Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 13/4/2012 10:50'(GMT+7)

Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn là một chủ trương đúng và trúng, có ý nghĩa thiết thực

Hội nghị “Sơ kết thực hiện đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn năm 2011” tại TP. Huế sáng 2/3/2012.

Hội nghị “Sơ kết thực hiện đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn năm 2011” tại TP. Huế sáng 2/3/2012.

Triển khai thí điểm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

Để cung cấp cho các xã, phường, thị trấn trong cả nước những cuốn sách thiết yếu về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trên địa bàn cấp xã, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở và thực hiện Thông báo số 220-TB/TW của Ban Bí thư về việc chủ trương thực hiện thí điểm Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, năm 2009 và 2010, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện thí điểm thành công Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn cho 16 tỉnh, thành phố trong cả nước với 45 đầu sách trang bị cho hơn 4.000 xã, phường, thị trấn.

Nội dung các cuốn sách phong phú và đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực như: Sách phổ biến, giáo dục lý luận chính trị, pháp luật và kiến thức quản lý cấp cơ sở;  Tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, thông báo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; các vấn đề thực tiễn thiết thực đối với cơ sở; những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết yếu về lý luận chính trị phù hợp với cán bộ, đảng viên và nhân dân ở xã, phường, thị trấn: sách nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tổ chức cán bộ, thi đua - khen thưởng của các chi bộ, đảng bộ cơ sở; sách về tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn; kỹ năng quản lý kinh tế - xã hội cấp xã, phường, thị trấn; Sách phục vụ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”: về học tập tư tưởng, đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Sách giới thiệu các điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt; đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, thù địch; đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống; Sách đặc thù cho các xã, phường, thị trấn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo,...

Kết quả đạt được

Đề án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sát sao của Ban Bí thư; sự nhiệt tình ủng hộ, phối hợp, tạo điều kiện của các cấp, các ngành Trung ương và các địa phương, các nhà xuất bản; sự hợp tác của các đơn vị, tổ chức, các cộng tác viên trong công tác tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in, phát hành. Cùng đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tích cực quan tâm, chỉ đạo việc triển khai Đề án tại địa phương.

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật mà trực tiếp là Hội đồng Chỉ đạo, Ban Tổ chức thực hiện Đề án, các đơn vị có liên quan của hai cơ quan đã chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tổ chức tốt việc thực hiện Đề án bảo đảm mục tiêu đề ra.

Trong năm 2011, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã tổ chức biên tập, xuất bản 69 đầu sách và ấn phẩm, tập trung vào các mảng đề tài sách phục vụ triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; sách phục vụ học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; sách về xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể; sách cẩm nang, hướng dẫn nghiệp vụ; sách pháp luật và hỏi đáp pháp luật; sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; sách nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa, y tế, môi trường, khoa học - công nghệ, tình hình thế giới... với số lượng in là 1,5 triệu bản cung cấp cho 11.112 xã, phường, thị trấn trong cả nước (mỗi xã, phường, thị trấn 02 bộ). Sách trong Đề án được biên soạn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của cơ sở; nội dung sách ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng; ít tính lý luận, hàn lâm, tăng cường các ví dụ thực tiễn cụ thể.

Sau khi sơ kết hơn 01 năm thực hiện thí điểm Đề án, có thể thấy rõ, đây là một chủ trương đúng và trúng, có ý nghĩa rất thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp xã, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Báo cáo của Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định: “Thực tế cho thấy khi chưa có sách trang bị, có nhiều việc cần giải quyết với dân ở cơ sở nhưng cán bộ lúng túng nên kéo dài, thậm chí còn giải quyết chưa đúng với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ khi có sách trang bị đã giúp ích cho nhiều cán bộ trong giải quyết công việc một cách nhanh hơn, đúng đắn hơn, hiệu quả hơn”.

Việc sử dụng và khai thác các ấn phẩm ở xã, phường, thị trấn chủ yếu là nhằm giải quyết các công việc hằng ngày của cán bộ chủ chốt công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, cán bộ tư pháp, đồng thời giúp cho các cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các chi bộ, tổ dân phố, ấp, khóm đọc để tìm hiểu, bổ sung kiến thức trên các lĩnh vực quan tâm.

Bên cạnh đó, đề tài sách phong phú và đa dạng đã bám sát yêu cầu của cơ sở. Đề án đã cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những đầu sách phục vụ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; những tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; những đầu sách về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận, các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở; về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương… đã thiết thực phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Báo cáo của Tỉnh ủy Bình Phước khẳng định: “Hình thức các ấn phẩm của Đề án đẹp, nội dung thiết thực, phù hợp, nhiều sách được trình bày dưới dạng hỏi - đáp dễ hiểu cho người đọc, tra cứu, vận dụng vào công việc; nguồn thông tin cung cấp bảo đảm tính chính thống. Ngoài những ấn phẩm có tác dụng đáp ứng kiến thức cơ bản, lâu dài còn có nhiều ấn phẩm phục vụ cho giải quyết những vấn đề đang bức xúc, thường xảy ra hiện nay ở cấp xã, thôn, ấp như về quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư cấp xã, về tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác dân tộc, tôn giáo của chính quyền, đoàn thể cấp xã, thôn, ấp, sóc...; những ấn phẩm giúp cho tổ chức thực hiện các cuộc vận động, phong trào như tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước”.

Một điều quan trọng là nội dung sách tương đối phong phú, hình thức đẹp, phương pháp biên soạn phổ thông, dễ đọc, dễ nhớ, dễ vận dụng, phù hợp với cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Sách trong Đề án được phân loại theo từng mảng đề tài phù hợp với từng đối tượng, từng nhiệm vụ cụ thể ở cơ sở. Nhiều ấn phẩm được trình bày dưới dạng hỏi - đáp dễ hiểu, dễ nhớ, tiện tra cứu. Các sách phổ biến pháp luật phục vụ kịp thời cho việc giải quyết những vấn đề đang bức xúc, thường xảy ra ở cơ sở như: quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư cấp xã, về tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo... Có những đề tài sách phù hợp với đặc trưng vùng miền như: Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc Khơme ở cơ sở xã, phường, thị trấn khu vực Tây Nam Bộ. Bước đầu cập nhật những kiến thức về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Các đầu sách cẩm nang, hướng dẫn nghiệp vụ đã cung cấp những kỹ năng tác nghiệp cần thiết để xử lý công việc hằng ngày của cán bộ cấp xã. Các đề tài sách như Bí quyết làm giàu từ chăn nuôi, Hướng dẫn nhà nông làm giàu, Những điều cần biết khi chung sống với điện, Thuốc thường dùng… được bà con nông dân rất quan tâm tìm hiểu. Báo cáo của Tỉnh ủy Kon Tum khẳng định: “Việc trang bị sách cho xã, phường, thị trấn là rất cần thiết, có tác dụng thiết thực đối với cán bộ, đảng viên ở cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum (trong khi các hệ thống thông tin liên lạc khó khăn, đài phát thanh - truyền hình không phục vụ được vùng lõm, khó đến được với dân vùng sâu, vùng xa; loa truyền thanh không dây vừa thiếu, vừa hư hỏng nặng, cơ sở không đủ điều kiện để cải tạo, sửa chữa”.

Hơn nữa, việc tổ chức cấp, phát trực tiếp sách của Đề án đến đúng đối tượng ở cơ sở là yếu tố quan trọng bảo đảm việc thực hiện đúng mục tiêu đề ra. Thực tế triển khai các đề án xuất bản sách, báo phục vụ cơ sở đã thực hiện cho thấy, nếu cấp phát bằng tiền để các địa phương tự tổ chức mua sách thì không ít các địa phương đã bổ sung nhiều đầu sách không phù hợp với mục tiêu của Đề án, thậm chí còn có địa phương đã sử dụng tiền được cấp vào các mục đích khác.

Thực tế cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở tổ chức thực hiện Đề án được thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Trách nhiệm của các cơ quan, ban, bộ, ngành ở Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã phường được quy định một cách rõ ràng. Đây là yếu tố quan trọng bảo đảm việc thực hiện Đề án được thông suốt và hiệu quả. Bên cạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn các nguyên tắc về quản lý, khai thác, sử dụng sách, Đề án đã phát huy sự chủ động, sáng tạo của các địa phương trong việc tổ chức hoạt động của tủ sách phù hợp với điều kiện hoàn cảnh đặc thù của từng địa phương.

Việc tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành một cách đồng bộ, tập trung một đầu mối là Hội đồng Chỉ đạo và Ban Tổ chức thực hiện Đề án gồm các đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã góp phần đáng kể vào việc hạ giá thành sản phẩm và tăng tính hiệu quả của Đề án.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế, đó là: sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và các địa phương trong việc thực hiện Đề án có lúc, có việc chưa thật chặt chẽ. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu của Đề án. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của Hội đồng Chỉ đạo Đề án, của các cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật quyết liệt, hiệu quả. Việc đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí nhằm phát triển văn hóa đọc ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có cơ chế, chính sách phù hợp cho cán bộ làm công tác quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách. Cán bộ, đảng viên ở không ít địa phương chưa có thói quen đọc sách; trình độ học vấn ở cơ sở còn hạn chế. Kinh phí thực hiện Đề án còn ít và đầu tư nhỏ giọt và chưa xây dựng được một kế hoạch xuất bản dài hạn của Đề án.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2012

Tiếp tục đề xuất, tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Ban Bí thư về Đề án trang bị sách cho cơ sở, xã, phường, thị trấn nhằm đẩy mạnh công tác đưa sách về cơ sở, năm 2012, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cơ sở, các cơ quan Trung ương và các địa phương tham gia thực hiện Đề án đều khẳng định tính cấp thiết, thiết thực, hiệu quả của Đề án, thống nhất đề nghị Ban Bí thư cho chủ trương tiếp tục triển khai đồng bộ trong cả nước như sau:

(1)- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch đề tài - xuất bản sách trong Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn năm 2012 bám sát nhu cầu của cơ sở; chú trọng sách phục vụ quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XI và các hội nghị Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; các đề tài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các đề tài sách cho vùng sâu vùng xa, sách song ngữ cho đồng bào dân tộc thiểu số; sách về các mô hình làm kinh tế giỏi… Tăng cường các đề tài sách nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, các đề tài sách cung cấp những thông tin về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Tiếp tục khai thác các mảng đề tài sách cẩm nang, nghiệp vụ cho từng đối tượng cán bộ ở cơ sở. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, trình bày, in ấn, phát hành sách phù hợp với yêu cầu ở cơ sở.

(2)- Nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan Trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền về cơ chế đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác tổ chức quản lý, khai thác sử dụng sách trong Đề án.

(3)- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Ban Bí thư về thực hiện Đề án, về mục đích, yêu cầu của Đề án; tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc tổ chức thực hiện Đề án; giới thiệu nội dung các cuốn sash, truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo chí, hệ thống phát thanh, truyền hình các cấp hiện nay,... để quảng bá rộng rãi đến đông đảo các tầng lớp nhân dân.

(4)- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch biên soạn tài liệu và tổ chức các lớp hướng dẫn nghiệp vụ thư viện cho cán bộ làm công tác quản lý, khai thác, sử dụng sách; tài liệu tuyên truyền hoạt động của tủ sách cho các cơ sở; xây dựng quy trình quản lý, khai thác, sử dụng của tủ sách xã, phường, thị trấn.

(5)- Nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan chức năng sát nhập tủ sách lý luận chính trị dành cho xã, phường, thị trấn với tủ sách pháp luật hiện nay.


Chu Khánh

Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất