Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 18/4/2013 9:54'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả giáo dục của bảo tàng

Bảo tàng Hà Nội được đầu tư kinh phí xây dựng lớn, tuy nhiên đến nay hiện vật trưng bày bên trong vẫn hết sức nghèo nàn.

Bảo tàng Hà Nội được đầu tư kinh phí xây dựng lớn, tuy nhiên đến nay hiện vật trưng bày bên trong vẫn hết sức nghèo nàn.

Có thể khẳng định, những giá trị của di sản văn hoá Việt Nam là nguồn tài nguyên vô tận để giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chứa đựng trong hệ thống các di tích, đền chùa, trong con người và môi trường sống xung quanh là những tri thức vô cùng phong phú. Với thiết chế văn hóa đặc biệt, bảo tàng là nơi lưu giữ tổng hợp các giá trị đa dạng của di sản, cũng là nơi có nhiều điều kiện góp phần vào việc dạy và học, nhất là  giáo dục phổ thông thêm hấp dẫn. Tiếc rằng tiềm năng lớn ấy của bảo tàng lâu nay vẫn chưa được khai thác thật sự hiệu quả.

Bài toán khó...

Những năm gần đây, công tác bảo tồn bảo tàng được Nhà nước và xã hội rất quan tâm, biểu hiện từ việc đẩy mạnh quy hoạch xây mới các công trình nhà bảo tàng, cho đến tăng cường đào tạo nhân lực ngành bảo tàng... Thế nhưng, nhìn những công trình sừng sững mọc trên các khu vực “đất vàng đất bạc”, rồi những dự án đồ sộ đang được quy hoạch ngốn nhiều tiền bạc của cả ngân sách và xã hội, khiến nhiều người băn khoăn và nghi ngại cho hiệu quả khai thác, nhất là giá trị văn hóa - giáo dục của những công trình tiền tỷ đó.

Trong khi phần lớn bảo tàng từ các thành phố lớn cho đến các tỉnh đang ở trong tình trạng vắng khách, thì Bảo tàng Hà Nội được gấp rút xây dựng cho kịp chào mừng Đại lễ Thủ đô nghìn tuổi, để rồi cho đến nay “hiện vật” trưng bày chủ yếu lại chính là nhà bảo tàng. Trong khi đó, một số bảo tàng chuyên ngành có công năng thiết thực cho công tác học tập, nghiên cứu ở các trường đại học lại chưa được đầu tư thỏa đáng. Bảo tàng Sinh học của Đại học Sư phạm Hà Nội khá phong phú về hiện vật, là địa chỉ thú vị cho nhiều học sinh, sinh viên đến tìm hiểu, nghiên cứu. Tuy thế, phòng ốc lại quá chật chội, đúng hơn chỉ là hai phòng kho chứa đầy những mẫu vật quý hiếm. Tương tự, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập theo Nghị định 27/NĐ-CP, ngày 16/1/2004 của Chính phủ, với quy mô hoành tráng, kiến trúc hiện đại. Nhưng, cho đến nay dự án vẫn chưa có đất để xây dựng, trong khi những mẫu vật vẫn nằm ngổn ngang hoặc chất đống trong nhà kho của Viện Khoa học và Công nghệ, luôn có nguy cơ hư hỏng, xuống cấp mỗi ngày. Rất hiếm có bảo tàng nào chỉ dựa vào lượng du khách tới ngắm nghía, tham quan mà “ăn nên làm ra”. Trường hợp này phải kể đến Bảo tàng Dân tộc học thời gian gần đây đã có nhiều chương trình hấp dẫn, khai thác hiệu quả thế mạnh đặc thù của mình, nhất là chức năng văn hóa - giáo dục để thu hút khách tham quan.

Sở dĩ hệ thống bảo tàng của nước ta còn nhiều bất cập như vậy, phần lớn là do chưa có một quy hoạch tổng thể hợp lý, đồng thời cách thức hoạt động chưa hấp dẫn, nhất là công tác giáo dục của bảo tàng.

Bàn về hiệu quả giáo dục của bảo tàng, TS. Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hoá, phân tích: Lâu nay sự thiếu hụt, trống vắng các chương trình giáo dục công chúng tại bảo tàng là một trong những thách thức làm giảm giá trị bảo tàng và vai trò của bảo tàng ở nước ta. Nguyên do là vì các bảo tàng chưa quan tâm, hoặc còn thiếu kinh nghiệm và lúng túng khi làm các chương trình giáo dục, dẫn tới cả giáo viên và học sinh thiếu cơ hội để dạy và học một cách tích cực và sinh động từ những di sản ở bảo tàng. Đứng trước nhu cầu cấp thiết đổi mới và phát triển công chúng, đồng thời thiết lập mối quan hệ giữa bảo tàng với nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh, các bảo tàng cần thiết phải sớm xây dựng chương trình giáo dục và không gian khám phá, trải nghiệm, sáng tạo, học tập tại bảo tàng.

Bước đầu tìm lời giải

Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành văn bản “Hướng dẫn sử dụng di sản văn hoá trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên”. Trong văn bản này ghi rõ: “Xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học di sản văn hoá tại bảo tàng” (Văn bản số 73/HD-BGĐT-BVHTTDL ngày 16/1/2013). Đây là tín hiệu đáng mừng, tiến tới sẽ có những chương trình hấp dẫn phong phú nhằm khai thác hiệu quả hoạt động giáo dục của bảo tàng.

Trong một cuộc hội thảo khoa học gần đây bàn về “Nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục của bảo tàng đối với học sinh phổ thông”, các chuyên gia đề cập mô hình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã hoạt động rất hiệu quả và cần được phát huy. Trong khi nhiều bảo tàng đang “khủng hoảng” lời giải cho bài toán hiệu quả thì câu lạc bộ này ra đời và nhanh chóng trở thành sân chơi bổ ích, lý thú, lôi cuốn học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội thêm một lần khẳng định tính hấp dẫn từ những di sản. Chỉ có điều chúng ta có biết cách khai thác những hấp dẫn đó hay không. Với hình thức hoạt động mang tính “tương tác” của Câu lạc bộ, lại được tổ chức theo từng chuyên đề, kích thích học sinh chủ động tìm hiểu vấn đề dựa vào sự gợi mở của giáo viên từ những hiện vật di sản cụ thể sinh động. Điều này đã gây hứng thú học tập, phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh, củng cố và bổ trợ kiến thức cho các giờ học nội khóa, tạo môi trường và không khí học tập mới trong môn Lịch sử ở trường phổ thông, bớt khô khan, thụ động bởi sách giáo khoa.

Bà Nguyễn Thị Kim Thành, Chủ nhiệm đề tài mô hình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, chia sẻ về hiệu quả của việc khai thác, sử dụng tư liệu hiện vật của bảo tàng trong dạy học lịch sử hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực tổ chức và phương pháp thực hiện của giáo viên cũng như những người làm công tác giáo dục ở bảo tàng. Điều này đòi hỏi những người thực hiện phải thực sự tâm huyết với nghề, có khả năng tổ chức, quản lý, có kiến thức chuyên môn vững chắc và kỹ năng nghiệp vụ sư phạm vững vàng.

Từ mô hình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” cũng cần tổ chức nhiều chuyên đề phong phú hấp dẫn hơn nữa, nhất là phối hợp với các bảo tàng tỉnh và nhiều trường học, sẽ có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục, bồi dưỡng cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ có lòng yêu mến, hứng thú, say mê tìm hiểu đối với môn Lịch sử ở trường học nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Trên cơ sở đó, các bảo tàng khác cũng sớm có những hoạt động cụ thể phối hợp cùng các nhà trường, đồng thời mở rộng quan hệ, tầm nhìn với các bảo tàng ở các nước trên thế giới. Điều này sẽ  giúp các bảo tàng và đội ngũ cán bộ chuyên môn có cách nhìn sâu và rộng hơn về phương pháp hoạt động bảo tàng trong đời sống hiện đại. Đó là những hướng mở hiệu quả, hứa hẹn mang tới một diện mạo, vị trí ấn tượng hơn của hệ thống bảo tàng trong đời sống tinh thần xã hội./.

Khúc Hồng Thiện
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất