Chủ Nhật, 6/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 30/3/2016 13:55'(GMT+7)

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy động lực phát triển đất nước

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, "vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước". Vì vậy, Đảng ta rất coi trọng xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt, từ khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước (1986) đến nay, nhận thức về vấn đề dân chủ của Đảng ngày càng hoàn thiện, cụ thể hóa thành các chủ trương, đường lối, chính sách và thực sự trở thành động lực phát triển đất nước…

Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII bổ sung nội dung "dân chủ xã hội chủ nghĩa" trong phương hướng, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng nhiệm kỳ tới. Đó là sự bổ sung phù hợp, kịp thời; phản ánh một cách khách quan những đòi hỏi bức thiết của thực tiễn và thể hiện tư duy sáng tạo của Đảng về động lực phát triển đất nước. Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy động lực phát triển đất nước, cần thực hiện một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phát huy dân chủ trong Đảng, Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện làm thay Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội.

Thực tiễn cho thấy, sự phát triển dân chủ phụ thuộc rất quan trọng vào thực hành dân chủ; nhất là dân chủ trong Đảng. Mỗi bước mở rộng dân chủ trong Đảng sẽ là nguồn động viên, khích lệ đối với việc mở rộng dân chủ trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội. Thành tựu vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta đã chứng minh tính đúng đắn của việc phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng và toàn xã hội... Do đó phải phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng, từ Đại hội đại biểu toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến các cấp ủy, chi bộ.

Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, cấp uỷ viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. 

Thứ hai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước để thực thi quyền lực của nhân dân.


Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo. Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân. Nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. 

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tiếp tục phát huy dân chủ, tính công khai, đối thoại trong thảo luận, hoạt động chất vấn tại diễn đàn Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả; tổ chức tinh gọn và hợp lý. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; giảm mạnh và bãi bỏ các loại thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Đẩy mạnh xã hội hoá các loại dịch vụ công phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội nhằm đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hoá, phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phải làm tốt công tác dân vận theo phong cách trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân. Đảng tôn trọng tính tự nguyện xã hội, tính tự chủ của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả. Bảo đảm quyền làm chủ của dân, thực hành dân chủ và tăng cường đoàn kết là mục tiêu và phương hướng chung của sự đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Phải thực hành dân chủ thật sự để đạt được đoàn kết thật sự trong tất cả các giới, các ngành, các cộng đồng dân cư, ở cơ sở và trong phạm vi toàn quốc. 

Thứ tư, xây dựng và phát huy vai trò của báo chí trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân.


Luật Báo chí Việt Nam khẳng định: Báo chí là tiếng nói của Đảng, các cơ quan Nhà nước, của các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Tiếng nói của báo chí không chỉ phán ánh kịp thời, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin tin cậy để nhân dân “gửi gắm” tâm tư nguyện vọng, “vũ khí” giám sát của mình đối với Đảng và Nhà nước. Từ đó, tìm ra tiếng nói chung của “ý Đảng lòng dân”, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng tâm hợp lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng đề ra. Báo chí phải thực sự trở thành diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; trở thành diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội.

Để báo chí cách mạng phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình cho sự nghiệp cách mạng, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần để báo chí giữ vững định hướng của Đảng, là ngọn cờ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân; cổ vũ, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, thông tin nhanh, chính xác, đa dạng, chủ động cập nhật, sáng tạo trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền, đóng góp tích cực vào định hướng dư luận, tăng cường niềm tin trong nhân dân với Đảng.

Thứ năm, tiếp tục mở rộng và cụ thể hóa dân chủ trực tiếp cho người dân.

Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp như thông qua tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đối thoại với lãnh đạo địa phương, thực hiện quyền được trưng cầu dân ý theo luật định, nghiên cứu để nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, huyện. Cần có cơ chế cụ thể, rõ ràng để nhân dân bày tỏ thẳng thắn ý kiến và phản biện đối với dự thảo, dự kiến, dự án, những quyết định lớn của Đảng, Nhà nước. 

Thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức./.

Khúc Văn Hưởng
Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất