Thứ Hai, 23/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 23/10/2013 19:42'(GMT+7)

Năm năm phát triển đông y ở Lâm Đồng


Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, vùng cao thuộc Nam Tây nguyên, diện tích 9.772,19 km², dân số hơn 1,2 triệu người, trên 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 22% là dân tộc thiểu số; có 2 thành phố là Đà Lạt, Bảo Lộc và 10 huyện với 148 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có hơn 50% là người dân tộc thiểu số và người di dân tự do từ nơi khác đến làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Vốn là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển về y dược học cổ truyền từ kế thừa, bảo tồn, nuôi trồng, khai thác, chế biến dược liệu đến các phương pháp khám, chữa bệnh; đặc biệt là các dược liệu quý hiếm, những bài thuốc gia truyền trong các dân tộc ở trên địa bàn toàn tỉnh, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư “Về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” một cách khá nghiêm túc, qua đó đã nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của đông y và phát triển nền đông y Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam… 

Hiện nay, hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) của Lâm Đồng đang ngày càng hoàn thiện. Tuyến tỉnh hiện có 2 bệnh viện YHCT với 220 giường bệnh. Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện II Lâm Đồng có Khoa YHCT lồng ghép với khoa phục hồi chức năng và số giường bệnh giành riêng cho YHCT là 21 giường. Tại tuyến huyện: 10/12 trung tâm y tế có bộ phận YHCT lồng ghép các khoa khác. Tổng số giường bệnh dành riêng cho YHCT trong toàn tỉnh là 373 chiếm 16,3% so với tổng số giường bệnh kế hoạch toàn tỉnh và tăng 54 giường so với năm 2008. Tại tuyến xã có 145/148 trạm y tế có hoạt động khám chữa bệnh bằng YHCT chiếm 97%, trong đó, chủ yếu là châm cứu, xoa bóp và hướng dẫn người dân sử dụng thuốc nam, số trạm có vườn thuốc nam là 131 đạt tỷ lệ 88,5%, số trạm y tế xã đạt tiên tiến về YHCT là 52 đạt tỷ lệ 35% và tăng 14 xã so với năm 2008. Công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT tại tuyến tỉnh đạt tỷ lệ 19,4%. Số lần khám chữa bệnh bằng YHCT tại tuyến y tế cơ sở hàng năm đạt khoảng 10%. 

Về phát triển mạng lưới hành nghề y dược học cổ truyền (YDHCT) tư nhân: Thực hiện chủ trương xã hội hóa, các cơ sở hành nghề trên địa bàn tỉnh tăng từ 105 cơ sở năm 2008 lên 132 cơ sở vào thời điểm hiện nay. Hội đồng xét duyệt hành nghề YHCT tư nhân có sự tham gia của Hội Đông y và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. 

Về đầu tư nguồn lực:  ngành y tế tập trung chỉ đạo và đầu tư cho công tác y dược học cổ truyền tại 2 bệnh viện YHCT tuyến tỉnh và tuyến y tế cơ sở. Tổng mức đầu tư về xây dựng cơ bản và trang thiết bị cho y học cổ truyền là 46,7 tỷ đồng, trong đó 39 tỷ dành cho xây dựng cơ bản và 7,7 tỷ dành cho mua sắm trang thiết bị. Đầu tư xây dựng cơ bản tập trung vào việc xây dựng bệnh viện YHCT Bảo Lộc theo đề án xây dựng đã được phê duyệt 31 tỷ đồng; nâng cấp, xây dựng khoa nhi, cải tạo sửa chữa các khoa của Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch; còn lại là kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và sửa chữa, nâng cấp cho bộ phận, tổ YHCT, củng cố các vườn thuốc nam tại tuyến huyện, xã.  Đầu tư mua sắm các trang thiết bị tại 2 bệnh viện chuyên khoa YHCT tuyến tỉnh, các khoa, bộ phận, tổ YHCT tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng, TTYT tuyến huyện và các trạm y tế xã…

Về nguồn nhân lực: Tính đến tháng 6/2013, tổng số cán bộ hoạt động trong lĩnh vực YHCT là 228 cán bộ, chiếm tỉ lệ 24%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đã quan tâm ưu tiên việc đào tạo bác sĩ YHCT từ y sĩ YHCT cho 39 cán bộ và đào tạo sau đại học chuyên ngành YHCT cho 07 cán bộ. Thực hiện đề án 1816, nhiều đợt cán bộ có trình độ chuyên môn cao về trung tâm y tế để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về YHCT. Ngoài ra, Lâm Đồng còn giúp đào tạo cho các bệnh viện YHCT tỉnh Phú Yên, Bình Định, Phan Thiết. 

Lâm Đồng đã tiến hành điều tra về dược liệu địa phương và bước đầu đã tham mưu cho UBND tỉnh về nuôi trồng và bảo quản nguồn dược liệu địa phương. Công tác nghiên cứu kế thừa, ứng dụng và kết hợp YHCT với y học hiện đại đã có một số kết quả; từ năm 2008 - 2012 có 20 đề tài thuộc lĩnh vực YDHCT được nghiệm thu và đưa vào sử dụng; 2 đề tài khác đang được triển khai thực hiện và sẽ nghiệm thu vào cuối  năm 2013. Đặc biệt, dược sỹ Nguyễn Thọ Biên đã nghiên cứu và công bố công trình “Danh lục tài nguyên dược liệu Lâm Đồng” với 1.664 loài thực vật, 165 loài động vật và 21 loại khoáng vật làm thuốc… 

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 24 - CT/TW ở Lâm Đồng vẫn còn một số hạn chế như: Việc quán triệt Chỉ thị 24 của một số địa phương, đơn vị còn chậm, chưa sâu rộng, thường xuyên trong cán bộ, đảng viên, ngành y tế cũng như các đoàn thể và các tổ chức xã hội khác; cấp ủy đảng chưa tiến hành kiểm tra, giám sát kịp thời việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nhận thức về phương pháp điều trị theo YHCT còn hạn chế; hệ thống tổ chức YDHCT phát triển chưa đồng bộ; công tác phát triển các loại cây dược liệu trong nhân dân và ở các cơ sở y tế còn ít; việc đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh trên lĩnh vực y học cổ truyền với các thiết bị hiện đại chưa nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân. Đội ngũ thầy thuốc chuyên sâu về YHCT còn thiếu, việc sử dụng cán bộ còn chưa hợp lý ở một số đơn vị; số lượng cán bộ được đào tạo về YDHCT còn ít chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ; chương trình, nội dung và loại hình đào tạo cán bộ YDHCT chưa thống nhất nên trình độ chuyên môn của cán bộ YDHCT còn hạn chế, bất cập. Chưa có kế hoạch và quy hoạch vùng nuôi trồng, phát triển dược liệu, chủ yếu là tự phát; dược liệu sử dụng chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên, chưa có kế hoạch tái sinh và nuôi trồng; chất lượng, giá cả thường xuyên biến động; dạng thuốc còn thô sơ, sử dụng chưa thuận tiện. Công tác kế thừa những bài thuốc hay, cây thuốc quý chưa được quan tâm, chú trọng...

Để tiếp tục triển khai phát triển nền Đông y Việt Nam, Lâm Đồng cũng đã xác định là  cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, thực hiện hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, ngành. Tiếp tục kiện toàn hệ thống khám, chữa bệnh bằng đông y và quản lý nhà nước về đông y từ tỉnh đến cơ sở. Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý giữa các ngành và các cấp. Tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về y học cổ truyền; định hướng đào tạo đội ngũ thầy thuốc đông y bậc cao, các chuyên gia đầu ngành về y học cổ truyền. Xây dựng quy hoạch tổng thể vùng chuyên nuôi trồng dược liệu; đẩy mạnh nghiên cứu, điều tra, bảo tồn, tuyên truyền sử dụng nguồn dược liệu quý ở Lâm Đồng; ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh, đào tạo nhân lực, sản xuất kinh doanh thuốc đông y, phát triển các vùng dược liệu…   

Bùi Thanh Long

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất