Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 19/8/2008 22:16'(GMT+7)

Tầm vóc vĩ đại và bài học nắm bắt thời cơ của cách mạng Tháng Tám

Tầm vóc thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám không chỉ giới hạn ở vùng bán đảo Đông Dương, mà nó đã làm rung chuyển hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các châu lục; góp phần quan trọng thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc thuộc địa vùng lên đấu tranh để tự giải phóng.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không chỉ là kết quả của cuộc vận động giải phóng dân tộc trong thời kỳ 1940-1945, mà còn là kết quả của quá trình cách mạng qua hai cuộc tổng diễn tập năm 1930-1931 và 1936-1939. Thực tiễn lịch sử hào hùng của dân tộc ta từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã cho thấy, không thể có chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa xuân 1975, nếu không có Cách mạng Tháng Tám. Và ngược lại, thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sẽ không được bảo vệ và phát huy, nếu không có thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, trong đó có bài học về dự đoán chính xác thời cơ và nắm bắt đúng thời cơ trong bước ngoặt lịch sử của cách mạng.

Lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới đã chứng minh, cách mạng muốn thắng lợi phải có thời cơ. Thời cơ rất quý và hiếm, song thời cơ sẽ qua đi nếu cách mạng chưa hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để chủ động nắm chắc lấy nó. Vì vậy, ngay từ trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng với tinh thần chủ động, sáng tạo và quan điểm tự lực, tự cường “đem sức ta để giải phóng cho ta”, đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tạo thế và lực bên trong để sẵn sàng động viên, tổ chức nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã tổ chức ra Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp rộng rãi các lực lượng dân tộc, dân chủ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đảng ta đã đề ra chủ trương vừa tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, lập các căn cứ địa cách mạng và khu giải phóng, vừa ra sức phát triển đội quân chính trị của quần chúng, lấy công nhân và nông dân làm nòng cốt. Đồng thời, Đảng ta chủ trương xây dựng, khôi phục các tổ chức, đoàn thể cách mạng, nhất là ở cơ sở; đưa đội ngũ đảng viên và cán bộ chủ chốt của Đảng vào rèn luyện, thử thách trong phong trào đấu tranh cách mạng để sẵn sàng đảm nhiệm công tác lãnh đạo, tổ chức quần chúng chớp lấy thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân.

Bằng nhãn quan của một nhà chiến lược thiên tài, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dự báo chính xác trong cuộc Chiến thế giới lần thứ hai, Liên Xô và các lực lượng chống phát xít nhất định sẽ chiến thắng. Đây sẽ là mốc lịch sử của nhân loại, mở ra thời cơ ngàn năm có một cho cách mạng Việt Nam để tiến tới tổng khởi nghĩa giành thắng lợi triệt để.

Ngay sau sự kiện Nhật đảo chính lật đổ Pháp (9-3-1945), Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đảng đã có những quyết định rất sáng suốt, kịp thời và đề ra các biện pháp cụ thể, cần kíp, phù hợp, nhằm phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ. Đó là cao trào cách mạng đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa; là sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa nông thôn với thành thị; là sự tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân, công tác binh, địch vận, công tác đối ngoại... Cùng với quá trình chuẩn bị công phu về lực lượng để đón nắm thời cơ, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đề ra được những quyết sách đúng đắn, sáng tạo với việc lựa chọn thời điểm và địa điểm tiến hành khởi nghĩa. Khi quân phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện, lúc này thời cơ cách mạng đã xuất hiện. Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phân tích một cách chính xác, khách quan tình hình thế giới, trong nước, không chần chừ do dự, mà chủ động, tích cực, khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp xuống cùng các địa phương, cơ sở trong toàn quốc mau lẹ chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, với ý chí và quyết tâm sắt đá: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập.

Lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã được phát ra trong toàn quốc, rất cần kíp, nhưng không thể sớm hơn hoặc muộn hơn, dù chỉ một vài ngày. Sự đồng loạt khởi nghĩa ở tất cả các địa phương, cơ sở trong cả nước chính là nét đặc sắc, tiêu biểu, độc đáo của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chính từ sự chỉ đạo sáng suốt, quyết đoán đó của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khiến cho những kẻ xâm lược, những kẻ dính líu can thiệp và bọn bù nhìn tay sai bán nước không kịp hỗ trợ, cứu viện, bảo vệ lẫn nhau. Bạo lực cách mạng của quần chúng đã làm tê liệt, tan rã nhanh chóng bộ máy chính quyền nhà nước thực dân, phong kiến thối nát và phản động.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thể hiện sự nhạy bén, mẫn cảm cách mạng của Đảng ta; biểu hiện tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng vũ trang nhân dân trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Vì vậy có thể khẳng định, sự chuẩn bị nội lực đủ mạnh và dự đoán chính xác thời cơ, mau lẹ chớp lấy thời cơ, đó chính là một trong những bí quyết lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

63 năm sau Cách mạng Tháng Tám, tình hình thế giới đã có nhiều biến đổi sâu sắc, đất nước ta đang có những thời cơ, điều kiện thuận lợi mới. Những thành tựu đạt được trong hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới được vạch ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đã tạo thế và lực cho cách mạng nước ta mạnh lên rất nhiều. Tuy nhiên, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức mới. Cơ hội và thách thức luôn đan xen vào nhau, trong cơ hội bao hàm cả thách thức và trong thách thức cũng bao hàm cả cơ hội. Nếu như thời cơ giành được trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra thời gian rất ngắn, thì cơ hội để dân tộc ta thoát khỏi tình trạng nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và trở thành một nước công nghiệp, sẽ còn kéo dài khoảng 15 đến 20 năm, mà Đảng ta đã xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2001 đến 2010.

Do còn tồn tại những nguy cơ thách thức, đặc biệt là các nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ do nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác gây ra; cùng với những âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Do đó, yêu cầu đặt ra trước hết đối với từng đảng viên, cán bộ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh phải luôn kiên định lập trường tư tưởng, vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Cần nhận thức đầy đủ việc tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay phải luôn gắn liền với quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng, có hiệu quả phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Trong điều kiện mới hiện nay của đất nước, việc quán triệt thực hiện bất biến là bất kỳ tình huống nào cũng phải giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng ta với xã hội; phải giữ vững nguyên tắc bất di bất dịch là kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước của dân, do dân, vì dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, dân tộc, bảo vệ nhân dân và mọi thành quả cách mạng. Không vì quyền lợi hay lợi ích nhất thời, cục bộ của một bộ phận nào đó mà vi phạm, bất chấp nguyên tắc, gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đó thực chất là sự bất biến về nguyên tắc cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Trong hội nhập quốc tế ở thời kỳ mới của đất nước, việc tích cực, chủ động để không ngừng phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế là rất quan trọng và cấp thiết đối với mỗi tổ chức trong xã hội và từng người. Song phải thực hiện tốt phương châm ứng vạn biến, luôn nhạy bén phát hiện, mau lẹ chớp lấy và nắm chắc thời cơ, vận hội mới để góp phần đắc lực đưa đất nước phát triển vững chắc theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đó cũng chính là con đường mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã trải nghiệm và cần được tiếp tục nghiên cứu vận dụng, phát triển với tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo để phù hợp với bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước ta hiện nay./.

Theo Thượng tá, Thạc sỹ Nguyễn Đức Thắng, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng (TCCS)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất