Thứ Ba, 24/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 16/1/2015 16:45'(GMT+7)

Môn thi THPT quốc gia: Những điều cần quan tâm

Tìm hiểu Dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa

Tìm hiểu Dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa

 

Qua nghiên cứu bản Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia (Dự thảo), bên cạnh những ưu điểm nổi bật trong quy định về tổ chức kỳ thi, thể hiện rõ tinh thần đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực thí sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học (ĐH), Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia (Quy chế) còn bộc lộ một số điểm hạn chế như quy định về môn thi chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hiện nay, là vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh và hiệu quả của kỳ thi.

1. Đối với quy định về số lượng môn thi

Đoạn 1 Điều 3 quy định số lượng môn thi trong Kỳ thi THPT quốc gia gồm 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ðịa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ là tương đối hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, quy định như vậy chưa tối ưu, chưa rõ số lượng môn thi tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, chưa rõ môn nào là môn thi bắt buộc, môn nào là môn thi tự chọn; ý nghĩa, tác dụng (quyền lợi của thí sinh) khi thi những môn bắt buộc, tự chọn. Hơn nữa, cũng chưa quy định rõ hình thức thi (thi tự luận hay trắc nghiệm, v.v…) và thời gian thi đối với từng môn. Do đó, để làm rõ các vấn đề này, cần phải có những quy định tiếp theo, sẽ làm cho quy định về số lượng môn thi thêm dài dòng trong khi Quy chế cần ngắn gọn, dễ hiểu.

2. Đối với quy định về môn thi bắt buộc, môn thi tự chọn

Khoản 1 Điều 3 quy định “để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc,… và 1 môn do thí sinh tự chọn”. Quy định như vậy chưa tính đến, không phù hợp với những trường hợp đặc biệt được miễn thi môn Ngoại ngữ hoặc miễn thi 4 môn tối thiểu, thậm chí miễn thi tất cả các môn của kỳ thi THPT quốc gia, đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy định tại Điều 33, Điều 34 và Điều 35 của Chương VIII.

Khoản 1 Điều 3 còn quy định thí sinh được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ. Tuy nhiên, quy định này không tường minh vì chưa làm rõ thế nào là học môn Ngoại ngữ "trong điều kiện không đảm bảo chất lượng"? Do vậy, cần làm rõ: Thẩm quyền đề nghị, khẳng định học môn Ngoại ngữ nhưng không đảm bảo chất lượng? Thời điểm xác định điều này? Thời điểm "thí sinh được chọn, đăng ký môn thi thay thế môn Ngoại ngữ, cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt việc đó?" *. Cần thiết phải làm rõ trong Quy chế những nội dung này. Vì như thế, về nội dung sẽ phù hợp với Giáo dục học, về hình thức sẽ phù hợp với Luật học và cũng không hề làm dài dòng, phức tạp Quy chế (số lượng câu chữ không dài hơn những chú thích đánh số trong ngoặc vuông đã được thể hiện tại bản Dự thảo). Không được làm rõ trong Quy chế thì những nội dung trên không biết sẽ được làm rõ ở đâu và sẽ được giải quyết như thế nào? (Nếu làm rõ ở một văn bản khác thì ở đây vẫn cần phải có quy định viện dẫn như quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 33 và một số điều khác trong Dự thảo). Do vậy, nếu Bộ GD&ĐT không khắc phục được vấn đề chưa tường minh trong quy định tại Khoản 1 Điều 3 thì sẽ là một hạn chế rất lớn khi Quy chế chính thức được ban hành.

Nên bỏ chú thích [1] tại Điều 3 vì nội dung chú thích như cách giải thích ở câu 9 trong cuốn sách “Hỏi – Đáp về kỳ thi THPT quốc gia” - Nxb Giáo dục Việt Nam, 2014, đó là: “thí sinh vùng đặc biệt khó khăn, dự thi 4 môn tối thiểu ở cụm thi tại tỉnh… để xét tốt nghiệp THPT, vẫn có thể được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nhưng cơ hội hạn chế hơn vì phụ thuộc vào quy định của các trường này”. Ở đây, Bộ GD&ĐT muốn tạo cơ hội vào học ĐH, CĐ cho thí sinh đăng ký thi 4 môn tối thiểu chỉ để xét tốt nghiệp THPT (thí sinh 1 nguyện vọng) nhưng quy định như vậy vẫn thiếu công bằng vì nó phó thác cho sự may rủi (phụ thuộc vào “Đề án tự chủ tuyển sinh” hoặc “thông tin tuyển sinh” của các trường ÐH, CÐ). Bởi vì, có nhiều thí sinh 1 nguyện vọng và thí sinh 2 nguyện vọng (đăng ký thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ) có cùng số môn, tên môn, địa điểm thi (thậm chí kết quả thi của thí sinh 1 nguyện vọng cao hơn) nhưng cơ hội vào học ÐH, CÐ hạn chế hơn thí sinh 2 nguyện vọng (trừ trường hợp tất cả các trường ÐH, CÐ đều chấp nhận xét tuyển thí sinh 1 nguyện vọng như đối với  thí sinh 2 nguyện vọng). Do vậy, nếu để chú thích này có thể tạo ra sự bất công hoặc trở nên vô nghĩa.

Hơn nữa, chú thích [1] cũng mâu thuẫn với quy định tại Khoản 8 Điều 1 Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT, ngày 9/9/2014 của Bộ GD&ĐT phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 (Quyết định số 3538) vì không còn cụm thi do “sở GD&ĐT chủ trì”. Nếu chú thích này giữ nguyên trong Quy chế được Bộ GD&ĐT ban hành thì Khoản 8 Điều 1 Quyết định số 3538 có còn hiệu lực pháp luật nữa không? Vì vậy, liên quan đến môn thi, chú thích này chủ yếu có ý nghĩa để xác định số lượng môn thi tại các cụm thi. Ở cụm thi tỉnh chỉ diễn ra thi 4 môn tối thiểu; cụm thi liên tỉnh có thể diễn ra thi đến 8 môn (trong đó tất yếu phải có 4 môn tối thiểu), phụ thuộc vào việc đăng ký của thí sinh. Nội dung này nên được thể hiện rõ ngay trong quy định tại Điều 3 chứ không nên để ở phần chú thích.

Đồng thời, việc để chú thích [1], thể hiện kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa thật tốt. Vì việc để chú thích đó đối với Quy chế (một văn bản cần rõ ràng, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ áp dụng) là điều không phù hợp, tạo nên sự dài dòng, rắc rối, làm mất thời gian, cắt đứt mạch tư duy khi đọc văn bản.

3. Đối với quy định về đăng ký môn thi

Quy định như Khoản 2 Điều 3 (điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ) nghĩa là thí sinh phải đăng ký thi những môn tối thiểu và tự chọn để được công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ là không cần thiết vì điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT đã được quy định ở Khoản 1 Điều 3.

Quy định thí sinh đã tốt nghiệp THPT, chỉ dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ tại Khoản 3 Điều 3 tuy rõ ràng, hợp lý nhưng còn dài dòng.

Như vậy, Điều 3 quy định về môn thi gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ của thí sinh để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. So với Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 3538, Điều 3 (kể cả phần chú thích) dài hơn (58 chữ) nhưng không rõ ràng, đầy đủ; là một “bước lùi” trong kỹ thuật xây dựng văn bản.

4. Khuyến nghị

Để khắc phục những hạn chế đã phân tích trên đây của Điều 3, trên cơ sở kế thừa Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 3538, Bộ GD&ĐT nên diễn đạt lại toàn bộ điều này trong Quy chế theo hướng súc tích nhưng rõ ràng về số lượng môn thi, môn thi tối thiểu (bắt buộc), môn thi tự chọn, môn thi thay thế môn Ngoại ngữ (thẩm quyền, thủ tục, thời gian xác định việc này), quyền lợi của thí sinh gắn với các môn thi nhằm giúp thí sinh dễ hiểu, dễ thực hiện, chủ động khi đăng ký thi THPT quốc gia. Ðiều 3 nên quy định như sau:

“3.1. Thí sinh đăng ký 4 môn thi tối thiểu (3 môn bắt buộc: Toán (1), Ngữ văn (2), Ngoại ngữ (3) và 1 môn (4) trong số các môn tự chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý) để xét tốt nghiệp THPT (theo quy định tại Chương VIII của Quy chế này) và xét tuyển ĐH, CĐ (theo quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ) .

Thí sinh không học môn (3) hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng theo quy định tại …, được chọn môn thi thay thế không trùng với môn (4). "Trường phổ thông" đề nghị, Sở GD&ÐT ra quyết định công nhận danh sách thí sinh và môn thi thay thế vào ngày 5-9 hàng năm đối với trường không học môn (3), vào ngày 5-12 hàng năm đối với những trường học môn (3) trong điều kiện không đảm bảo.

3.2. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ÐH, CÐ.

3.3. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT chỉ đăng ký các môn thi để xét tuyển vào ÐH, CД.

Hơn nữa, còn một vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan đến quy định về môn thi trong Dự thảo, đó là trường hợp mất, hỏng một phần hoặc toàn bộ bài của môn thi mà thí sinh đã thực hiện, không do lỗi của thí sinh. Đây là tình huống rất có thể xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia. Tại Điểm d Khoản 1 Điều 49 đã quy định hình thức kỷ luật đối với cán bộ làm mất bài thi của thí sinh nhưng tại Ðiểm a Khoản 2 Ðiều 26 và Khoản 4 Ðiều 51 chỉ quy định về xử lý bài thi bị “nhàu nát” khi chấm thi, đó không phải trường hợp bài thi bị hỏng, mất một phần hoặc toàn bộ. Dự thảo chưa có quy định để giải quyết vấn đề vừa nêu. Trong Quy chế, cần phải dự liệu và có quy định điều chỉnh một cách rõ ràng, hiệu quả, theo hướng có lợi nhất cho thí sinh trong tình huống này, nên quy định: “Cho điểm tối đa đối với phần, toàn bộ bài thi bị mất, hỏng không do lỗi của thí sinh”. Đó là nguyên tắc của sự công bằng, không thể yêu cầu, tổ chức cho thí sinh làm lại phần hoặc toàn bộ bài thi đã bị mất, hỏng đó./.

TS. Phạm Văn Đạt
Vụ GD&ĐT, DN, Ban Tuyên giáo Trung ương
Lưu Văn Công
Học viên Cao học Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền


 * Xem: Phạm Văn Đạt "Đường lối của Đảng và thể chế hóa trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ở Việt Nam hiện nay", Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 45(106)/2014.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất