Thứ Ba, 15/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 15/9/2013 22:3'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới

1. Trong những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được nâng lên. Tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.  

Kết quả đó được thể hiện cụ thể trên một số đối tượng chủ yếu là:

Thứ nhất, giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trong các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học hằng năm đều được tổ chức thực hiện theo đúng nội dung chương trình và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (đối với các trường dạy nghề). Trong quá trình tổ chức môn học, các nhà trường luôn chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả môn học. Kết quả thi, kiểm tra đánh giá chất lượng môn học đảm bảo theo yêu cầu. Theo báo cáo của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, kết thúc năm học 2012 - 2013, toàn quốc có 2.683 trường trung học phổ thông, với 2.814.333 học sinh học môn giáo dục quốc phòng và an ninh, đạt 100%; 435 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, với 341.692 học sinh, đạt 94,19%; 528 trường cao đẳng, đại học, với 1.127.739 sinh viên, đạt 100%.

Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện của Đảng và Nhà nước. Môn học không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết, mà còn trực tiếp rèn luyện, xây dựng phong cách, nếp sống tập thể, tính kỷ luật trong sinh hoạt, học tập của học sinh, sinh viên; ý thức sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ.

Thứ hai, giáo dục quốc phòng và an ninh cho học viên trong các trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện được thực hiện theo đúng quy định của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng trong các trường, trung tâm bồi dưỡng chính trị đều được học môn giáo dục quốc phòng và an ninh; kiểm tra đánh giá kết quả theo đúng quy định. Thông qua học môn giáo dục quốc phòng và an ninh đã trang bị cho học viên nắm vững những quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; nghệ thuật quân sự Việt Nam; tình hình, nhiệm vụ quốc phòng và an ninh; khu vực phòng thủ; phòng thủ dân sự; kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh; kết hợp quốc phòng và an ninh với đối ngoại; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của học viên đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và các địa phương triển khai tích cực, bảo đảm đúng quy trình, đồng thời có cách làm sáng tạo trong tổ chức thực hiện, đạt chất lượng tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn quốc đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh được 1.262 khóa cho 112.253 người từ đối tượng 1 đến đối tượng 5. Kết quả bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và điều hành công tác quốc phòng, an ninh; công tác quản lý quốc phòng, an ninh ở các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương; mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng và an ninh và hoạt động đối ngoại trong tình hình mới; nắm được âm mưu, thủ đoạn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam; có năng lực vận dụng sáng tạo kiến thức quốc phòng và an ninh để tham mưu với cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở từng cơ quan, tổ chức,v.v..

Ngoài việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo quy định, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương còn mở rộng đối tượng bồi dưỡng, như Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp tổ chức mở lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, người tu hành, già làng, trưởng bản, trưởng họ tộc, chủ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tuyến biên giới. 

Thứ tư, tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân; luôn đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức thực hiện. Các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và các địa phương đều mở các chuyên trang, chuyên mục hoặc dành thời lượng, thời điểm thích hợp để thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh. Đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên ở cơ sở đã chủ động lồng ghép nội dung tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương, thông tin tình hình thời sự trong nước và thế giới, với tuyên truyền, phổ biến các kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở cơ sở. Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.   

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở một số nơi đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh chưa được phát huy đầy đủ, còn giao khoán cho cơ quan chức năng, nhất là việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện và phối hợp giữa cơ quan, tổ chức với cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp trong việc tổ chức thực hiện. Việc cử cán bộ là đối tượng 1 và đối tượng 2 ở một số cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh chấp hành chưa nghiêm; tỷ lệ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng 3, 4, 5 ở một số nơi còn thấp so với kế hoạch hằng năm. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh ở một số nơi chưa cao, nhất là Hội đồng Nghĩa vụ quân sự kiêm nhiệm công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở cấp xã hoạt động còn mang tính hình thức; trách nhiệm của các thành viên trong Hội đồng ở từng lĩnh vực được phân công chưa được phát huy. Đội ngũ giáo viên chuyên trách giáo dục quốc phòng và an ninh ở các trường còn thiếu so với nhu cầu, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa đồng đều, nhất là kỹ năng sư phạm còn hạn chế; trang thiết bị  đảm bảo cho môn học vừa thiếu về số lượng, vừa kém về chất lượng so với quy định. Đầu tư xây dựng các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn chậm, dàn trải nên hiệu quả thấp...

2. Giáo dục quốc phòng và an ninh là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc giáo dục cho công dân những kiến thức về quốc phòng và an ninh nhằm phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong tình hình hiện nay, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế luôn chứa đựng cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, đối tác và đối tượng đan xen nhau. Do đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị cũng khẳng định: “… Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh; hướng dẫn nội dung, phương pháp, kinh nghiệm, cách tổ chức thực hiện theo yêu cầu đặt ra cho từng đối tượng cán bộ các cấp, các ngành, đảng viên và quần chúng, nhất là thế hệ trẻ để có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, thấy rõ trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;...”(1). Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã xác định: “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới...”(2).

Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Coi công tác giáo dục quốc phòng và an ninh là một nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo trọng tâm của các cấp ủy, tổ chức đảng, là trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện, nhất là phát huy được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức là thành viên Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp trong việc tham mưu với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đề ra các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh.

 Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách về quốc phòng và an ninh của Đảng và Nhà nước, được thể hiện tập trung trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh theo Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X); tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 19-6-2013.

Ba là, tích cực triển khai bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo quy định, kết hợp với mở rộng bồi dưỡng cho các đối tượng mới. Các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương chủ động rà soát, nắm chắc số lượng từng đối tượng, đôn đốc cán bộ được cử đi học bồi dưỡng đủ chỉ tiêu của các khóa học. Kết quả bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh phải được coi là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức và của mỗi cán bộ, đảng viên theo Quy định số 07-QĐ/BTCTW, ngày 16-4-2008 của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chuẩn kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên.

Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, học viên trong các nhà trường của hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng dạy học tích cực; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; củng cố cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, thao trường, bãi tập đáp ứng yêu cầu môn học. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên quốc phòng và an ninh trong các nhà trường theo Quyết định số 472/QĐ-TTg, ngày 12-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến năm 2016, các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề đều có giáo viên chuyên trách môn giáo dục quốc phòng và an ninh; đồng thời coi trọng xây dựng, kiện toàn đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh ở các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, các cơ sở giáo dục đại học.

Năm là, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, bảo đảm nội dung phong phú, hình thức đa dạng, phương pháp linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng, miền, để người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo, qua đó xây dựng được tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong việc bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh trên các phương tiện thông tin đại chúng, coi trọng hình thức tuyên truyền miệng; kết hợp, lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, lễ hội truyền thống, các đợt gọi công dân nhập ngũ, các ngày kỷ niệm truyền thống, thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở và các hình thức khác phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ sở và cộng đồng dân cư.

Sáu là, thường xuyên củng cố, kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý, phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp liên ngành để tham mưu, tư vấn giúp cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Tăng cường công tác kiểm tra của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, nội dung kiểm tra phải sát thực tế, đánh giá đúng thực chất, khách quan, không chạy theo thành tích; thông qua kiểm tra để phát hiện và nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những cách làm hay trong tổ chức thực hiện, đồng thời kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng và an ninh nói chung, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh nói riêng ở các cấp, các ngành./.

Nguyễn Văn Tạo

------------------------

(1) Bộ Tổng tham mưu: Các văn bản về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, Nxb.QĐND, H, 2008, tr. 8, 9.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 234.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất