Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 21/8/2008 11:49'(GMT+7)

Cách mạng Tháng Tám và vai trò, trách nhiệm của trí thức

Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước và phát triển xã hội của dân tộc Việt Nam, vai trò của trí thức có vị trí đặc biệt.

Việc đào tạo trí thức đã được đặt ra từ thời nhà Lý khi lập Quốc Tử Giám (1075). Thực tiễn lịch sử đã khẳng định hiền tài là nguyên khí quốc gia (Thân Nhân Trung); dựng nước phải lấy việc học làm đầu. Ðầu thế kỷ XX, trong hoàn cảnh một nước thuộc địa, Phan Bội Châu mang khát vọng giành độc lập, canh tân đất nước với sự khởi đầu: khai dân trí, chấn dân khí, thực nhân tài.

Sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Ðảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo từ năm 1930 luôn luôn coi trọng vai trò của trí thức. Trong xây dựng phát triển lực lượng cách mạng - một trong những vấn đề cơ bản của chiến lược cách mạng - Ðảng chú trọng tập hợp công nhân, nông dân, trí thức, hình thành liên minh nền tảng, hạt nhân để xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Trong sự phát triển và hoạt động của Hội đồng minh phản đế từ 18-11-1930 đến Mặt trận Dân chủ (1936-1939) và đặc biệt của Mặt trận Việt Minh từ 19-5-1941, lực lượng và những cá nhân trí thức đã có đóng góp tích cực thúc đẩy sự nghiệp giải phóng dân tộc dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Hội Văn hóa cứu quốc và Ðề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Ðảng đã tập hợp, định hướng quan trọng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và hành động cách mạng của trí thức.

Ngày 14, 15-8-1945, Hội nghị Ðảng toàn quốc họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếp đó, tại Ðại hội quốc dân họp ngày 16, 17-8-1945, nhiều đại biểu trí thức đã tham gia và được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng và ngày 28-8-1945, tại Hà Nội, đã cải tổ thành Chính phủ lâm thời.

Trong Chính phủ lâm thời ra mắt trong ngày Lễ Ðộc lập 2-9-1945, có những bộ trưởng là trí thức tiêu biểu. Tiếp đó, qua những lần bổ sung và bầu cử  Quốc  hội  (6-1-1946), trong thành phần Quốc hội, Chính phủ có thêm sự tham gia của nhiều trí thức nổi tiếng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Văn Tố, Nhiều trí thức tuy không tham gia chính quyền nhưng mang hết trí tuệ và tâm lực để phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Ðáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, không ít trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã trở về Tổ quốc phục vụ đất nước trong cuộc kháng chiến như Trần Ðại Nghĩa, Lương Ðịnh Của, Trần Hữu Tước...

Ðể thúc đẩy nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc trước mắt và lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðảng và Chính phủ chú trọng ngay việc phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, đồng thời chủ trương phát hiện và kêu gọi những người tài giúp nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".

Người phát động toàn dân học tập, mở chiến dịch diệt giặc dốt cần thiết như diệt giặc đói, giặc ngoại xâm. Từ cái nền dân trí được nâng cao mà phát triển mạnh mẽ nền giáo dục quốc dân. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc học hành của thế hệ trẻ có ý nghĩa quyết định để nước Việt Nam phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu. Người đã nhiều lần phát biểu trong các cuộc họp, viết bài trên các báo nêu rõ chủ trương của Chính phủ kêu gọi những người có tài năng tham gia vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, thấy rõ mối quan hệ giữa nhân tài và kiến quốc.

Trong bài Nhân tài và kiến quốc, ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều"(1). Ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài... E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân"(2). Vì vậy, các địa phương phải điều tra, phát hiện người tài đức để báo cáo Chính phủ.

Với quan điểm và chính sách đúng đắn, tình cảm và sự hợp tác chân thành của Ðảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà suốt hai cuộc kháng chiến lâu dài đầy hy sinh, gian khổ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, biết bao những trí thức tiêu biểu đã sát cánh cùng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản chiến đấu và giành chiến thắng. Lịch sử đấu tranh của Ðảng và dân tộc mãi mãi nhớ đến những tên tuổi như: Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Vũ Ðình Tụng, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Ðặng Văn Ngữ, Trịnh Ðình Thảo, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển và nhiều người khác.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khẳng định quan điểm, chính sách đúng đắn của Ðảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với trí thức, đồng thời trí thức Việt Nam cũng ý thức sâu sắc và đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc. Trí thức cùng với công nhân và nông dân trên thực tế đã liên minh chặt chẽ trở thành lực lượng, động lực to lớn của cách mạng, thực hiện Cương lĩnh của Ðảng Cộng sản đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đưa đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong công cuộc đổi mới, Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tri thức gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nêu cao độc lập, tự chủ đồng thời tích cực chủ động hội nhập quốc tế; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Mục tiêu và nhiệm vụ to lớn của sự nghiệp đổi mới đặt ra trách nhiệm lớn lao đối với mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội, đặc biệt đối với đội ngũ trí thức. Ðảng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và những phương hướng chủ yếu về chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo, phát triển khoa học-công nghệ và xây dựng đội ngũ trí thức. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X (7-2008) đã ra Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ðó là sự phát triển toàn diện quan điểm của Ðảng và Nhà nước về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hiện nay.

Bài học của Cách mạng Tháng Tám về phát huy vai trò của trí thức có ý nghĩa thiết thực về xây dựng đội ngũ trí thức và động viên cao độ đóng góp của trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ðiều cốt yếu là mỗi người trí thức và cả đội ngũ đông đảo hiện nay tự ý thức về trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc (sĩ phu hữu trách). Mỗi bước đi lên của quốc gia, dân tộc đều gắn với vai trò, đóng góp của trí thức, những lúc đất nước khó khăn, trách nhiệm của trí thức càng nặng nề. Trách nhiệm lớn lao đối với vận mệnh và sự phát triển của đất nước, đồng thời trách nhiệm đó cũng nhằm vào giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực do thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Thế giới đang khủng hoảng lương thực, nhiều quốc gia thiếu lương thực, gần một tỷ người trên thế giới thiếu đói. Trong hoàn cảnh như thế, Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng nông nghiệp cả về năng suất và sản lượng, giữ được an ninh lương thực. Trong thành quả đó có vai trò của chính sách và đầu tư phát triển của Ðảng và Nhà nước về nông nghiệp. Có nhà khoa học đã cùng tập thể khoa học lai tạo được những giống lúa mới năng suất cao, chất lượng gạo tốt, khả năng chịu hạn, chịu rét và kháng sâu bệnh tốt. Ðó là điều rất đáng quý.

Ðương nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề trong nông nghiệp cần đến vai trò của các nhà khoa học. Vấn đề cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, chống dịch bệnh đối với cây trồng, con vật nuôi, làm sao phòng ngừa có hiệu quả hơn dịch cúm gia cầm, dịch bệnh khác trong gia súc. Kinh tế thế giới và kinh tế nhiều nước suy thoái, giá dầu, lạm phát tăng nhanh. Kinh tế Việt Nam từ cuối năm 2007 nhất là từ đầu năm 2008 cũng đứng trước khó khăn do lạm phát và giá cả tăng nhanh. Bộ Chính trị đã có những kết luận, Quốc hội đã có Nghị quyết và Chính phủ đã đề ra tám nhóm giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Ðể góp vào những giải pháp đó, các chuyên gia kinh tế đã có nhiều đề xuất. Tình hình kinh tế của đất nước hiện nay càng đòi hỏi trí thức đóng góp trí tuệ, tài năng để thúc đẩy sản xuất, tham mưu cho Ðảng, Nhà nước những kế sách hữu hiệu.

Nói đến trí thức là nói đến sáng kiến, tài năng, sáng tạo và phát minh của cá nhân. Những tài năng và phát minh đó cần được Ðảng, Nhà nước, toàn xã hội đánh giá đúng và có đãi ngộ thích đáng với cống hiến của từng cá nhân cụ thể, từng công trình khoa học cụ thể có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội, vào việc hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật, vào phát triển khoa học công nghệ của đất nước.

Ðúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, Ðảng và Chính phủ cần phải khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển. Cần quan tâm nhiều hơn đến chiến lược giáo dục-đào tạo để có được đội ngũ trí thức hùng hậu đủ sức giải quyết những vấn đề lớn trong xây dựng đất nước, phát triển xã hội. Thật tự hào, các kỳ thi quốc tế về toán học, hóa học, vật lý,... vừa qua, học sinh Việt Nam đều đạt thành tích cao; nhiều em đạt số điểm tuyệt đối và cao nhất trong các kỳ thi tuyển sinh đại học; những sinh viên đỗ thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học. Ðó là những nhân tài cần được chăm sóc, đào tạo lên trình độ cao.

Ở mọi thời kỳ phát triển của đất nước, để có được lực lượng trí thức, nhân tài đông đảo, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước đều đặt ra yêu cầu từ hai phía. Các nhà lãnh đạo, cầm quyền có chính sách đúng để đào tạo và trọng dụng nhân tài và ngược lại, trí thức nêu cao trách nhiệm trước đất nước, nhân dân để cống hiến tài năng vì sự hùng cường của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC
 (Theo ND)
-----------------------------

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, H, 2000, tập 4, tr. 99

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, H, 2000, tập 4, tr. 451

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất