Thứ Ba, 12/11/2024
"Tuổi cao, Gương sáng"
Thứ Sáu, 11/10/2024 9:54'(GMT+7)

Nâng cao sức khỏe Người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo TS.BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam thì tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao nhưng sức khỏe yếu, trung bình 14 năm sống trong bệnh tật, nhiều người đồng mắc 3-6 bệnh nền. Hiện, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73 nhưng không chất lượng, theo các chuyên gia lão khoa. Thống kê năm ngoái của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ hai. Tuy nhiên số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước.

Khoảng 60% sức khỏe yếu đến rất yếu. Cạnh đó, trung bình NCT phải chịu 14 năm bệnh tật, mắc khoảng 3-6 bệnh nền, như rối loạn chuyển hóa, xương khớp, tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường... Hơn 70% NCT không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cái. Trong đó, hơn 65% NCT sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định.

Hiện Việt Nam đối mặt với vấn đề “già trước khi giàu” khiến nước ta chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già, dẫn tới hệ lụy về kinh tế xã hội khi dân số già hóa nhanh chóng cũng cao hơn. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.

Già hóa dân số đã và đang là thách thức lớn trên toàn cầu. Trong vòng 10 năm trở lại đây, quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, tỉ lệ người cao tuổi (NCT) có thể đạt 16,8% vào năm 2029. Theo thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và dự kiến sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036”.


Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số.

Hậu quả của già hóa dân số lên hệ thống y tế tại Việt Nam bao gồm việc gia tăng nhu cầu chăm sóc y tế cho NCT, đặc biệt là điều trị các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các bệnh về thần kinh. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện và cơ sở y tế, khi số lượng người bệnh tăng lên mà khả năng đáp ứng về nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế. Ngoài ra, chi phí chăm sóc sức khỏe cho NCT cũng ngày càng tăng, gây áp lực tài chính lên hệ thống bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.

Việc thiếu hụt các bác sĩ chuyên ngành lão khoa và dịch vụ chăm sóc dài hạn cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế dành cho NCT.

Tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ V, các chuyên gia tập trung thảo luận về chính sách về xây dựng, phát triển hệ thống lão khoa và cập nhật những hướng đi mới trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe NCT. Đồng thời, chia sẻ thông tin về việc xây dựng khung chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành lão khoa, phát triển nhân lực trẻ tại Việt Nam, thảo luận về hướng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho NCT với sự tham gia của Công tác xã hội và Điều dưỡng lão khoa.

Đây là những thông tin y khoa chuyên sâu trong lĩnh vực lão khoa và các chuyên ngành liên quan về dự phòng, điều trị, chăm sóc các bệnh lý mạn tính, cấp tính của NCT (sa sút trí tuệ, đột quỵ, động kinh, parkinson, các bệnh lí tim mạch, chuyển hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh cơ xương khớp, hô hấp, huyết học, bệnh thận mạn…) cũng như cách tiếp cận và điều trị đa mô thức trên người cao tuổi giúp ích cho các cán bộ y tế trong thực hành lâm sàng chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trí, Phó Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam nhấn mạnh: Tầm quan trọng của việc phòng ngừa sớm thông qua thay đổi lối sống và sửa dụng các loại thuốc như: Statin, ezetimibe và chất ức chế PCSK9 để kiểm soát mức LDL cholesterol. Các tiếp cận toàn diện, bao gồm: Bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với dược phẩm dinh dưỡng, được đề xuất là giải pháp quan trọng để phòng ngừa xơ vữa động mạch.

Còn PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc cho hay: Phế cầu khuẩn (Streptococus pneumoniae) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng hô hấp và các bệnh nghiêm trọng: Viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Các bệnh lí do phế cầu khuẩn gây ra thường đặc biệt nghiêm trọng ở nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như NCT và những bệnh mắc các bệnh mạn tính bao gồm: Bệnh đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy tim, suy giảm miễn dịch. Những đối tượng này không chỉ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng mà còn gặp các biến chứng nguy hiểm, làm tăng nguy cơ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, ngay cả khi được điều trị kháng sinh.

Chủ động thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam, chung tay chăm sóc, phát huy người cao tuổi - Ảnh 1.
Già hóa dân số là một thành tựu trong việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là chính sách y tế.

Việc tiêm vắc xin cộng hợp ngừa phế (PCV) là giải pháp hiệu quả, lâu dài nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật do phế cầu gây ra. Vắc xin PCV đã được chứng minh là có khả năng tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ, kéo dài hơn so với các loại vắc xin polyaccharide truyền thống. Đối với NCT, PCV không chỉ ngăn ngừa được các trường hợp nhiễm phế cầu xâm lấn mà còn có dấu hiệu quả phòng chống các bệnh lí đường hô hấp không xâm lấn, giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện tử vong.

Chính vì vậy, việc triển khai tiêm ngừa vác xin PCV cho NCT và những người có bệnh nền không chỉ góp phần giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu áp lực lên hệ thống y tế thông qua việc ngăn ngừa các bệnh lí nghiêm trọng do phế cầu…/.

Hiền Xuân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất