Là một địa bàn năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong việc mở ra hàng loạt các khu công nghiệp và thu hút lượng lớn lao động từ mọi miền của đất nước đến làm ăn, sinh sống. Trong đó, phần lớn là lực lượng lao động trẻ, đáp ứng nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Đến nay, Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch phát triển 34 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 11.380 ha. Tính đến tháng 7/2012, tỉnh Đồng Nai có 31 KCN được thành lập với tổng diện tích đất 9.724,20 ha, tỷ lệ cho thuê đạt gần 62% diện tích đất công nghiệp dành cho thuê, đã có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với 1.182 dự án. Bên cạnh đó Chính phủ đã chấp thuận và Đồng Nai đã tiến hành thành lập khu công nghiệp công nghệ cao tại huyện Long Thành (500 ha), khu liên hợp công nông nghiệp tại huyện Xuân Lộc và huyện Thống Nhất (2.186 ha), khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học tại huyện Cẩm Mỹ (209 ha)... mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư vào Đồng Nai. Bên cạnh các khu công nghiệp, đến năm 2010 Đồng Nai đã quy hoạch và phát triển 45 cụm công nghiệp và làng nghề với diện tích khoảng 2.080 ha nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dân số Đồng Nai khoảng 2,6 triệu người, trong đó: Dân số khu vực thành thị 33,23%, khu vực nông thôn 66,73% (năm 2011). Với số lao động làm việc trong các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hơn một triệu người, thì khu vực ngoài nhà nước có trên 700.000 người. Riêng công nhân lao động khu vực ngoài nhà nước nơi có tổ chức công đoàn gần 450.000 người. Lao động tập trung đông nhất là các ngành da giày, sản xuất sợi, dệt, may, chế biến gỗ, lắp ráp điện tử, linh kiện phụ tùng xe... Số lao động bình quân hàng năm tăng thêm từ 40.000 đến 60.000 lao động. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chính vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, pháp luật cho công nhân lao động (CNLĐ) ngày càng trở nên cấp thiết.
Những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động văn hóa cho công nhân các khu công nghiệp và được sự tham gia tích cực và hào hứng của đông đảo công nhân. Những hoạt động này được coi là bước khởi đầu quan trọng góp phần chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho đông đảo công nhân tại các khu công nghiệp trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục linh hoạt, đa dạng được các cấp công đoàn tổ chức tùy theo điều kiện thực tế ở cơ sở như mở hội nghị, tuyên truyền qua hệ thống thông tin nội bộ của doanh nghiệp (bản tin, loa phát thanh), phát hành tờ tin sinh hoạt tổ công đoàn…
Trong thời gian qua, việc tổ chức học tập và quán triệt các nghị quyết của Trung ương và của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, vị trí, vai trò của đội ngũ CNLĐ và tổ chức công đoàn.
Tuy nhiên công tác tuyên truyền vẫn còn những hạn chế, bất cập. Hình thức tuyên truyền vẫn còn mang tính một chiều từ trên xuống, thiếu sự phản hồi từ cơ sở. Các cấp công đoàn vẫn chưa kịp nắm bắt và giải quyết những thắc mắc mà cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động quan tâm; trình độ học vấn, tay nghề, kiến thức quản lý, trình độ chính trị và hiểu biết pháp luật của công nhân lao động còn nhiều bất cập…
Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính trị đối với công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới, cần triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng tình của chủ doanh nghiệp để tạo sự thống nhất cao về tư tưởng đối với công tác tuyên truyền chính trị trong công nhân lao động
Trên cơ sở nhận thức đầy đủ về vấn đề tuyên truyền chính trị đối với công nhân lao động, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc thực thi nhiệm vụ này nhằm đảm bảo công tác tuyên truyền được diễn ra đúng định hướng và mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Trước hết, là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền chính trị, thể hiện bằng quan điểm, chủ trương, phương hướng rõ ràng nhằm tạo sự thống nhất và phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực. Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể của từng giai đoạn đổi mới, gắn trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành, các cấp sao cho tập hợp được toàn bộ lực lượng tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền. Các cấp ủy Đảng cần chủ trì xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch triển khai một cách cụ thể, chú trọng chất lượng và hiệu quả.
Công tác tuyên truyền chính trị cho công nhân lao động không chỉ là trách nhiệm của Công đoàn và của Ban Tuyên giáo các cấp mà đây là hoạt động mang tính rộng lớn; là trách nhiệm của các đoàn thể chính trị - xã hội như Đoàn Thanh Niên, Hội Phụ nữ... và đặc biệt là của chủ doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ, thống nhất ý chí, hành động; đoàn kết và cùng chung tay thực hiện thì mới đem lại kết quả thiết thực.
Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền chính trị cho công nhân lao động
Trong công tác tuyên truyền chính trị đối với công nhân lao động của tỉnh Đồng Nai hiện nay, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng là yêu cầu cấp thiết để giữ vững trận địa công tác tư tưởng của Đảng ở cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương. Bởi lẽ, nếu đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên mà có năng lực yếu, ít am hiểu về chính trị, luật pháp, trình độ chuyên môn không đáp ứng với những yêu cầu trong tình hình mới thì hiệu quả hoạt động đem lại không cao gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Cần quan tâm đầu tư con người cho công tác tuyên truyền chính trị bao gồm cả việc ban hành các chế độ chính sách khuyến khích, cho những người đang trực tiếp tham gia nhất là cán bộ công đoàn ở cơ sở... Thực hiện tốt hơn chế độ biểu dương khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích nổi trội trong công tác tuyên truyền chính trị.
Ba là, đổi mới hình thức công tác tuyên truyền chính trị đối với công nhân lao động
Để công tác tuyên truyền, giáo dục dễ được công nhân tiếp nhận và đạt hiệu quả, cần tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền. Trên cơ sở trình độ, điều kiện lao động, đặc điểm nhận thức, tư duy và nhu cầu của mỗi nhóm đối tượng công nhân mà lựa chọn hình thức, phương pháp tuyên truyền cho phong phú, đa dạng, linh hoạt; phải kiên trì, khéo léo và tế nhị. Điểm đặc biệt chú ý trong nội dung tuyên truyền là phải lồng ghép và thông qua hệ thống cơ chế, chính sách góp phần bảo vệ lợi ích của công nhân một cách cụ thể và thiết thực, không gò ép, lý luận xuông, giáo điều.
Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống giai cấp công nhân, truyền thống phong trào công đoàn bằng các hình thức như: nhà văn hóa công nhân, câu lạc bộ công nhân, phòng truyền thống trong các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp và bảo tàng công nhân trong các khu vực công nghiệp. Đây là những hình thức có tác dụng lan tỏa trong việc nâng cao nhận thức về truyền thống cho công nhân cần được chú trọng xây dựng và phát triển hiện nay.
Bên cạnh đó cần phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa; khuyến khích chủ doanh nghiệp tổ chức tặng quà, thăm hỏi công nhân vào những dịp lễ, Tết và những công nhân có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các buổi đối thoại giữa công nhân và chủ doanh nghiệp nhằm tăng cường sự hiểu biết và cải thiện mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp.
Bốn là, tăng cường các phương tiện cần thiết cho việc tuyên truyền, đảm bảo các sản phẩm tuyên truyền chính trị thực sự phong phú, hấp dẫn
Hiện nay, nhu cầu hưởng thụ thông tin của nhân dân nói chung và công nhân lao động nói riêng đòi hỏi ngày càng cao, nhất là thông tin có định hướng từ các cấp ủy đảng, chính quyền. Song một mâu thuẫn đang đặt ra đối với công tác tuyên truyền là, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu thông tin. Chính vì vậy, việc tăng cường đẩu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho công tác tuyên truyền có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng. Do vậy, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp đến công tác tuyên truyền cần phải được trang bị hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật tương ứng. Tăng cường đầu tư ngân sách trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật công tác tuyên truyền theo hướng phát triển đồng bộ và hiện đại hóa, có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm cho từng lĩnh vực công tác tuyên truyền nhằm xây dựng lực lượng đủ mạnh, đủ sức đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công nhân lao động của tỉnh. Trước hết cần quan tâm trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại cho hệ thống phát thanh các huyện, cơ sở.
Năm là, gắn tuyên truyền chính trị với tuyên truyền kinh tế, pháp luật, hoạt động văn hóa, văn nghệ trong công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Gắn tuyên truyền đường lối, chính sách kinh tế với phổ biến kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; phát hiện, biểu dương, nhân rộng điển hình, nhân tố mới, động viên mỗi người công nhân lao động nỗ lực sản xuất, kinh doanh, khai thác thị trường, tiêu thụ sản phẩm, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước trên lĩnh vực phát triển kinh tế.
Chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn thực hiện tốt chính sách, pháp luật lao động trong các doanh nghiệp và đội ngũ công nhân. Trong đó, chú trọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh, bảo đảm mọi người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ và chấp hành tốt chính sách, pháp luật lao động.
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cần chú trọng đầu tư kinh phí để biên soạn các tài liệu gấp, sách bỏ túi nói về quyền và nghĩa vụ của người lao động. Xây dựng tủ sách pháp luật tại các doanh nghiệp, xuất bản rộng rãi các sách, báo, ấn phẩm về quan hệ lao động, các chính sách, pháp luật lao động./.
Trần Nguyễn Thảo Ly