Thứ Tư, 25/12/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 22/1/2015 21:25'(GMT+7)

Nhiều ý kiến đồng tình Dự thảo quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia 2015

Ngày 22/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm góp ý Dự thảo quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia 2015 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện của hơn 44 trường Đại học, Cao đẳng, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Trung học phổ thông khu vực phía Nam.

Giữa tháng 12/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi 2 dự thảo quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia 2015 đến các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước. Hai dự thảo này đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý xây dựng của các đơn vị để hoàn thiện dự thảo. Tại tọa đàm, hầu hết các trường Trung học phổ thông, Cao đẳng, Đại học hoàn toàn nhất trí, thống nhất với những quy định trong dự thảo quy chế mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn. Các trường cho rằng, việc triển khai kỳ thi Trung học p hổ thông năm 2015 đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của phụ huynh học sinh, giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh, hướng đến quyền lợi của các em tạo nhiều cơ hội cho để các em đến trường học tập.

Tọa đàm cũng đã nhận nhiều ý kiến góp ý của đại diện các trường về mặt chính sách và kỹ thuật trong ban hành quy chế thi như: việc áp dụng thang điểm 20 thay cho thang điểm 10; cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh; cấu trúc đề thi; thời gian thi; hình thức chấm thi, phúc khảo; chính sách chăm lo cho học sinh nghèo khó học giỏi ở vùng sâu, vùng xa; việc sử dụng Atlas trong kỳ thi; thí sinh tự do đăng ký thi ở đâu… Hầu hết các ý kiến cho rằng nên giữ thang điểm 10 khi áp dụng chấm thi trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cho rằng, duy trì thang điểm 10 trong chấm kỳ thi quốc gia sẽ tạo được tâm lý ổn định, thống nhất cho các em học sinh lẫn giáo viên vì hiện tại, chương trình giáo dục vẫn đang áp dụng thang điểm 10. Theo ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn chấm thang điểm 20 cho học sinh là hoàn toàn hợp lý, sẽ có lợi nhiều hơn cho thí sinh.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các trường Đại học, Cao đẳng và Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định những thay đổi về giáo dục và đào tạo, phương thức tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua luôn ưu tiên đặt quyền lợi và lợi ích lâu dài, căn bản của học sinh cả nước; tạo những điều kiện thuận lợi nhất để học sinh được đến trường, phát triển năng lực, tư duy của bản thân. Vì vậy, sẽ có không ít sự đảo lộn trong công việc của nhà trường và thầy cô lẫn cách thức làm việc của Bộ và Chính phủ trước đây.

Chia sẻ những vấn đề mà các trường đặt ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, thang điểm 10 hay 20 cơ bản không thay đổi về bản chất, chỉ làm tăng thêm phần việc cho các thầy cô khi chấm điểm và tạo nhiều cơ hội cho thí sinh. Đối với vấn đề thí sinh tự do đăng ký dự thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo không áp đặt, quy định bắt buộc phải thi ở đâu. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho phép học sinh mang Atlas địa lý vào phòng thi để khuyến khích khả năng phân tích, tư duy hơn là học thuộc lòng mà không hiểu gì.

Giải đáp về cấu trúc đề thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh đề thi sẽ có những câu hỏi dễ, khó, vừa phân loại học sinh, đồng thời phục vụ cho việc xét tuyển Trung học phổ thông và tuyển sinh vào đại học. Đối với 4 đợt xét nguyện vọng, Bộ trưởng cho rằng, trong đợt 1, hầu hết các trường sẽ tuyển gần đủ số sinh viên đăng ký vào trường, vì vậy sẽ hạn chế số thí sinh ảo đã tồn tại trong nhiều năm qua. Thí sinh không trúng tuyển đợt 1 sẽ có thể nộp nguyện vọng 2 vào trường tiếp theo. Đặc biệt, trong quy chế thi cũng sẽ nhấn mạnh đến việc xử lý vi phạm thật nghiêm khắc đối với các trường cố tình vi phạm trong công tác thi, tuyển sinh.

Quy chế chính thức sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo đến các trường vào đầu tháng 2/2015./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất