Thứ Bảy, 30/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 9/7/2009 21:50'(GMT+7)

Chính sách phát triển nông thôn:Cần tác động trực tiếp vào cộng đồng

Phát triển nghề truyền thống là biện pháp nâng cao thu nhập cho nông dân làng nghề trong bối cảnh đô thị hóa. Ảnh Tư liệu

Phát triển nghề truyền thống là biện pháp nâng cao thu nhập cho nông dân làng nghề trong bối cảnh đô thị hóa. Ảnh Tư liệu

 Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Giáo sư Lee Dae Seab, Viện Khoa học nông nghiệp nông thôn Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm: Vào cuối những năm 60 thế kỷ XX, Hàn Quốc chỉ có 20% dân số được tiếp cận với mạng lưới điện quốc gia, vì khi đó nông thôn của Hàn Quốc còn thiếu thốn hơn Việt Nam hiện nay. Đầu những năm 70, Hàn Quốc áp dụng chính sách ưu tiên đầu tư phát triển, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân nông thôn với đường giao thông. Năm 1971, Chính phủ Hàn Quốc mới đầu tư vào 33 nghìn làng, mỗi làng được đầu tư 500 bao xi măng. Năm 1972, chiến lược đầu tư thay đổi, chỉ đầu tư cho một nửa số làng, nhưng khoản đầu tư tăng lên trên 500 bao xi măng và thêm 1 tấn thép. Đến năm 1973, 33 nghìn làng được phân thành 3 nhóm khác nhau. Chính phủ đã có chính sách thưởng cho những làng tốt nên số làng tự nguyện tham gia và số làng làm tốt tăng lên. Sau 7 năm phát động chương trình, các tuyến đường liên thôn đạt hơn 42.000km, đường nội đồng đạt gần 69.000km, cơ bản đã làm thay đổi cục diện đời sống nông thôn.

Các nhà dân ở khu vực nông thôn đã dần hiện đại, số hộ có điện tăng từ 27% lên 100%, tất cả các giếng nước được bơm bằng mô-tơ điện. Đặc biệt, thu nhập của nông dân tăng lên 3.000 USD/người/năm so với vài trăm USD của 7 năm trước. Ở nước ta, số dân sống bằng nông nghiệp chiếm 70% dân số cả nước, 57% số lao động làm nông nghiệp, nhưng chỉ tạo ra giá trị chưa đầy 20% GDP, do đó họ cũng chỉ được hưởng lợi trong khuôn khổ đó. Khi nông dân bị thu hồi đất, nhất là đất "bờ xôi ruộng mật", để làm khu công nghiệp, khu đô thị, sân gôn, họ không có việc làm, dễ rơi vào cảnh túng quẫn, tạo ra xung đột xã hội. Thời gian hộ nông dân được sử dụng đất sản xuất chỉ là 20 năm. Với thời hạn sử dụng đất không dài và mức hạn điền quá thấp, nông dân không mạnh dạn đầu tư vốn lớn để tạo lập các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa, thực hiện cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất. Trong khi đó các doanh nghiệp, cả trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, đều có quyền thuê đất để kinh doanh đến 40-50 năm tùy dự án, khiến tạo ra sự bất bình đẳng.

Gỡ nút thắt từ chính cộng đồng

Những nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học nông nghiệp nông thôn Hàn Quốc và nhiều tổ chức phi chính phủ khác cho thấy, về sinh kế, nông dân nước ta có xu hướng đa dạng hóa để tăng thu nhập, trong đó thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp ngày càng cao. Mục tiêu của nông dân là tăng thu nhập, bất cứ từ hoạt động kinh tế nào, do đó họ cần đa dạng hóa hoạt động kinh tế.

Theo Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn: Phát triển nông thôn ở nước ta thường do nhiều bộ chức năng làm nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Người dân thì coi đó là dự án của Nhà nước nên có tâm lý ỷ lại. Theo ông Bình, muốn mở rộng và nâng cao chất lượng phát triển nông thôn phải dựa vào cộng đồng. Các tiếp cận phát triển nông thôn thường nhằm vào tăng năng suất nông nghiệp, coi đó là động lực xóa đói giảm nghèo. Mặc dù nông nghiệp giữ vai trò chủ yếu trong kinh tế nông thôn, nhưng hoạt động nông nghiệp không phải là nguồn thu nhập duy nhất của nông dân. Hiện nay, nhiều vùng nông thôn có tỷ lệ thu nhập từ phi nông nghiệp cao.

Vì vậy, để chiến lược giảm nghèo có hiệu quả phải có tầm nhìn xa và xử lý tổng hợp những yếu tố liên quan đến mức sống nông thôn. Việc tạo môi trường thể chế cơ bản, quy ước, hỗ trợ của Nhà nước, củng cố các tổ chức cộng đồng; tăng cường năng lực các tác nhân; khuyến khích sáng tạo bằng các biện pháp mềm dẻo phải giao cho cộng đồng nông thôn thực hiện. Đồng thời cần bồi dưỡng và hỗ trợ kiến thức cho cộng đồng để nông dân có đủ điều kiện tự đứng ra thực hiện công việc này. Có như vậy việc xây dựng mô hình nông thôn mới ở nước ta thành công và có cơ sở bền vững.

Theo HNM

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất