Doanh nghiệp, doanh nhân cùng với nhân dân cả nước đang là tác giả của những thành tựu về kinh tế, văn hóa, rất đáng tôn vinh. Việc tôn vinh cũng chưa đúng mức, song cũng đã xuất hiện tình trạng “xin - cho”, “mua - bán” các danh hiệu tôn vinh, làm giảm giá trị của các danh hiệu
Vui và buồn
Mấy năm gần đây, các cơ quan, đoàn thể thường tổ chức nhiều cuộc tôn vinh các danh hiệu cho doanh nghiệp, doanh nhân, trao nhiều loại cúp nhằm biểu dương thành tựu của doanh nghiệp, doanh nhân nước ta trên nhiều lĩnh vực. Điều đó là cần thiết, vì như chúng ta đều biết, kinh doanh trong điều kiện hệ thống luật pháp chưa đủ hoàn chỉnh, lại thêm tệ quan liêu, tham nhũng, doanh nhân đang phải phấn đấu gian nan biết chừng nào; những thành tựu đạt được trong không ít trường hợp đã được đánh đổi không chỉ bằng mồ hôi, nước mắt và tiền của.
Việc tôn vinh, biểu dương được tiến hành nghiêm túc sẽ có tác dụng động viên rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phấn đấu hơn nữa cho những thành tựu ngày càng lớn hơn. Thế nhưng, điều đáng buồn là đã có tình trạng “lạm phát” các danh hiệu. Không ít các danh hiệu như “sao vàng”, “sao đỏ”, “hồng vàng”, kể cả những danh hiệu có tính tiêu biểu cho cả dân tộc như “Sao vàng đất Việt”, “Trí tuệ Việt” cũng đã được sử dụng, nhưng không rõ việc thẩm định có được tiến hành nghiêm túc?
Còn doanh nghiệp, doanh nhân, có người vui, vì được biểu dương đúng với thành tích mình đạt được, lại được tham dự những cuộc hội hè sang trọng, có nhiều vị lãnh đạo đến dự và trao “cúp”, được chụp ảnh và sẽ treo ảnh đó tại chỗ trang trọng nhất trong doanh nghiệp. Nhưng cũng không tránh khỏi một số doanh nghiệp muốn nhân dịp này “đánh bóng tên tuổi”, mưu cầu những lợi ích khác, thiếu lành mạnh, cho nên họ đã sẵn sàng chi không tiếc tiền cho những cuộc tôn vinh ấy.
Vì thế, đã có tình trạng “mua - bán”, “kinh doanh” danh hiệu. Doanh nghiệp nói thật rằng đã phải nộp trước cho ban tổ chức hàng chục triệu đồng hoặc nhiều hơn nữa để được các danh hiệu, tùy cấp độ của danh hiệu tôn vinh, bằng khen, giấy khen cao hay thấp. Có những tổ chức, đoàn thể đã trao những danh hiệu không mấy liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, đoàn thể ấy. Có những công ty chuyên tổ chức sự kiện đứng ra lo liệu - mà thực chất là kinh doanh từ A đến Z cho một cuộc tôn vinh, khen thưởng.
Gần đây, người ta đã tổ chức trao “Cúp vàng văn hóa doanh nghiệp” và giải thưởng “Doanh nhân thành đạt” năm 2009 cho 143 trong số 250 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký (theo báo Đầu tư, số 71, ngày 15-6-2009); một số lượng đăng ký quá ít với một tỷ lệ không nhỏ đã đạt các danh hiệu như thế có thể gây ra phân vân về tiêu chí của danh hiệu, tổ chức có thẩm quyền cấp các danh hiệu có ý nghĩa cao quý đó và sự thẩm định đã đủ nghiêm túc?
Có ý nghĩa nhất: sự tôn vinh của xã hội
Có bốn nhóm vấn đề được đặt ra: (1) tôn vinh, khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân về thành tích gì (cũng tức là danh hiệu và tiêu chí); (2) cơ quan, tổ chức nào có tư cách, thẩm quyền tôn vinh, khen thưởng; (3) tổ chức tôn vinh sao cho nghiêm túc, công khai, minh bạch và (4) công tác quản lý nhà nước nên như thế nào. Đó là những vấn đề lớn để bảo đảm cho việc tôn vinh, khen thưởng đúng thực chất, có tác dụng động viên, cổ vũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Hoạt động của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân thường bao gồm nhiều mặt, nhiều mối quan hệ; vì vậy danh hiệu tôn vinh có thể gồm nhiều loại: tôn vinh về từng mặt hoạt động và tôn vinh về thành tích chung hoặc có thành tích nổi bật, đáng vinh danh với danh hiệu tầm cỡ quốc gia. Mỗi cơ quan, đoàn thể riêng lẻ chỉ nên tôn vinh về lĩnh vực mà mình có chức năng, nhiệm vụ liên quan, không thể tôn vinh doanh nghiệp bằng những danh hiệu có tính chất quốc gia, vì họ không thể đại diện cho cả quốc gia, cũng không đủ năng lực để thẩm định các tiêu chí khen thưởng mang tính quốc gia. Cần có cơ chế về danh hiệu có tính quốc gia và tổ chức thẩm định, ngoài những danh hiệu đã quy định trong Luật Thi đua khen thưởng.
Từ thực tế, thẩm quyền tôn vinh, khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân nên bao gồm các cơ quan và tổ chức như sau.
a) Cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp ấy sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan này có thẩm quyền tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực mà cơ quan ấy có chức năng quản lý nhà nước. Ví dụ: khen thưởng về bảo vệ môi trường, chăm lo bảo hộ lao động, thành tích nộp thuế cho ngân sách…
b) Cơ quan chính quyền các cấp nơi doanh nghiệp đóng trụ sở. Các cơ quan chính quyền này có trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn dân cư, cũng có thẩm quyền khen thưởng những doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định của địa phương, nhất là về bảo vệ môi trường, tích cực hoạt động xã hội, từ thiện, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế - xã hội của địa phương.
c) Tổ chức đoàn thể mà doanh nghiệp ấy tham gia. Ví dụ: các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội, hiệp hội doanh nghiêp, liên minh hợp tác xã, các câu lạc bộ, v.v… Các tổ chức, đoàn thể này có thể tôn vinh về từng mặt nào đó mà họ thấy cần khuyến khích.
d) Các báo, đài truyền thanh, truyền hình, các tổ chức độc lập hoặc cá nhân. Đây là những hình thức tôn vinh, khen thưởng hiện chưa có nhiều, nhưng sẽ phát triển trong tương lai và rất nên khuyến khích; các tổ chức, cá nhân này có thể đặt giải thưởng về một số lĩnh vực cụ thể mà họ quan tâm.
Trước tình hình lộn xộn như hiện nay, có ý kiến cho rằng chỉ những Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các ban, ngành, đoàn thể ở trung ương hoặc các tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc phê chuẩn điều lệ mới được chủ trì việc tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nghiệp.
Cũng có ý kiến yêu cầu các cơ quan được chủ trì việc tôn vinh, khen thưởng nói trên phải lập đề án, do cơ quan thi đua khen thưởng thẩm định và trình Thủ tướng hoặc Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét duyệt, quyết định. Như vậy, thực chất những thủ tục này là trở lại cơ chế tập trung quan liêu, hạn chế sự tham gia của xã hội và của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vào việc tôn vinh, khen thưởng.
Thực tế cho thấy rất nên khuyến khích mạnh các hình thức tôn vinh, khen thưởng do các tổ chức xã hội dân sự tổ chức. Cơ quan nhà nước chủ trì việc tôn vinh, khen thưởng thường dễ bị bệnh quan liêu và tệ nạn tham nhũng chi phối, do đó rất cần sự giám sát của cộng đồng. Trong khi đó, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đánh giá là công bằng nhất, vì ở đó có sự giám sát của cộng đồng, việc thẩm định được tiến hành công khai, minh bạch, dễ được “tâm phục, khẩu phục”.
Công việc thẩm định, xét duyệt và cả các khoản thu do doanh nghiệp đóng góp… nếu được thực hiện công khai, minh bạch cũng sẽ hạn chế tình trạng nể nang, bè phái, hoặc “mua - bán” danh hiệu, bảo đảm cho việc tôn vinh, khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân có ý nghĩa thiết thực.
Theo VŨ QUỐC TUẤN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần