THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TTĐN TRÊN BÁO ĐIỆN TỬ
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo, định hướng tăng cường công tác TTĐN qua kênh báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng và coi báo điện tử là một lực lượng quan trọng, chủ lực. Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 10/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác TTĐN trong tình hình mới” xác định: “Phát triển các phương tiện thông tin hiện đại, nhất là internet, truyền hình cáp; đầu tư có trọng điểm cho một số báo hình, báo viết, báo mạng, bằng tiếng Việt Nam và tiếng nước ngoài, tạo ra những thương hiệu báo chí Việt Nam có uy tín quốc tế”. Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/2/2012 của Bộ Chính về “Chiến lược phát triển TTĐN giai đoạn 2011-2020” nhấn mạnh nhiệm vụ: “Phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống báo điện tử, các kênh truyền hình, phát thanh đối ngoại, báo, tạp chí bằng tiếng nước ngoài...”. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội XIII của Đảng cũng đề ra yêu cầu phải: "Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại". Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định: "Tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong TTĐN và đấu tranh dư luận". Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới” chỉ rõ: “Tích cực đổi mới công tác TTĐN theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, sát thực tiễn, phù hợp với nhu cầu trao đổi, tiếp cận thông tin của các đối tượng khác nhau; phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; tiếp tục mở rộng việc sử dụng các ngôn ngữ phổ biến và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong TTĐN”...
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác TTĐN đối với báo điện tử. Ngày 13/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2434/QĐ-TTg Phê duyệt “Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Quyết định này đã đề ra mục tiêu quy hoạch, phát triển một báo điện tử đối ngoại chuyên biệt, chủ lực (với các thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga) nằm trong nhóm 10 báo điện tử có lượng truy cập cao nhất từ Việt Nam và nhóm 5 báo điện tử có lượng truy cập cao nhất từ nước ngoài. Bên cạnh đó là Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 7/09/2015 về “Quản lý hoạt động TTĐN”, Quyết định số 1669/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt "Đề án phát triển một số báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia của Thông tấn xã Việt Nam"...
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BTTTT ngày 8/3/2019 hướng dẫn về quản lý hoạt động TTĐN của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thông tư số 03/2019/TT-BTTTT ngày 6/5/2019 quy định việc đăng, phát nội dung TTĐN trên báo chí...
Việc ban hành được các văn bản nêu trên đã góp phần phát huy, tăng cường hiệu quả việc đăng, phát nội dung công tác TTĐN trên báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng.
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, triển khai Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới - Ảnh: VGP/NN
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền Thông, cả nước có 808 cơ quan báo chí gồm 138 báo và 670 tạp chí (tháng 8/2023), trong đó có 128 báo và 168 tạp chí thực hiện loại hình điện tử. Trong số hơn 800 cơ quan báo chí hiện có 6 báo, đài đã được Nhà nước quy hoạch là cơ quan báo chí đối ngoại: Việt Nam News, Báo Ảnh Việt Nam, Báo điện tử VietnamPlus, kênh phát thanh đối ngoại VOV5 và 2 kênh truyền hình đối ngoại VTV4, VTC10. Đây là lực lượng chủ lực thực hiện công tác TTĐN, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, 242 báo, tạp chí xuất bản bằng tiếng nước ngoài (năm 2023) là lực lượng hỗ trợ thực hiện công tác TTĐN. Ngoài ra, tất cả các cơ quan báo chí của Việt Nam đều đang là lực lượng thực hiện nhiệm vụ TTĐN của đất nước.
Thời gian qua, các cơ quan báo điện tử của Việt Nam đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN, Bộ Thông tin và Truyền thông, duy trì vai trò là kênh thông tin quan trọng trong công tác TTĐN. Trước hết là thông tin thường xuyên, liên tục về chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm, lập trường, tình hình mọi mặt của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương tới nhân dân trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế. Nhân dân các nước tiếp cận thông tin về Việt Nam cập nhật, dễ dàng, nhanh chóng, từ đó chia sẻ và ủng hộ lập trường của Việt Nam trong nhiều vấn đề, đánh giá Việt Nam là một đối tác năng động, chủ động và có trách nhiệm. Thứ hai, góp phần TTĐN về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với nhiều thành tựu, cơ hội hợp tác. Thứ ba, chủ động và thông tin kịp thời, chính xác, đúng định hướng về các vấn đề chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển đảo, phân giới, cắm mốc; chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế; kịp thời phản bác những thông tin bịa đặt, sai sự thật của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Qua đó uy tín, vị thế Việt Nam được khẳng định; bác bỏ những thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Phát huy lợi thế TTĐN trên báo điện tử, việc nâng cao chất lượng thông tin được các cơ quan báo chí coi trọng phát triển nhằm thông tin kịp thời, thuyết phục về đất nước và con người Việt Nam. Các báo điện tử đã tăng cường đổi mới về nội dung, tăng số lượng, chất lượng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, nhu cầu của công chúng các nước theo lĩnh vực để thu hút độc giả. Thông tấn xã Việt Nam mở thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục về TTĐN; tăng số ngôn ngữ của Báo ảnh Việt Nam bản điện tử lên 10 ngôn ngữ; Báo điện tử VietnamPlus có các phiên bản tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha và tiếng Nga, đồng thời có nhiều cải tiến nâng cao chất lượng nội dung, hình thức trình bày và tính cập nhật. Báo Nhân Dân điện tử đã ra mắt 5 ấn phẩm tiếng nước ngoài; chất lượng tin, bài đa ngôn ngữ không ngừng được nâng cao với nhiều hình thức thông tin tuyên truyền, hiện đại đã được áp dụng như video, infographic, megastory hay e-magazine... Tạp chí Thời đại với 5 trang điện tử tiếng Anh, Nga, Trung Quốc, Lào và Khmer có chuyên trang, chuyên mục riêng, được nhiều cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài trích dẫn, sử dụng lại. Báo điện tử Quảng Ninh và nhiều báo điện tử khác, bên cạnh thể hiện bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Anh và Trung Quốc, còn coi trọng hợp tác, sử dụng chuyên gia nước ngoài có chuyên môn, ngôn ngữ báo chí để nâng cao chất lượng biên tập, biên dịch nội dung công tác TTĐN, phù hợp văn phong, ngôn ngữ và hấp dẫn độc giả, góp phần tích cực vào việc “mang Việt Nam đến với thế giới và mang thế giới gần hơn với Việt Nam”.
Thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ quan báo điện tử đã triển khai ứng dụng công nghệ kỹ thuật số tạo ra bước ngoặt thay đổi toàn diện quy trình hoạt động và chất lượng thông tin. Nổi bật là đổi mới về mô hình quản trị tòa soạn; tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý hệ thống; quy trình sản xuất, phát triển nội dung và phương thức tác nghiệp báo chí - truyền thông đa nền tảng; vấn đề tiếp thị công chúng; phương thức quản lý dữ liệu, văn hóa báo chí - truyền thông. Cùng với đó là sản xuất nội dung báo chí số có chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại như: trí tuệ nhân tạo và các phần mềm biên tập, thiết kế, đồ họa, trình bày sản phẩm để tạo ra các trải nghiệm có giá trị đa dạng đến với bạn đọc... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác TTĐN.
Tuy nhiên, trong triển khai, thực hiện công tác TTĐN của báo điện tử vẫn có những hạn chế, bất cập như: chưa khai thác hiệu quả những ưu thế của báo điện tử để truyền tải nội dung TTĐN; thông tin có thời điểm chưa kịp thời, chưa trúng, chưa đúng tầm; nội dung thông tin nhiều khi chưa phù hợp, sức thuyết phục chưa cao; báo điện tử bằng tiếng nước ngoài số lượng còn ít; các cơ quan báo chí chưa đẩy mạnh hợp tác quốc tế; lực lượng phóng viên, biên tập viên thực hiện công tác TTĐN số lượng còn hạn chế và chuyên môn nghiệp vụ chưa đồng đều; chưa phát huy hết hiệu quả những thành tựu của khoa học - công nghệ vào thực hiện công tác TTĐN trên báo điện tử; kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị tác nghiệp còn thiếu, lạc hậu...
Đồng chí Trương Quang Hoài Nam, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương phát biểu tại Hội nghị tập huấn truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. (Nguồn: BTC)
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TTĐN TRÊN BÁO ĐIỆN TỬ
Để khắc phục những hạn chế, bất cập; tận dụng và phát huy hơn nữa hiệu quả loại hình báo điện tử trong thực hiện công tác TTĐN, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó cần quan tâm đến những giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo điện tử trong việc triển khai thực hiện công tác TTĐN.
Thường xuyên định hướng chính trị cho các cơ quan báo điện tử trong thực hiện công tác TTĐN; luôn xác định báo điện tử là lực lượng quan trọng của báo chí đối ngoại quốc gia và là một trong những lực lượng chủ lực trong công tác TTĐN. Để xây dựng, phát triển hệ báo chí đối ngoại, báo điện tử thực hiện công tác TTĐN theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật để đáp ứng được các mục tiêu của Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra.
Thứ hai, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức và phương thức thực hiện công tác TTĐN đối với báo điện tử của Việt Nam.
Trước tình hình diễn biến thế giới và khu vực còn nhiều phức tạp, nhanh và khó lường, dự báo sẽ mang đến cả những thuận lợi thời cơ và khó khăn thách thức đối với Việt Nam trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, các cơ quan báo điện tử thực hiện công tác TTĐN cần bám sát sự chỉ đạo công tác TTĐN ở từng thời điểm, đối với từng vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến cạnh tranh giữa các nước lớn, đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, bảo vệ lợi ích cốt lõi, sống còn của quốc gia, dân tộc.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ làm xóa mờ ranh giới giữa thông tin đối nội và TTĐN đòi hỏi công tác TTĐN trên các cơ quan báo điện tử không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức và phương thức theo phương châm “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”, phù hợp với nhu cầu của các đối tượng, đáp ứng mục tiêu “Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về đất nước Việt Nam hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế”.
Thứ ba, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo quản lý, biên tập viên và phóng viên báo điện tử thực hiện nhiệm vụ TTĐN chính quy, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Để đảm đương tốt trọng trách thực thi công tác TTĐN, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo quản lý, biên tập viên và phóng viên phải đáp ứng được những yêu cầu về phẩm chất, bản lĩnh chính trị, sự sắc sảo, nhanh nhạy; nắm vững tình hình trong nước và quốc tế; hiểu biết sâu sắc về nội dung, đối tượng của công tác TTĐN; có trình độ ngoại ngữ giỏi; có nghiệp vụ báo chí tốt; thành thạo các kỹ năng sử dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại.
Trong thời gian tới, cần phải có chiến lược, kế hoạch xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo quản lý, biên tập viên và phóng viên báo điện tử thực hiện công tác TTĐN; cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng, nghiệp vụ công tác TTĐN; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại các cơ sở đào tạo trọng điểm; chú trọng đào tạo và đào tạo lại kỹ năng làm báo hiện đại; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng. Tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, biên tập viên, phóng viên tham gia các khóa đào tạo tại nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm về công tác TTĐN với các cơ quan báo chí uy tín nước ngoài.
Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác TTĐN đối với báo điện tử và đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế.
Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc thành viên Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN, các bộ, ban, ngành, địa phương, trong việc định hướng, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo điện tử về các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam; các sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước; về tình hình quốc tế, trong nước liên quan đến đối ngoại; hỗ trợ các cơ quan báo điện tử triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn nước ngoài. Phối hợp xây dựng, đặt văn phòng đại diện, văn phòng thường trú báo chí ở nước ngoài. Xây dựng cơ chế phối hợp thông tin giữa các cơ quan báo chí; giữa các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan báo chí đối ngoại. Tăng cường đẩy mạnh hợp tác với các hãng thông tấn, báo chí uy tín nước ngoài.
Thứ năm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ cho báo điện tử thực hiện công tác TTĐN đáp ứng yêu cầu trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số... Do vậy, cần tập trung xây dựng, củng cố và phát triển các cơ quan báo điện tử đối ngoại quốc gia hiện đại, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới; các cơ quan báo điện tử cần phải có những giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; đổi mới công nghệ khâu sản xuất tin, bài, để tạo ra những sản phẩm trên báo điện tử có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác TTĐN./.
ThS. PHẠM VĂN HÙNG
Trang Thông tin đối ngoại điện tử