làm cá nhân đó tin vào suy nghĩ mới và đưa đến hành động. Vì vậy, theo R. A. Nelson, “tuyên truyền” được định nghĩa như một dạng truyền thông có hệ thống, có chủ ý, nhằm tác động đến cảm xúc, thái độ, ý kiến và hành động của một nhóm người xác định, vì các mục đích tư tưởng, chính trị, v.v..thông qua việc truyền các thông điệp một chiều, được kiểm soát trên các phương tiện truyền thông. Còn theo Hồ Chí Minh, tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm và nếu không đạt được mục đích đó, có nghĩa là việc tuyên truyền thất bại.

Xác định đúng đối tượng tuyên truyền là yêu cầu đầu tiên

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, trong hoạt động tuyên truyền, xác định đúng đối tượng là quan trọng nhất, vì “đối tượng tuyên truyền” là người đặt ra yêu cầu, quy định để “người làm công tác tuyên truyền” lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức và phương tiện tuyên truyền phù hợp. Để đạt được hiệu quả tuyên truyền, người đi tuyên truyền phải nắm vững đối tượng, vì “Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”[1], và “bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn”[2], cho nên người làm công tác tuyên truyền không thể sử dụng một nội dung, một phương pháp cho mọi đối tượng mà mình định tuyên truyền.

Từ thực tiễn, Hồ Chí Minh chỉ rõ hiện tượng, “người tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy nhất định thất bại”[3], nên, hiệu quả công tác tuyên truyền không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người tuyên truyền, mà phụ thuộc vào khả năng, mức độ tiếp nhận thông tin của đối tượng được tuyên truyền. Vì lẽ đó, Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ tuyên truyền, khi nói cũng như khi viết, sao cho: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”[4], trên tinh thần thấm nhuần quan điểm: nói và viết cho ai đọc, ai nghe? nói và viết điều gì, như thế nào thế đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ?

Cũng theo Hồ Chí Minh, để nắm được đối tượng, người cán bộ tuyên truyền phải đi, phải nghe, phải xem, phải hỏi, phải ghi chép. Vì vậy, Người thường nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu và chính xác, với tinh thần, “người lính đánh giặc, người dân đi làm không cho phép xem lâu. Vì vậy, ngắn chừng nào tốt chừng nấy”[5], nhưng nói và viết không nhất thiết phải ngắn mới tốt. Ngắn gọn theo Hồ Chí Minh nghĩa là: “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi. Cách viết thế, cách nói cũng thế. Nói phải gọn gàng, có đầu có đuôi, có nội dung… Nói ít nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn”[6]. Theo quan điểm Người, tuyên truyền bao giờ cũng phải đảm bảo tính thiết thực, cụ thể, gắn với thực tiễn đời sống của đối tượng. Để đạt được yêu cầu đó, trong hoạt động tuyên truyền, Hồ Chí Minh luôn tự đặt ra và trả lời các câu hỏi sau: Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền bằng cách nào? Và Người tự khẳng định: “Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”[7].

Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: những cách tuyên truyền, những lớp huấn luyện có nội dung không phù hợp với đối tượng nhất định sẽ không thu được kết quả hữu hiệu, vì vậy, người làm công tác tuyên truyền “khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc một bài diễn văn, nhất định phải đọc đi đọc lại vài lần. Tự mình phê bình bài của mình, hỏi ý kiến các đồng chí khác… Rửa mặt phải kỳ sát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy”[8]. Lời căn dặn này của Hồ Chí Minh – “người thầy vĩ đại về tuyên truyền” đối với cán bộ tuyên truyền được rút ra từ những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động cách mạng của Người.

Phương pháp tuyên truyền phù hợp là một nhân tố đảm bảo thành công

Cũng theo Hồ Chí Minh, nội dung tuyên truyền càng rõ ràng, sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ, lập luận lô gíc chặt chẽ, dễ hiểu, thì dễ lọt tai quần chúng, và quần chúng cũng dễ nhớ, mới tin và hành động tích cực, tự giác hành động để hiện thực hóa niềm tin đó trong thực tiễn. Nói như vậy là, khi người làm công tác tuyên truyền chuẩn bị nội dung công phu, chu đáo, sâu sắc sẽ tránh được lối nói, lối viết ba hoa, rỗng tuyếch, tránh sáo cũ, lặp đi, lặp lại khi không cần thiết. Thực tế đã có những cán bộ tuyên truyền: “Trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói lặp đi, lặp lại những cái người trước đã nói. Hoặc lặp đi, lặp lại những cái mình đã nói rồi. Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn, nói nữa thì chán tai”[9], gây phản cảm khi tuyên truyền. Vì thế, trong công tác tuyên truyền, Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ tuyên truyền phải nhớ, phải hiểu và bao giờ “trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cho cẩn thận. Sau khi viết rồi phải xem đi, xem lại ba bốn lần, nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần”[10].

Hồ Chí Minh khẳng định: tuyên truyền theo cách của quần chúng là dễ “lọt tai” quần chúng nhất và thu được hiệu quả cao nhất. Điều đó có nghĩa là, phải dùng chính cách tuyên truyền và kinh nghiệm của quần chúng mà tuyên truyền cho quần chúng: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng mới nói lọt tai quần chúng. Cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất đơn giản”[11]. Nếu không thấm nhuần lời căn dặn đó, người làm công tác tuyên truyền sẽ gặp phải trường hợp là “khi nói, khi viết khô khan, không hoạt bát, không thiết thực”.

Phân loại đối tượng để tuyền tuyền cho phù hợp và hiệu quả, khi nói chuyện với tín đồ Phật giáo, Hồ Chí Minh nói: “Đời sống của nhân dân chúng ta dần dần càng được cải thiện, cũng giống như tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui, no ấm… tôi mong các vị tăng ni và đồng bào tín đồ đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn nữa để góp phần xây dựng hòa bình chóng thắng lợi”[12].Còn khi vận động đồng bào Công giáo, Người nói: “Từ nay với sự cố gắng của đồng bào, sản xuất sẽ ngày càng phát triển phần xác no ấm thì phần hồn cũng được yên vui”.

Không chỉ có vậy, những người làm công tác tuyên truyền còn tìm thấy từ Người những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình tuyên truyền, vận động thanh niên, phụ nữ, trí thức, công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số,v.v.. và cả những người từng ở bên kia chiến tuyến tham gia, góp sức vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Đúng như Người thường căn dặn: “Chẳng những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết sách, viết báo, những người nghệ sỹ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng, đều là người tuyên truyền của đoàn thể. Vì vậy, ai cũng phải học nói, nhất là nói cho quần chúng hiểu”[13].

Vận dụng phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh trong thực tiễn

Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người còn là một trong những nhà tuyên truyền kiệt xuất nhất của thế kỷ XX. Di sản tư tưởng của Người về phương pháp tuyên truyền, và những bài học kinh nghiệm thực tiễn của Người vô cùng quý giá đối với đội ngũ cán bộ đảng viên nói chung, và những người làm công tác tuyên truyền nói riêng. Với ý nghĩa đó, phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh được phải tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, phổ biến rộng rãi trong trong giai đoạn hiện nay.

Và cũng với ý nghĩa đó, để việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng nói chung, và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI nói riêng nhanh chóng đi vào cuộc sống, một mặt, cùng với việc xác định rõ đối tượng tuyên truyền nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI  (đội ngũ cán bộ đảng viên, đoàn viên thanh niên, các tầng lớp nhân dân, v.v..) là việc Ban tuyên giáo Trung ương phải triển khai biên soạn tài liệu học tập nghị quyết cho từng đối tượng nhanh chóng và kịp thời. Mặt khác, đội  ngũ báo cáo viên phải tiếp tục được củng cố về mọi mặt, không chỉ là việc tổ chức tập huấn về chuyên môn, là việc triển khai nhanh, nắm vững những nội dung các văn kiện của Đại hội; những điểm mới, những điểm được bổ sung trong các văn kiện; những tài liệu cần thiết; phương pháp và thời lượng triển khai từng văn kiện,v.v..mà còn là từ tri thức, sự hiểu biết và nhiệt huyết của mình. Mỗi báo cáo viên phải chuẩn bị thật kỹ nội dung, tài liệu cần thiết cho vấn đề mình sẽ tuyên truyền; để không chỉ nói đúng, nói đủ, nói chính xác những nội dung cần thiết, mà còn phải truyền những nội dung các văn kiện một cách cô đọng, súc tích nhất, để những chủ trương, đường lối, nghị quyết mang tính khái quát cao đó sớm đến được từng đảng viên, đoàn viên thanh niên và quần chúng nhân dân.

Đó là một trong những cách làm thiết thực nhất để người làm công tác tuyên truyền - đội ngũ báo cáo viên sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vào cuộc sống, đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ động viên các phong trào hành động cách mạng, trước mắt tập trung thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2011; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, thường xuyên và liên tục./.

BAN MAI



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.296

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.289

[3]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr 300

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr 306

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.527

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7 tr. 120-121

[7]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.300

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 302- 303

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr 301-302

[10]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr 306

[11]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr 301

[12]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.8, tr.290-291

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr 300

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất