Chủ Nhật, 8/12/2024
Xã hội
Thứ Hai, 4/12/2023 11:11'(GMT+7)

Ngăn chặn “sóng ngầm” tà đạo

Các tín đồ của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ trùm khăn nghe "chấp sự" giảng đạo.

Các tín đồ của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ trùm khăn nghe "chấp sự" giảng đạo.

Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ về phương diện tổ chức đối với Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Yêu cầu cụ thể là chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp: Giải tán, thu hồi giấy phép đối với các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, không để tổ chức này tái nhóm, hình thành các tụ điểm hoạt động mới; không chấp thuận đăng ký hoạt động dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền các hoạt động vi phạm pháp luật, tác hại do Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ; cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền, đoàn thể... tăng cường thông tin, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền cho học sinh, sinh viên nhận thức rõ bản chất, hành vi, thủ đoạn, phương thức hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ để nâng cao cảnh giác, không bị lôi kéo...

Từ đây cho thấy, mặc dù đã có nhiều vụ việc bị phát giác, sau những cảnh báo liên tiếp của Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ và một số ngành, đoàn thể, địa phương, tưởng chừng hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ sẽ bị loại bỏ khỏi đời sống nhưng tổ chức tôn giáo bất hợp pháp này vẫn tồn tại dai dẳng, diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các ngành, các địa phương cũng như cả cộng đồng.

Sự xuất hiện của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ nói riêng và các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp nói chung không phải là vấn đề mới xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên ở mỗi giai đoạn lại có những biểu hiện khác nhau, mức độ ngày càng tinh vi hơn.

Không chỉ co cụm ở một khu vực, nhiều tà đạo nuôi tham vọng tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để lôi kéo nhiều người tham gia, gây những hệ lụy tiêu cực.

Đáng chú ý gần đây một số tà đạo tìm mọi cách xâm nhập, len lỏi sâu vào khu vực đô thị - vốn là nơi thường được coi là có trình độ dân trí cao hơn mặt bằng chung cả nước. Việc xây dựng “triết lý” của một số tà đạo hiện nay cũng hết sức tinh vi, thể hiện bằng việc vay mượn hoặc dựa trên những giáo lý của các tôn giáo chính thống và hướng lái người nghe theo ý đồ của mình. Đây chính là lý do nhiều người có trình độ học vấn vẫn có thể sa vào “vòng tay” tà đạo. Như một hội nhóm tà đạo tuyên truyền việc chữa bách bệnh dựa vào nguyên lý của “y học năng lượng”, với các phương pháp như yoga, thiền, khí công... vốn là những phương pháp rèn luyện thân thể, tâm trí được nhiều người biết đến.

Việc vay mượn những khái niệm, nguyên lý của các phương pháp vốn có lịch sử hàng nghìn năm đã giúp hội nhóm này dễ dàng tạo dựng niềm tin với người tham gia.

Tương tự việc vay mượn, dựa vào những tôn giáo, những phương pháp đã được thừa nhận cũng là cách mà Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ thực hiện nhằm gây dựng niềm tin với đối tượng họ muốn dẫn dụ. Cụ thể hội nhóm này đã khai thác, sử dụng giáo lý, giáo luật, lễ nghi của đạo Công giáo và hệ phái Tin lành Cơ đốc Phục lâm. Các bài giảng, các “tuyên truyền viên” của Hội Thánh trích dẫn nhiều câu trong Kinh Thánh khiến người nghe dễ tin theo. Tuy nhiên, bản chất việc trích dẫn đã bị tách rời khỏi bối cảnh khiến nội dung câu trích không còn mang nghĩa nguyên gốc.

Nhìn chung, để dễ lừa mị, dẫn dụ người tham gia, tà đạo “thế hệ mới” hiện nay đều vay mượn những nguyên lý, phương pháp, kinh điển của những tôn giáo, tín ngưỡng, những hiện tượng văn hóa đã được thừa nhận, rồi “cải biến” để phục vụ những mưu đồ không trong sáng. Đáng chú ý, các tà đạo triệt để tận dụng phương thức truyền bá mới thông qua ứng dụng công nghệ để xây dựng, quảng bá và “đánh bóng” hình ảnh, đặc biệt là hình ảnh về các hoạt động từ thiện, cứu trợ, hành động vì môi trường...

Mạng xã hội là kênh chủ lực để họ tìm kiếm, phát triển hệ thống “tín đồ”. Đây chính là một trong những lý do khiến những tà đạo “thế hệ mới” bám rễ và phát tán nhanh chóng tại đô thị. Phương thức tiếp cận đối tượng thường “đánh” vào nhu cầu tâm lý của con người như việc cần sự chia sẻ, cảm thông trong cuộc sống; trao đổi về vấn đề sức khỏe, hoặc căn cứ theo câu chuyện của đối tượng để dẫn dụ… Với những người dân thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, bị tà đạo lôi kéo, việc “giải thoát” họ có phần thuận lợi hơn.

Bởi khi được cung cấp đủ thông tin, kiến thức, họ dễ nhận ra những sai lầm để thay đổi. Ngược lại, việc tà đạo len lỏi vào nhóm người có trình độ học vấn cao gây nên những hệ lụy xã hội khó lường. Bởi đây thường là những người có uy tín trong gia đình, xã hội nên khi họ thực hiện trách nhiệm của tín đồ là truyền bá tư tưởng, phát triển thành viên mới sẽ có nhiều ưu thế, dễ lôi kéo người tham gia, do đó hậu quả cũng rất phức tạp.

Sau khi đã lôi kéo được đông người tham gia, các tà đạo dần bộc lộ tính chất mê tín, dị đoan, phản khoa học, đi ngược văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, như phỉ báng tục thờ cúng tổ tiên, hiếu kính ông bà cha mẹ. Đồng thời, nếu ban đầu việc đi theo một số hội nhóm tà đạo là miễn phí, nhưng dần dần, người tham gia sẽ phải đóng phí, càng lên lớp cao, mức phí càng nhiều.

Cùng với đó là các hoạt động với danh nghĩa “thiện nguyện”, ủng hộ “giáo hội” song lại có hình thức như bán hàng đa cấp, có tính chất ép buộc khiến người tham gia tốn kém rất nhiều tiền. Thậm chí đã có những người bỏ hàng chục triệu đồng bay ra nước ngoài để gặp gỡ “giáo chủ”, rút hết tiền tiết kiệm để đóng góp cho “giáo chủ”... Như Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, việc tuyên truyền về “ngày tận thế” khiến nhiều người rơi vào sầu não, suốt ngày chỉ nghĩ đến “nước Chúa”, có nhu cầu phải dựa vào hoạt động của những người đại diện cho Hội Thánh để rửa sạch mọi tội lỗi.

Hậu quả là tín đồ phải nộp 10% thu nhập cho Hội Thánh hay những khoản tiền không nhỏ để thực hiện các nghi lễ... Nhiều người sau khi đi theo tà đạo đã rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”; xung đột với gia đình, bạn bè; sống bi quan, phụ thuộc vào các buổi giảng đạo; phủ nhận các tiến bộ khoa học, tin tưởng vào các dạng “bùa phép” để chữa bệnh thay vì đến các cơ sở y tế...

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng.

Tuy nhiên, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, Đảng, Nhà nước cũng kiên quyết ngăn chặn tà đạo và những đối tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để xâm phạm an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhân dân. Ngăn chặn tà đạo “thế hệ mới” không phải nhiệm vụ dễ dàng, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới phù hợp thực tiễn hiện nay. Theo đó, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền các cấp cần đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động bất hợp pháp của các tà đạo, nhất là trên không gian mạng để xử lý nghiêm, làm cơ sở cảnh báo người dân.

Song song với đó, các cấp, các ngành cần có biện pháp giúp nâng cao “sức đề kháng” của cộng đồng. Để làm được điều này, cần sự phối hợp đồng bộ trong công tác tuyên truyền, vận động giữa các cấp, ngành, Trung ương đến địa phương. Người dân cần được thông tin sớm về các tà đạo, cũng như âm mưu của các đối tượng thù địch, cực đoan muốn lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi cá nhân, chống phá Nhà nước, gây mất trật tự xã hội.

Song song đó, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường phổ biến về hoạt động của những tôn giáo, tín ngưỡng hợp pháp; những nét đẹp trong truyền thống văn hóa tín ngưỡng của dân tộc để cộng đồng nhận thức được đúng-sai, từ đó hình thành tính tự giác trong công tác phòng ngừa, tham gia đấu tranh chống hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tôn giáo.

Ngoài những biện pháp chung, đối với cộng đồng dân cư tại các đô thị, cần có thêm biện pháp phù hợp trình độ, thói quen sinh hoạt của cộng đồng. Trước hết, công tác tuyên truyền, vận động phải được triển khai mạnh mẽ trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như không gian mạng. Cần thiết lập các trang thông tin vạch trần âm mưu, thủ đoạn của những tổ chức tôn giáo bất hợp pháp nói chung, nhất là tà đạo “thế hệ mới”.

Đối với cư dân đô thị có mặt bằng trình độ dân trí cao, cần đa dạng hình thức tuyên truyền, thường xuyên có những clip, những buổi livestream trình bày một cách khoa học, dễ hiểu về cách phân biệt giữa tôn giáo, tín ngưỡng được phép hoạt động và các tà đạo; những biểu hiện thường thấy của tà đạo, tác hại của tà đạo với đời sống. Đặc biệt, các trang thông tin cần tạo sự tương tác, kịp thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của cộng đồng.


Các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... phải nâng cao trách nhiệm với thành viên, hội viên của mình trong ngăn chặn tà đạo thông qua công tác nắm bắt dư luận, tuyên truyền, phổ biến pháp luật./.

GIANG NAM (nhandan)

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất