Sau hơn 3 năm triển khai đưa vào hoạt động, mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân (VHCN) trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả , đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động (CNLĐ).
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết: Đến nay, trên địa bàn thành phố đã thành lập được 8 điểm sinh hoạt VHCN, theo 3 mô hình: Điểm sinh hoạt VHCN tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, khu công nghiệp Phú Nghĩa; điểm Sinh hoạt VHCN thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến; điểm sinh hoạt VHCN trong các doanh nghiệp: Nhà máy nhựa Vinh Hạnh, Xí nghiệp xử lý rác thải Nam Sơn, Công ty LADOZA, Công ty TNHH Điện STANLEY, Công ty Cổ phần Thép Đông Dương.
Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực như: đọc báo, xem tivi, điểm tin, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, sinh hoạt công đoàn cơ sở hay các hoạt động thể dục thể thao.., điểm sinh hoạt VHCN đã góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trong CNLĐ. Nhiều điểm sinh hoạt VHCN còn là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Bình đẳng giới, Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn; nơi tổ chức các cuộc đối thoại giữa CNLĐ với giám đốc doanh nghiệp, giữa CNLĐ với các cơ quan chức năng của thành phố.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, các điểm sinh hoạt này cũng bộc lộ một số khó khăn, tồn tại như: Cơ sở vật chất còn rất hạn chế, số đầu báo và số lượng báo cấp còn ít; một số điểm chưa xây dựng bảng tin nội bộ, thiết bị tập thể dục thể thao thiếu và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác quản lý điểm sinh hoạt VHCN cũng còn nhiều bất cập, thiếu cán bộ có chuyên môn về quản lý văn hoá, thiếu kinh phí duy trì hoạt động. Ở một số nơi chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của doanh nghiệp và công đoàn cơ sở, dẫn đến hoạt động của một số điểm còn hạn chế, chưa thu hút đông đảo CNLĐ tham gia sinh hoạt…
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Thanh Đà cho biết: Để nhân rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các điểm sinh hoạt VHCN, các cấp công đoàn cần tập trung nghiên cứu, xây dựng nội dung hoạt động sao cho phù hợp; đề xuất cơ chế đầu tư, duy trì các điểm sinh hoạt này; theo đó, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa từ các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và chính từ phía công nhân, viên chức, lao động. Trước mắt, LĐLĐ thành phố yêu cầu các công đoàn cấp trên cơ sở rà soát, đánh giá để xác định các đơn vị, địa phương đủ điều kiện xây dựng điểm sinh hoạt VHCN, từ đó có kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống điểm sinh hoạt VHCN như một bộ phận quan trọng trong hệ thống các thiết chế văn hóa dành cho CNLĐ./.
Minh Nghĩa - TTXVN