Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 15/4/2013 15:7'(GMT+7)

Việt Nam vắng bóng trong 100 ĐH hàng đầu châu Á

ĐH Quốc gia Singapore chú trọng xây dựng cán bộ giảng dạy đẳng cấp thế giới. ĐH này đứng thứ hai trong bảng xếp hạng 100 trường ĐH hàng đầu châu Á - Ảnh: NUS.EDU.SG

ĐH Quốc gia Singapore chú trọng xây dựng cán bộ giảng dạy đẳng cấp thế giới. ĐH này đứng thứ hai trong bảng xếp hạng 100 trường ĐH hàng đầu châu Á - Ảnh: NUS.EDU.SG

Đông Á nổi trội

Trong tuần qua, Times Higher Education công bố bảng xếp hạng đại học (ĐH) châu Á lần đầu tiên. Bảng xếp hạng mới dựa trên 13 tiêu chí được dùng cho bảng xếp hạng 400 ĐH hàng đầu thế giới, cũng của tạp chí này. Các tiêu chí phân thành 5 lĩnh vực: giảng dạy, nghiên cứu, đóng góp cho ngành công nghiệp qua các phát minh, tầm ảnh hưởng quốc tế. Theo đó, ĐH Tokyo (Nhật) chiếm ngôi đầu bảng và cùng 21 ĐH khác đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có nhiều trường nhất lọt vào bảng xếp hạng. ĐH Tokyo cũng được xếp dẫn đầu châu Á trong bảng xếp hạng 400 ĐH hàng đầu thế giới năm 2012-2013 (đứng thứ 27) của Times Higher Education. Đứng sau ĐH Tokyo trong bảng xếp hạng châu Á lần lượt là ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Hồng Kông, ĐH Bắc Kinh, ĐH Khoa học và Công nghệ Poyang (Hàn Quốc), ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc)…

Kết quả xếp hạng còn cho thấy các ĐH ở Đông Á nổi trội hơn so với những khu vực khác của châu Á. Cụ thể, sau Nhật về số lượng ĐH lọt vào bảng xếp hạng lần lượt là Đài Loan (17 trường), Trung Quốc đại lục (15 trường) và Hàn Quốc (14 trường). Bảng xếp hạng 100 ĐH học hàng đầu châu Á được đăng tại: http://www.timeshighereducation.co.uk/world-university-rankings/2012-13/regional-ranking/region/asia

Việt Nam ở đâu ?

Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore có 2 trường được xếp ở vị trí cao (thứ 2 và 11), Thái Lan có 3 trường (chiếm các vị trí 55, 61 và 82) và Malaysia cũng có một trường lọt vào bảng xếp hạng (đứng ở vị trí 87). Trong khi đó, Việt Nam không có trường nào được đề cập trong bảng xếp hạng trên.

Việt Nam cũng không có một ĐH nào lọt vào 100 vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng 300 ĐH hàng đầu châu Á năm 2012 do Công ty giáo dục QS (Anh) công bố. ĐH Quốc gia Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng này, nhưng lại đứng trong nhóm vị trí 201-250. Trong khi đó, ĐH Khoa học và công nghệ Hồng Kông đứng đầu bảng, kế đến là ĐH Quốc gia Singapore (NUS) và ĐH Hồng Kông, ĐH Tokyo được xếp ở vị trí thứ 8. Bảng xếp hạng ĐH châu Á do QS công bố lần đầu tiên vào năm 2009 với 9 tiêu chí, trong đó có danh tiếng của trường, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, tỷ lệ sinh viên, giảng viên quốc tế…

Lãnh đạo của các ĐH chiếm vị trí cao trong các bảng xếp hạng đều nhấn mạnh vai trò hỗ trợ của chính phủ. Ông Tan Chorh Chuan, Chủ tịch NUS, chia sẻ với kênh tin tức CNA: “NUS tiếp tục tiến triển là nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Singapore và sự tập trung đào tạo, tuyển dụng cán bộ giảng dạy, nhà nghiên cứu và sinh viên giỏi”. Còn ông John Spinks, một cố vấn cho lãnh đạo ĐH Hồng Kông, nhận định các trường ở thành phố này đạt hạng cao một phần nhờ vào sự hỗ trợ tài chính của chính phủ. Trong khi đó, Phil Baty, biên tập viên của Times Higher Education, cho rằng muốn đạt vị trí cao trong các bảng xếp hạng, các trường cần có quỹ tài trợ dồi dào để trả mức lương cạnh tranh cho các giáo sư quốc tế tài năng nhằm giữ chân họ và xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nghiên cứu, giảng dạy mang đẳng cấp thế giới. 

Mục tiêu còn xa

Nhiều chuyên gia cho rằng kết quả trên không bất ngờ bởi ở VN tuyên bố và thực tế vẫn còn cách xa nhau rất nhiều.

Trên blog cá nhân của mình, GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) cho biết năm 2011 Thái Lan công bố khoảng 5.500 bài báo khoa học. Cùng năm, Malaysia công bố khoảng 7.300 bài. Hai nước này có tỷ lệ tăng trưởng khoảng 13-15%/năm. Với tỷ lệ tăng trưởng như hoạch định, đến năm 2021 số công bố quốc tế của ta chỉ mới bằng Thái Lan năm 2011 và 2023 cũng chỉ bằng Malaysia năm 2011. Nếu không có mục tiêu cao hơn, chúng ta sẽ mãi mãi thấp kém hơn Thái Lan và Malaysia. GS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, từng nhận xét: “Tổng số công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay chưa bằng một trường ĐH của Thái Lan như Chulalongkorn hay Mahidol”.

Theo GS Phạm Phụ, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, năng lực của giáo dục ĐH tại Việt Nam hiện nay rất kém, không chỉ không có tên trong tốp 100, mà có thể tốp 200, 300 cũng không. Vì vậy, với tình hình này, tốt hơn là không cần chạy theo việc trở thành một trường ĐH đẳng cấp quốc tế được xếp hạng mà nên phát triển một cấu trúc ĐH có đẳng cấp quốc tế. Cứ giải quyết những vấn đề cần làm trước như phân tầng ĐH, tài chính ĐH…, lúc đó hãy nghĩ đến một vị trí trong bảng xếp hạng này.

PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Có thể nói hiện nay việc xếp hạng ĐH Quốc gia TP.HCM thấy còn rất xa và chưa quan tâm. Thật sự ở Việt Nam chưa có trường ĐH nào xứng đáng lọt vào các bảng xếp hạng. Vì vậy, ĐH Quốc gia TP.HCM chú trọng đến việc đầu tư chất lượng, với 3 công việc chính: bản chất, quản trị và nghiên cứu khoa học. Xây dựng một cái nền để đi, như bắt đầu từ chuẩn AUN - QA (do mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á) là sự lựa chọn của chúng tôi”.

Đăng Nguyên 

Theo Thanhnien


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất