(TG)-Trong những năm qua, công tác tuyên truyền miệng ở vùng có đông đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có bước phát triển, ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tư tưởng trong tình hình mới, góp phần tăng cường sự gắn bó giữa các cấp ủy đảng với nhân dân, tăng cường sự thống nhất tư tưởng, sự đồng thuận trong xã hội.
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất cả nước. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, hiện toàn tỉnh có khoảng 400.733 người dân tộc Khmer, chiếm 31,7 % dân số. Trong đó có 47/109 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng ở địa phương, một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu được Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng tập trung là đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng. Trong thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã tích cực quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; Các cấp ủy đảng từ cấp tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác tuyên truyền miệng; xem đây là cầu nối quan trọng để vừa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào Khmer, vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp cho các cấp ủy đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, những hành vi lôi kéo, xúi giục một số đối tượng người Khmer gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Công tác xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng được các cấp uỷ đảng quan tâm, chú trọng; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Từ đó, chất lượng đội ngũ báo cáo viên ngày càng được củng cố và tăng cường. Mạng lưới báo cáo viên được phủ rộng và tương đối đồng đều giữa các địa phương (hiện tại, toàn tỉnh có hơn 50 báo cáo viên cấp tỉnh và hơn 300 báo cáo viên cấp huyện).
Các hội nghị báo cáo viên cũng được tổ chức thường xuyên, đây là cơ hội để các báo cáo viên, tuyên truyền viên giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền miệng còn có sự phối hợp rất tốt giữa các cấp ủy đảng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nhất là ở cấp cơ sở cùng với các chức sắc tôn giáo, người có uy tín ở địa phương, với phương châm mỗi đồng chí bí thư chi bộ, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc là một báo cáo viên, tuyên truyền viên chủ chốt ở cơ sở.
Ngoài ra, nội dung, hình thức tuyên truyền miệng cũng ngày càng phù hợp hơn với đối tượng là người dân tộc Khmer. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật, các sự kiện nổi bật của đất nước, của địa phương như: tuyên truyền nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; về công tác bầu cử đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp…v.v. Trong đó, có sự chắt lọc nội dung, phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Chẳng hạn như khi tuyên truyền về pháp luật ở những buổi sinh hoạt của các tổ, hội phụ nữ các ấp, khóm, phum, sóc thì nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu về những vấn đề Luật Hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, quyền của phụ nữ…v.v, kết quả đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của các hội viên nữ.
Việc đổi mới hình thức tuyên truyền cũng đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm nhiều hơn của đồng bào người Khmer vì hình thức, phương pháp tuyên truyền dễ hiểu hơn, gần gũi hơn, trong đó có sự kết hợp tuyên truyền với giải đáp pháp luật. Đặc thù của đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng là phần lớn bà con theo đạo Phật. Vì vậy bà con thường đi chùa vào các ngày lễ hội hoặc định kỳ hàng tháng. Đây chính là dịp để các tuyên truyền viên, tuyên truyền miệng nắm bắt, từ đó giúp công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang tiến hành thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua đó, công tác tuyên truyền miệng cũng đã góp phần giúp bà con nông dân người Khmer chuyển dịch cơ cấu kinh tế hộ gia đình, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng giống cây trồng, vật nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ đó có nhiều hộ người Khmer đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở vùng có đông đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn những hạn chế và khuyết điểm nhất định. Một số tổ chức cơ sở đảng chưa nhận thức thật sự đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng; chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác tuyên truyền miệng và việc nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Cùng với đó, một số đảng viên chưa chủ động tham gia tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho quần chúng nhân dân nơi mình sinh sống, cư trú; một số báo cáo viên còn hạn chế về khả năng sử dụng tiếng dân tộc…v.v.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy đảng cần tiếp tục quán triệt ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, xác định đây là một trong những kênh thông tin quan trọng nhất, phổ biến, giáo dục, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc Khmer; giúp định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và đồng bào người Khmer trước các vấn đề thời sự quan trọng của địa phương cũng như trong nước và quốc tế.
Hai là, công tác tuyên truyền miệng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì vậy tất cả cấp ủy đảng, các đảng viên, nhất là bí thư cấp ủy, Mặt trận tổ quốc và các ban, ngành đoàn thể nơi có đông đồng bào Khmer phải có sự phối hợp, có trách nhiệm làm nhiệm vụ tuyên truyền miệng đến với đồng bào.
Ba là, các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Ban Tuyên giáo cấp huyện, cán bộ tuyên giáo ở cấp xã cần chủ động trong việc tham mưu cho cấp uỷ tổ chức quán triệt sâu sắc và thực thi nghiêm túc gắn với điều kiện thực tiễn và yêu cầu ở từng địa phương nơi có đông đồng bào Khmer.
Bốn là, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, kết hợp hài hòa giữa đội ngũ báo cáo viên lâu năm, có kinh nghiệm với đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên trẻ, từng bước nâng cao trình độ chuyên nghiệp của báo cáo viên, nhất là đội ngũ báo cáo viên thường xuyên tiếp xúc ở cơ sở, vùng sâu vùng xa. Chú trọng công tác quy bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, nhất là kỹ năng viết, kỹ năng nói, kỹ năng sử dụng tiếng Khmer trong quá trình giao tiếp, trao đổi với người dân.
Năm là, tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với đối tượng là đồng bào người Khmer; đổi mới hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên theo hướng nhanh nhạy, linh hoạt hơn. Nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phải cụ thể, phù hợp, đảm bảo hiệu quả thiết thực, cần thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin nhiều hơn nữa trong công tác biên soạn tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.
Sáu là, cần đảm bảo các chế độ, chính sách và các phương tiện hoạt động cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phù hợp với yêu cầu công tác. Nhất là chế độ phụ cấp cho cán bộ Tuyên giáo ở cấp xã, để có thể động viên, thu hút được những người có tâm huyết, thực sự có năng lực làm công tác tuyên truyền miệng; Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền miệng, để từ đó xử lý những trường hợp sai phạm, kém hiệu quả và có chế độ tuyên dương khen thưởng những cá nhân, tổ chức, đơn vị có những cách làm hay gắn với việc thường xuyên tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền miệng ở vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Với sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết và sáng tạo của các cấp ủy Đảng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các ban, ngành đoàn thể và cán bộ, đảng viên, công tác tuyên truyền miệng ở vùng có đông đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sẽ ngày càng có những bước tiến mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII của tỉnh đã đề ra./.
Nguyễn Văn Lĩnh -Trương Thế Nguyễn
Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng