(TG)-Kết quả của Hội thảo “Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý của các trường sư phạm” là cơ sở khoa học giúp các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm xây dựng chiến lược phát triển ngành sư phạm chất lượng và hiệu quả.
Để xây dựng và hoàn thiện Đề án phát triển các trường sư phạm theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88/QH13 của Quốc hội khóa 13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiến hành một số hội thảo khoa học để đánh giá thực trạng và tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Từ ngày 24-25/01/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức khai mạc Hội thảo khu vực phía Bắc với chủ đề “Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý của các trường sư phạm” tại tỉnh Hải Dương. Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Ban giám hiệu các trường cao đẳng khu vực phía Bắc; đại diện Ban giám hiệu các trường đại học: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên, Đại học Sư phạm-Đại học Huế, Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng, Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý Giáo dục.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày một số tham luận và phát biểu các ý kiến tập trung vào một số nội dung như: (1) Thực trạng chất lượng, khả năng đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục của sinh viên sư phạm tại các trường phổ thông và nhu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông ở địa phương; (2) Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông; (3) Nâng cao năng lực giảng viên các trường sư phạm; (4) Phương thức đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; (5) Năng lực của sinh viên sư phạm và xây dựng chuẩn đầu ra cho đào tạo sinh viên sư phạm gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên; (6) Xây dựng chương trình chuẩn đầu ra (các lĩnh vực kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành, kiến thức giáo dục học, thời lượng học lý thuyết và thực hành, thời lượng thực hành sư phạm,…); (7) Phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo giáo viên; (8) Các điều kiện cho việc thực thi chương trình sư phạm mới: biên soạn giáo trình, học liệu; phòng học và đường truyền; trường thực hành sư phạm; sự gắn kết giữa nhu cầu đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các địa phương với yêu cầu đào tạo của trường sư phạm.
Hội thảo đã chỉ ra một số hạn chế của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý như tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ đạt chuẩn đào tạo cao nhưng chưa tương xứng với yêu cầu về chất lượng, năng lực nghiệp vụ (đặc biệt là năng lực sư phạm), chuyên môn và phẩm chất đạo đức còn nhiều hạn chế; tỷ lệ đáng kể giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn nghề nghiệp, đặc biệt tại các vùng dân tộc thiểu số, các vùng khó khăn; vừa thừa vừa thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là tại các địa bàn khó khăn; các điều kiện (trình độ giảng viên; cơ sở vật chất; nội dung, chương trình đào tạo,…) đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường sư phạm còn hạn chế…
Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao năng lực đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý như tăng cường cơ sở vật chất cho các trường sư phạm; ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường các tiết thực tập tại các trường phổ thông cho sinh viên; có sự kết hợp chặt chẽ giữa các trường sư phạm, các trường phổ thông; các trường sư phạm cần cùng nhau xây dựng bộ chuẩn năng lực nghề nghiệp,…
Kết quả của Hội thảo là cơ sở khoa học giúp các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm xây dựng chiến lược phát triển ngành sư phạm chất lượng và hiệu quả./.
Ngô Thanh Long
Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề-Ban Tuyên giáo Trung ương