Thứ Ba, 29/3/2016 17:9'(GMT+7)
Những lý do khiến mạng xã hội không được quy định trong Luật Báo chí
Theo chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Luật Báo chí sửa đổi sẽ được các đại biểu biểu quyết thông qua. Đây là đạo luật có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống báo chí nước nhà.
Một trong những điểm rất được quan tâm là Luật Báo chí sửa đổi sẽ quy định hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp trong khi mạng xã hội thì chưa được đưa vào quản lý.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đình Phúc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) về những vấn đề xoay quanh đạo luật này.
Hỗ trợ báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị
- Thưa ông, Luật Báo chí sửa đổi đã được trình tại kỳ họp thứ 10 và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 11 đang diễn ra. Là người đứng đầu Cục Báo chí, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của đạo luật này, nhất là trong báo chí đang phải cạnh tranh với rất nhiều loại hình truyền thông mới như hiện nay?
Ông Lưu Đình Phúc: Luật Báo chí ra đời năm 1989, tới năm 1999 có sửa đổi bổ sung. Sau 16 năm, Luật Báo chí đã bộc lộ nhiều bất cập so với thực tiễn, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi một cách toàn diện. Tôi cho rằng, Luật Báo chí sửa đổi lần này nếu được thông qua sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của báo chí nói chung cũng như quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân nói riêng.
Cụ thể, Luật Báo chí sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ để cơ quan báo chí trong nước phát triển một cách chủ động, tự chủ, sáng tạo, phát huy thế mạnh của mình để khắc phục hạn chế, bắt kịp xu thế phát triển của báo chí hiện đại.
Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định rất cụ thể công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin. Tinh thần này đã được thực hiện đầy đủ, cụ thể trong Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Nếu được thông qua, Luật Báo chí sẽ đảm bảo cho các chủ thể tham gia hoạt động báo chí quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí cũng như cơ chế nhà nước đảm bảo mọi tổ chức cá nhân được thực thi quyền đó.
Hiện nay, truyền thông xã hội cạnh tranh mạnh mẽ với báo chí chính thống về thời gian tính và sức lan tỏa của thông tin. Trong bối cảnh đó, phải làm sao đảm bảo cho báo chí chính thống phát triển, làm phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu, phục vụ đời sống nhân dân nhưng cũng đảm bảo định hướng dư luận xã hội.
Bởi vậy, trong Luật Báo chí sửa đổi, quan điểm này đã được quán triệt. Với những tờ báo phục vụ nhiệm vụ chính trị, Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ cụ thể như đặt hàng, hỗ trợ cước phát hành đến vùng sâu, vùng xa… Sự hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ cho báo chí làm tốt nhiệm vụ chính trị, mặt khác đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.
Ngoài ra, với chính sách mở, Luật Báo chí sửa đổi đã quy định cụ thể về quyền của các chủ thể tham gia hoạt động báo chí. Ví dụ như như công dân có quyền liên kết, tham gia sản xuất nội dung thông tin giải trí với cơ quan báo chí; những tổ chức nghiên cứu khoa học do nhà nước hoặc tư nhân thành lập đều được phép xuất bản tạp chí khoa học chuyên ngành để phục vụ nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học ở nước ta hiện nay.
Cùng với việc quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, Luật Báo chí sửa đổi cũng đưa ra các chế tài cụ thể để xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí để để xâm hại lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Siết chặt vấn đề bản quyền
- Luật Báo chí sửa đổi có một điểm rất đáng chú ý là sẽ quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp. Vì sao lại có quy định này?
Ông Lưu Đình Phúc: Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, trang thông tin điện tử tổng hợp được ra đời và hiện nay được quản lý bởi Nghị định 72 (Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng) và Nghị định 174 (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện).
Về bản chất, nội dung của trang thông tin điện tử tổng hợp là thông tin báo chí, bởi trang này trích dẫn nguyên văn nguồn tin từ các cơ quan báo chí đã cho phép họ trích dẫn. Do đó, trang thông tin điện tử cần được quản lý trong luật chuyên ngành về báo chí. Những thông tin có tính chất báo chí phải chịu sự điều chỉnh của của Luật Báo chí.
Trong Luật Báo chí sửa đổi chỉ quy định những nguyên tắc chung nhất đối với hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp. Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết quản lý hoạt động của loại trang tin điện tử này
- Có một thực tế là tình trạng vi phạm bản quyền trên trang thông tin điện tử tổng hợp diễn ra phổ biến, làm nhiều cơ quan báo chí bức xúc. Luật Báo chí sửa đổi có quy định vấn đề này không?
Ông Lưu Đình Phúc: Về vấn đề này chúng ta đã có các quy định pháp luật về bản quyền, quyền tác giả. Các trang thông tin điện tử tổng hợp về nguyên tắc phải được sự đồng ý của các cơ quan báo chí cho trích dẫn nguồn, nhưng trên thực tế một số trang đã thực hiện không nghiêm quy định đó.
Trong lĩnh vực báo chí cũng có quy định xử phạt vấn đề này. Ở Luật Báo chí sửa đổi, chúng tôi quy định những nguyên tắc cơ bản để các chủ thể sản xuất trang thông tin điện tử tổng hợp phải tuân thủ nguyên tắc về bản quyền, nội dung thông tin theo quy định.
- Vậy còn mạng xã hội, tại sao không được quy định trong phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí sửa đổi?
Ông Lưu Đình Phúc: Mạng xã hội hiện có hai dạng. Thứ nhất là các mạng xã hội ở trong nước, được vận hành bởi các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội ở trong nước, được quản lý bởi Nghị định 72, Nghị định 174 và chúng ta cơ bản quản lý được.
Thứ hai là các mạng xã hội ở nước ngoài, vận hành bởi các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, có chủ thể cung cấp dịch vụ mạng ở nước ngoài như Facebook, thông tin mang tính chất toàn cầu, tương tác nhiều người. Việc quản lý thông tin này rất khó, liên quan đến việc tiếp cận thông tin của người dân nói chung.
Ngoài ra, mạng xã hội vừa có thông tin mang tính chất báo chí, vừa có nhiều thông tin khác. Vì vậy, để quản lý lĩnh vực mà chủ thể cung cấp dịch vụ vừa ở trong nước, vừa ở nước ngoài đòi hỏi phải có luật chuyên ngành về thông tin mạng để điều chỉnh cụ thể hơn. Đó là lý do ban soạn thảo và các cơ quan liên quan không đưa mạng xã hội vào Luật Báo chí.
Xử nghiêm sai phạm
- Thời gian vừa qua có một số cơ quan báo chí sai phạm, đưa thông tin mang xu hướng giật gân, không đi theo tôn chỉ, mục đích và đã bị xử phạt. Trong Luật Báo chí sửa đổi, việc này sẽ được quy định như thế nào để làm lành mạnh nền báo chí nước nhà, thưa ông?
Ông Lưu Đình Phúc: Việc chấp hành pháp luật về báo chí trong nhiều thời điểm là chưa nghiêm túc. Những vi phạm như nêu trên tập trung nhiều ở những cơ quan báo chí có chủ quản, lãnh đạo báo chí buông lỏng công tác quản lý. Pháp luật báo chí hiện hành đã có các quy định để điều chỉnh việc này. Tuy nhiên, trong tình hình mới, các quy định pháp luật về báo chí cần cụ thể hơn, bổ sung nhiều hành vi mới, chế tài chặt chẽ hơn.
Trong Luật Báo chí sửa đổi lần này đã quy định những hành vi cấm tại Điều 9 với 13 khoản rất cụ thể, đảm bảo nguyên tắc việc hạn chế quyền của công dân phải được quy định trong luật, chỉ trong trường hợp làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, Luật cũng quy định rất cụ thể về việc cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi khi thông tin sai sự thật; về trách nhiệm của cơ quan báo chí khi nhận phản hồi của người dân đối với thông tin mà báo đăng; quy định chặt chẽ về chế tài xử lý khi báo chí sai phạm với các hình thức xử lý như xử phạt vi phạm hành chính, đình bản, thu hồi giấy phép, thu thẻ phóng viên. Đặc biệt, những quy định về đạo đức nghề báo được đưa vào Luật, và nhà báo phải tuân thủ quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo…
- Xin cảm ơn ông!
Theo VN+