Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 23/5/2014 21:11'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng truyền thông về công tác xã hội trên báo chí

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần lượt vào những năm 2010 và 2011, đề án 32 với mục tiêu phát triển công tác xã hội (CTXH) trong cộng đồng giai đoạn 2010 – 2020, và đề án 1215 nhằm trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối loạn nhiễu trí dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2011 và 2020.

Sự ra đời của 2 đề án đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của nghề CTXH với những tiêu chí và quy chuẩn cụ thể đối với một nghề, mà theo đánh giá của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, là một nghề đầy triển vọng tại Việt Nam. Thực tế, đối với nhiều quốc gia, nghề CTXH không còn mới lạ, đem đến những lợi ích vô cùng to lớn đối với những đối tượng hoàn cảnh khó khăn, khó hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Đối với Việt Nam, nghề CTXH còn mới lạ, vì vậy công tác tuyên truyền thông tin qua báo chí được đánh giá rất quan trọng trong việc triển khai 2 đề án trên.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng cục bảo trợ XH – Bộ LĐ-TB &XH cho biết: “Điều đáng mừng là sau khi 2 đề án ra đời, công tác đào tạo nghề CTXH được triển khai tại ít nhất 40 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc. Các địa phương có sự quan tâm về hạ tầng cơ sở, kinh phí cho công tác này. Các trung tâm CTXH lần lượt ra đời, đã và đang khẳng định vai trò quan trọng của CTXH đối với cộng đồng, xã hội”.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là nhiều người, trong đó có cả những người đang nắm giữ cương vị quản lý cũng chưa hiểu hoặc hiểu không đầy đủ về nghề CTXH, điều này khiến tiến độ triển khai hai đề án trên gặp không ít khó khăn – Ông Nguyễn Văn Hồi chia sẻ thêm.

Đề cập tới vai trò của truyền thông báo chí trong nhiệm vụ triển khai 2 đề án, Cục trưởng cục bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi khẳng định “Đó là bộ phận không thể thiếu khi triển khai bất cứ đề án nào, chứ không riêng gì hai đề án 32 hay 1215. Báo chí đã trở thành một kênh thông tin không chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công đồng xã hội về vài trò, tầm quan trọng của nghề CTXH với sự phát triển XH hiện nay, mà còn là kênh phản hồi những đề xuất, kiến nghị, nêu ra những bất cập của đề án để các ban ngành chức năng kịp thời điều chỉnh cho phù hợp”.

Với sự góp mặt của đại diện các cơ quan báo chí khu vực phía Bắc, Hội thảo khẳng định sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông trong việc triển khai đề án. Thông qua báo chí, không chỉ các cấp, ngành, địa phương, mà bản thân người dân và những người thụ hưởng hiểu hơn về nghề CTXH, cũng như việc trợ giúp người tâm thần dựa vào cộng đồng.

Các tham luận tại hội thảo đã nêu bật những mặt được và chưa được trong truyền thông đề án hiện nay. Ông Bùi Văn Trạch – Trưởng ban Tổ chức hội thảo – TBT Tạp chí Lao động xã hội cho biết: “Mục tiêu của cuộc hội thảo này là một lần nữa đánh giá về thực trạng công tác tuyên truyền về 2 đề án này. Mong muốn của Ban tổ chức là thông qua đây, các nhà báo – những người trực tiếp đã và đang viết về CTXH sẽ nêu ra những bất cập, tồn tại, những giải pháp cụ thể để các Bộ ngành liên quan có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cụ thể hơn nữa tăng cường chất lượng truyền thông đề án 32 và 1215 trên báo chí”.

Tại hội thảo, bên cạnh việc lắng nghe và chia sẻ với những nhà quản lý các trung tâm CTXH, về những khó khăn, bất cập đang gặp phải, các nhà báo còn đóng góp những ý kiến thực tế về công tác tuyên truyền CTXH trên báo chí hiện nay, những vấn đề còn tồn tại cần có giải pháp đồng bộ và kế hoạch cụ thể.

Ví như, việc tuyên truyền đề án cần theo từng giai đoạn rõ ràng, song hành với bước phát triển của mỗi đề án, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ ngành chủ quản với báo chí để thông tin luôn chính xác, đúng mục tiêu và đối tượng. Giữa các cơ quan báo chí cần có sự trao đổi thông tin trong quá trình tuyên truyền.

Đặc biệt, việc triển khai đề án vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, vì vậy, công tác xây dựng nguồn nhân lực, vật lực cần tập trung tuyên truyền cụ thể, nêu bật vai trò và tâm quan trọng của nghề CTXH trong sự phát triển chung của xã hội.

Có thể nói, Đề án 32 và 1215 đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để hai đề án này thực sự đi vào cuộc sống, đội ngũ người làm nghề CTXH có chuyên môn cao, có tâm huyết với nghề, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, của xã hội, thì việc thông tin tuyên truyền, gắn kết với từng giai đoạn phát triển của Đề án đóng yếu tố quan trọng, không chỉ góp phần tôn vinh nghề CTXH, mà còn điều chỉnh suy nghĩ còn chưa đúng của một bộ phận xã hội trong cách đối xử với những cá nhân, công đồng có hoàn cảnh khó khăn, khó hòa nhập cộng đồng, và với người bị tâm thần hay rối loạn nhiễu trí./.

Trọng Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất