Thứ Ba, 24/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 28/8/2012 8:57'(GMT+7)

Những con đường của lòng dân

Đường giao thông trong huyện Trùng Khánh ngày càng được cải thiện.

Đường giao thông trong huyện Trùng Khánh ngày càng được cải thiện.

Về Trùng Khánh ngày nay, cảnh đường lầy lội bùn đất và phân trâu bò đã không còn. Thay vào đó là những con đường bê tông rộng rãi sạch sẽ chạy đến từng nhà. Từ ngày con đường được bê tông hoá, xóm làng trông sạch sẽ khang trang hẳn lên; xe máy, công nông chạy vào tận mọi ngõ ngách, đến từng nhà.

Ông Đàm Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Phong Châu cho biết: Làm đường không phải là việc dễ. Có đường mới, ai cũng thích, nhưng việc vận động người dân hiến đất, huy động đóng góp kinh phí không hề dễ dàng bởi đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu huy động quá nhiều sẽ thành gánh nặng với bà con. Mặt khác, khi làm đường, nhiều hộ sẽ bị mất đất sản xuất mà không có tiền đền bù, trong khi quỹ đất sản xuất ngày càng eo hẹp.

Để khai thông được lòng dân, xã đã thành lập Ban chỉ đạo làm đường, cử những người có uy tín nhất đến để vận động thuyết phục người dân. Chính quyền xóm, xã cũng hứa sẽ ưu tiên, giúp đỡ các gia đình hiến đất gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhờ vậy, người dân đã hiểu ra và tự nguyện hiến đất. Đến nay, xã đã bê tông hoá được hơn 11 km đường giao thông. Từ những xóm làm điểm, phong trào làm đường bê tông đã lan dần ra khắp cả huyện. Từ năm 2006 đến nay, nhân dân huyện Trùng Khánh đã bê tông hoá được hơn 140 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, huyện chỉ cần hỗ trợ gần 5 nghìn tấn xi măng, còn lại nhân dân tự đóng góp công sức và vật liệu. Ở nhiều xóm, người dân có nhiều cách làm sáng tạo, huy động được sức người, sức của như gửi thư kêu gọi những người địa phương đang sinh sống và làm việc ở huyện, tỉnh và các nơi khác đóng góp kinh phí làm đường. Điển hình như xóm Pác Gọn, xã Đình Phong, chỉ có 65 hộ dân, nhưng đã huy động được tới hơn 1.600 công lao động, làm được con đường dài gần 1 km rộng 1,5 m, dày 10 cm. Ở Xóm Nà Num, xã Hiếu Lễ, bà con cũng đóng góp kinh phí mua đất mở rộng đường, rải bê tông được 3 km, kè đá hai bên, cầu cứng bắc qua suối, xe ô tô tải trọng 2,5 tấn có thể qua lại dễ dàng. Nhiều xã đã hoàn thành 100% xóm được bê tông hoá giao thông trước năm 2010; điển hình là các xã Phong Châu, Lăng Yên, Đình Phong, Ngọc Khê...

Từ năm 2006 trở về trước, cũng như các huyện khác của Cao Bằng, giao thông nông thôn ở Trùng Khánh gặp nhiều khó khăn, đường vào xóm nhỏ hẹp, gập gềnh trơn trượt. Ở nhiều xóm, người dân chỉ có thể đi bộ, việc đi lại, vận chuyển hàng hoá phục vụ đời sống hết sức khó khăn. Điều này ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho người dân. Trước tình hình đó, Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện đã xác định cần tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông, lấy đó làm "bàn đạp" để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. HĐND huyện ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển giao thông thôn thôn, giao nhiệm vụ cho UBND huyện tổ chức thực hiện. UBND huyện Trùng Khánh đã chọn phương pháp hỗ trợ xi măng, cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho dân. Người dân tự góp tiền mua vật liệu và công sức lao động. Khi đường hoàn thành, huyện sẽ cử cán bộ đến nghiệm thu và cấp kinh phí. Về phía người dân, các xóm, tự bàn bạc, thống nhất phương thức giải phóng mặt bằng, số tiền quyên góp và số công lao động. Khi người dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, chất lượng các công trình đều đảm bảo, không có hiện tượng bớt vật liệu xây dựng.

Ông Hoàng Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: Phát triển giao thông nông thôn đã là một phong trào của toàn huyện. Ngoài ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, phong trào còn tạo được sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân. Qua đó, khơi dậy được tiềm năng, phát huy sức mạnh nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của địa phương. Hiện nay, đã có hơn 90% số xóm của huyện bê tông hoá xong giao thông nông thôn. Khi hoàn thành 100%, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động nhân dân bê tông hoá các tuyến giao thông nội vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất. Huyện đang cố gắng huy động các nguồn vốn, đồng thời cố gắng thu ngân sách vượt chỉ tiêu để dùng khoản thu vượt hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông, xây dựng các công trình thuỷ lợi cho dân./.


Quốc Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất