NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG VIỆC SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI ĐỂ PHÁT TRIỂN NỘI DUNG BÁO ĐIỆN TỬ
Theo số liệu thống kê, đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số. Các ứng dụng điển hình như Facebook có 66,20 triệu người dùng, YouTube có 63,00 triệu người dùng, Instagram có 10,35 triệu người dùng, TikTok có 49,86 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam [1]. Dữ liệu này cho thấy Việt Nam có tổng số người dùng Internet và mạng xã hội đáng kể, tăng liên tục qua các năm.
Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải ai cũng sử dụng mạng xã hội có văn hóa và trách nhiệm. Thực tế, tin giả, thông tin xấu, độc thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin chính thống từ các phương tiện truyền thông. Bằng chứng là, hiện nay, chỉ cần xuất hiện những tin tức giật gân hay một vấn đề nóng nào đó, người dùng mạng xã hội chưa cần biết hoặc kiểm chứng đúng hay sai đã nhanh chóng quan tâm, chia sẻ khiến cho thông tin khuếch tán trên Internet và các phương tiện truyền thông.
Sự phát triển rộng rãi của công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay đã làm thế giới thay đổi nhanh chóng trên nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực báo chí và truyền thông. Ứng dụng công nghệ trong các hoạt động báo chí, truyền thông là một xu thế tất yếu. Nhờ công nghệ thông tin, đội ngũ nhà báo có thể tạo ra những sản phẩm báo chí thỏa mãn xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời và thuận tiện nhất. Sự tích hợp các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet đã tạo ra nhu cầu mới trong tiếp nhận thông tin của công chúng, cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản. Ngày càng nhiều cơ quan báo chí đã và đang chọn cách coi mạng xã hội là một nơi cung cấp, khai thác và sử dụng thông tin để đăng tải thành các thông tin chính thống trên báo chí hiện nay.
Tuy nhiên, việc khai thác, nắm bắt thông tin từ mạng xã hội cần cẩn trọng và có sự thẩm định kỹ lưỡng. Hơn nữa, nhà báo cũng cần tận dụng ưu thế của sự tương tác từ mạng xã hội cũng như hạn chế những mặt tiêu cực của nó để góp phần đưa mạng xã hội phát triển đúng hướng. Báo chí cũng cần tận dụng được ưu điểm của mạng xã hội để nâng cao hiệu quả truyền thông.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, báo điện tử giờ đây đã có mối liên hệ mật thiết không thể tách rời với mạng xã hội. Đây là một thách thức vô cùng lớn đặt công tác quản lý thông tin trên mạng nói chung và nguồn tin từ mạng xã hội tại tòa soạn báo điện tử ở nước ta hiện nay. Do đó, việc sử dụng mạng xã hội hiệu quả để phát triển hiệu quả nội dung báo điện tử đang là vấn đề được đặt ra đối với mỗi tòa soạn báo.
Luật Báo chí 2016 và văn bản pháp luật hiện hành đã có quy định về việc cơ quan báo chí buộc phải viện dẫn nguồn tin (cá nhân, tổ chức, cơ quan nào cung cấp) khi đăng tải, tức là những thông tin được sử dụng làm tư liệu phải được xác minh có nguồn gốc rõ ràng. Tại Điều 2, 3 Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí cũng chỉ rõ: “Cơ quan báo chí, tác giả bài báo phải viện dẫn nguồn tin được sử dụng để đăng, phát trên báo chí. Khi viện dẫn nguồn tin phải thể hiện rõ nguồn tin cho cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cung cấp hoặc thể hiện rõ là theo nguồn tin riêng của phóng viên, nguồn tin riêng của cơ quan báo chí và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin”.
Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm Báo Việt Nam năm 2019 cũng đã quy định những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội gồm phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí (Điều 3). Dựa vào các cơ sở pháp lý và kiến thức, nghiệp vụ nghề nghiệp các cơ quan báo điện tử cùng các nhà báo đã chọn lọc, thẩm định, sử dụng nguồn tin trên mạng xã hội làm đề tài và nguyên liệu cho sản phẩm báo chí.
Hiện nay, các cơ quan báo chí trong cả nước đã thực hiện nghiêm túc thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo đồng thuận của xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Tuy nhiên, trong năm qua, hoạt động báo chí vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Nhiều báo điện tử vẫn đăng tải thông tin không phù hợp tôn chỉ mục đích, tính chất hoạt động của mình, chạy theo câu view, lấy những nguồn thông tin từ mạng xã hội chưa được kiểm chứng.
TIẾP TỤC TRIỂN KHAI NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Thứ nhất, giải pháp về luật pháp, chính sách quản lý.
Cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, nhất là báo chí điện tử, trang tin điện tử… Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng Internet, trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử có tên miền Việt Nam hoặc tên miền quốc tế nhưng thuê máy chủ (hosting) trong nước để đăng tải tài liệu, truyện, tranh, phim, ảnh có nội dung xấu, chống đối chế độ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Cần nâng cao vai trò của lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí trong thực hiện tôn chỉ, mục đích. Sự chỉ đạo đúng hướng, vạch ra chiến lược phát triển đúng cho tờ báo của mình, đặc biệt trong việc khai thác, sử dụng, thẩm định thông tin và cuối cùng là đăng tải thông tin trên trang báo sẽ góp phần tạo sự thành công cho sản phẩm báo chí. Chính sách quản lý phải là sự kết hợp đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, bao gồm cả giải pháp hành chính, giải pháp kỹ thuật và giải pháp tuyên truyền giáo dục, trong đó, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội là giải pháp thường xuyên, liên tục, lâu dài và đóng vai trò chủ đạo để người dùng mạng xã hội từng bước thích ứng một cách tích cực với môi trường mạng, biết sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích.
Rà soát và sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả các văn bản hiện có phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Xây dựng các văn bản mới phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu công tác quản lý nhà nước đối với báo chí.
Thứ hai, giải pháp về đào tạo phóng viên, biên tập viên báo điện tử.
Cần nâng cao chất lượng đào tạo báo chí, đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên có phẩm chất đạo đức, nhiệt huyết, có kỹ năng hành nghề và hoạt động báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại, chuyên nghiệp.
Đối với các đơn vị đào tạo báo chí - truyền thông, cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong chất lượng tuyển sinh đầu vào. Chú trọng đầu tư, phát triển chương trình đào tạo sinh viên báo chí - truyền thông vững về chuyên môn, am hiểu về pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, các môn học về kỹ năng tác nghiệp thực tế và đạo đức nghề nghiệp cần phải được coi trọng. Cần tăng cường thời lượng, các giờ học phải gắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn để sinh viên có thể tiếp cận và rút ra những kiến thức, kinh nghiệm thực tế ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường.
Đối với các cơ quan báo chí, cần phải chú trọng khâu tuyển chọn vào các vị trí phóng viên, biên tập viên trong tòa soạn. Quy trình kiểm tra, sát hạch trình độ chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cần phải thực hiện chặt chẽ. Các cơ quan báo chí thường xuyên tổ chức những khóa tập huấn, tọa đàm trao đổi chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên để tạo cơ hội cho họ được trau dồi, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp.
Thứ ba, giải pháp về tổ chức, hoạt động của tòa soạn báo điện tử.
Mỗi cơ quan báo chí cần tăng cường hơn nữa các phương thức tạo sự tương tác với công chúng, góp phần thu hút công chúng phản hồi, đối thoại và chia sẻ với cơ quan báo chí cũng như người viết. Sự tương tác quý báu ấy vừa góp phần tạo mối quan hệ gắn kết giữa người cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin, vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí khi sử dụng nguồn tin từ mạng xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Nghiên cứu phát triển đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp về khai thác, xử lý nguồn tin từ mạng xã hội làm nguyên liệu cho nội dung bài báo của mình, phát huy giá trị thực của nguồn tin này, làm tăng giá trị nguồn tin khi được lan tỏa trên cộng đồng mạng. Để làm được điều này đòi hỏi các báo điện tử cần phải có đội ngũ nhân sự và cơ cấu, mô hình tổ chức nhân sự bài bản.
Thứ tư, giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Việc khai thác, nắm bắt thông tin từ mạng xã hội trong bối cảnh hiện nay cũng là một trong kênh tham khảo của đội ngũ phóng viên, những người làm báo. Tuy nhiên, nhà báo cần cẩn trọng khi khai thác hoặc lấy thông tin từ mạng xã hội. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí phải thực sự trở thành “người gác cổng thông tin”. Có như vậy mới tạo nên tác phẩm báo chí có giá trị, góp phần định hướng cho người đọc.
Các nhà báo và tòa soạn báo cần tự xây dựng cho mình phương thức xác định, thẩm định từ những thông tin trên mạng xã hội để tạo môi trường lành mạnh cho mặt tích cực của mạng xã hội phát triển. Hơn nữa, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt này, những người làm báo điện tử cần nhanh nhạy, tích cực và chủ động. Mặt khác, phải luôn đề cao đạo đức, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của người làm báo trong quá trình khai thác và sử dụng thông tin đặc biệt đối với thông tin từ mạng xã hội.
Thứ năm, giải pháp từ bản thân người dùng mạng xã hội/
Công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật khi sử dụng mạng xã hội của người dân phải được thực hiện liên tục, đồng bộ để trang bị kiến thức cần thiết giúp người tham gia hoạt động trên mạng, sử dụng mạng xã hội nhận diện, cảnh giác trước tính chất nguy hại của những thông tin xấu, độc. Qua đó, mỗi người có thể tự lựa chọn, tiếp nhận thông tin hữu ích, đồng thời biết sàng lọc, tạo ra miễn dịch trước những thông tin xấu, độc đang tràn lan trên mạng./.
NGUYỄN THỊ HUYỀN MY
-------------
[1] https://www.vnetwork.vn/news/internet-viet-nam-2023-so-lieu-moi-nhat-va-xu-huong-phat-trien/