Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 26/12/2012 9:42'(GMT+7)

Ngành xuất bản nỗ lực vượt khó trong năm 2012

 

PV: Đồng chí có thể cho biết khái quát những kết quả đạt được của ngành xuất bản trong năm 2012?

Đồng chí Nguyễn An Tiêm: Năm 2012, công tác tư tưởng – văn hóa nói chung, xuất bản nói riêng được triển khai trong điều kiện rất đặc biệt. Bên cạnh một số thuận lợi cơ bản: Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo toàn ngành tập trung xây dựng thành công Luật Xuất bản sửa đổi (được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 khóa 18 với số phiếu tán thành 92,3%), tạo cơ sở quan trọng cho Ngành phát triển trong điều kiện mới, Ngành xuất bản phải đương đầu với những khó khăn và thách thức gay gắt trên nhiều bình diện, cả về an ninh - tư tưởng và sản xuất – kinh doanh. Song vượt lên những khó khăn và thách thức đó, Ngành xuất bản đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận. Chất lượng sách có sự cải thiện nhất định. Các loại sách vô bổ, kém chất lượng giảm thiểu đáng kể; nhiều đầu sách, bộ sách có giá trị tiếp tục được công bố. Dù chịu tác động mạnh của tình hình suy giảm kinh tế trong đó thiếu vốn, thi trường thu hẹp, hàng tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các đơn vị, nhưng về cơ bản, các nhà xuất bản vẫn đứng vững, một số nhà xuất bản duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Đóng góp vào kết quả này, ngoài những nỗ lực, sự tìm tòi, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các nhà xuất bản, của mỗi cán bộ, biên tập viên các nhà xuất bản; sự phối hợp ngày càng nhịp nhàng, trong một lợi ích chung giữa các nhà xuất bản với các đơn vị in ấn, phát hành; trong đó, yếu tố có tính quyết định dẫn đến thành công của các NXB chính là vai trò của cơ quan chủ quản. Đóng góp vào kết quả này, ngoài những nỗ lực, sự tìm tòi, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các nhà xuất bản, của mỗi cán bộ, biên tập viên các nhà xuất bản; sự phối hợp ngày càng nhịp nhàng, trong một lợi ích chung giữa các nhà xuất bản với các đơn vị in ấn, phát hành; trong đó, yếu tố có tính quyết định dẫn đến thành công của các NXB chính là vai trò của cơ quan chủ quản.

PV: Đồng chí có thể nêu những ưu điểm và tồn tại, hạn chế của công tác chủ quản các nhà xuất bản trong năm 2012?

Đồng chí Nguyễn An Tiêm: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được qui định tại Quyết định 281, 282, 283 QĐ/TW ngày 26/1/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Luật xuất bản, về phía Vụ Báo chí - Xuất bản, chúng tôi có một số đánh giá về công tác chủ quản trong năm 2012 như sau:

Thứ nhất, về chỉ đạo thực hiện tôn chỉ mục đích. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm, sự quan tâm, nhận thức và tầm nhìn của cơ quan chủ quản. Năm 2012, nhiều cơ quan chủ quản đã kịp thời chỉ đạo, định hướng nhà xuất bản trực thuộc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chính nhờ sự chỉ đạo kịp thời, định hướng sâu sát mà các nhà xuất bản đã xuất bản được một số bộ sách, tủ sách, đầu sách có giá trị, tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng xuất bản và dấu ấn rõ nét trong năm kỷ niệm 60 năm truyền thống Ngành.

Song cùng với kết quả đó, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ quan chủ quản chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ chỉ đạo, định hướng phát triển đối với đơn vị xuất bản của mình. Rất ít cơ quan chủ quản tổ chức kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh mục tiêu phát triển trung hạn, dài hạn trên cơ sở xác định khoa học các tiêu chí về quy mô, năng lực, thương hiệu, đội ngũ, chủng loại sách, quan hệ thị trường... gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành, của địa phương và yêu cầu thực tiễn xuất bản. Vẫn diễn ra tình trạng định hướng phát triển phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của cán bộ lãnh đạo. Khi cán bộ chủ chốt được thay thế, dự kiến kế hoạch phát triển của nhà xuất bản cũng bị thay đổi theo. Cung cách làm ăn, quản lý đó đã làm cho nhiều nhà xuất bản luôn hoạt động trong tư thế “đến đâu biết đến đó”, ít hình dung được trong tương lai, nhà xuất bản của mình sẽ có quy mô, diện mạo, năng lực, trình độ như thế nào. Đó là nguyên nhân sâu xa tạo nên sự phát triển luôn có dấu hiệu không bền vững của một số nhà xuất bản

Bên cạnh một số cơ quan chủ quản chủ động điều chỉnh mô hình hoạt động cho đơn vị xuất bản của mình theo tinh thần Kết luận 289-TB/TW ngày 4/12/2009 của Ban Bí thư còn không ít cơ quan chủ quản lúng túng, bị động, chưa tạo điều kiện cho nhà xuất bản xây dựng và phát triển theo một mô hình phù hợp với chức năng và nhiệm vụ. Ở một số địa phương, sau khi xin thành lập, nhà xuất bản lại bị chuyển chủ quản từ cấp tỉnh xuống cấp sở, đẩy đơn vị đến khó khăn trong tổ chức và hoạt động. Một số nhà xuất bản (thuộc các trường đại học) sau khi thành lập không được trao đầy đủ tư cách pháp nhân, bị động và phụ thuộc nhiều vào chủ quản.

Nhiều nhà xuất bản hiện nay chưa có qui chế phối hợp, chưa tổ chức được bộ máy tham mưu giúp chủ quản trong theo dõi và chỉ đạo nhà xuất bản theo tinh thần Thông báo Kết luận số 33 TB/TW ngày 3/6/2003 của Ban Bí thư. Ở nhiều địa phương, việc thực hiện qui chế giao ban và phối hợp chỉ đạo thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm đối với các nhà xuất bản theo Quyết định 281 và 283 của Ban Bí thư chưa được thực hiện nghiêm; việc tổ chức phối hợp giữa nhà xuất bản với các đơn vị liên quan như in, phát hành và hệ thống thư viện còn yếu, chưa hiệu quả, chưa tạo dựng vị thế tương xứng cho nhà xuất bản trong mối quan hệ với các đơn vị chức năng khác.

Thứ hai, về đầu tư vốn, cơ sở vật chất-kỹ thuật và các chính sách hỗ trợ tài chính. Trong điều kiện kinh tế thị trường, đặc biệt trong bối cảnh mở cửa thì cùng với chất lượng nguồn nhân lực, tiềm lực của mỗi đơn vị là điều kiện sống còn cho sự tồn tại và phát triển của đơn vị đó. Vì thế, Luật Xuất bản đã qui định rất rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc cấp vốn ban đầu và đảm bảo các điều kiện khác cho nhà xuất bản hoạt động. Luật Xuất bản vừa được Quốc hội thông qua tiếp tục khẳng định nhất quán quan điểm này. Trong xét duyệt cấp giấy phép thành lập, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông, luôn xác định đây là một trong những điều kiện có tính tiên quyết. Năm 2011, một số nhà xuất bản được thành lập tại các trường đại học đã được nhà trường đã tạo điều kiện bước đầu tốt như đảm bảo lương cho cán bộ NXB, cấp trụ sở, tạo việc làm…Tuy nhiên, vấn đề vốn vẫn chưa đảm bảo và chưa tạo nên sự độc lập để NXB phát huy tính năng động.

Đối với hầu hết các NXB khác, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ các qui định của Luật Ngân sách và chính sách thắt chặt chi tiêu công, kết quả đầu tư vốn năm 2012 rất hạn chế, đặc biệt yêu cầu bổ sung vốn lưu động. Không một nhà xuất bản nào được bổ sung vốn lưu động, kể cả một số nhà xuất bản mới thành lâp đã có sự cam kết về đầu tư vốn của chủ quản. So với năm 2011, đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật ít hơn, cả về tỉ lệ và tổng mức đầu tư. Bên cạnh số ít nhà xuất bản được đầu tư nâng cấp trụ sở, máy móc, trang thiết bị văn phòng như NXB Phụ nữ, NXB Hải Phòng, NXB Đà Nẵng, các nhà xuất bản thuộc khối các trường đại học như: Đại học Cần Thơ, ĐH Công nghiệp TP.HCM, Đại học Vinh, .. ; được chủ quản linh hoạt tạo điều kiện cho vay vốn, thực hiện liên kết đầu tư như NXB Đại học Bách khoa, NXB Đại học Huế...; được hỗ trợ sửa chữa và tiền thuê trụ sở như NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Tư pháp, NXB Thông tin và Truyền thông... Nhìn trên tổng thể, vốn và cơ sở vật chất kỹ thuật vẫn là bài toán nan giải nhất của Ngành. Tổng vốn toàn ngành năm 2012 có tăng một chút ít, nhưng hiệu quả đầu tư có chiều hướng giảm do có nhiều nhà xuất bản gặp khó khăn về tài chính, kể cả những nhà xuất bản luôn có doanh thu lớn, lợi nhuận cao như NXB Giáo dục. Vẫn còn trên 70% số nhà xuất bản có vốn làm sách dưới 2 tỉ đồng (tức là chỉ có thể đầu tư được từ 5-10 đầu sách). Một số nhà xuất bản từ khi thành lập đến nay vẫn chưa được cấp vốn. Tình trạng thiếu vốn lưu động ngày càng nghiêm trọng dẫn đến sự phụ thuộc của các nhà xuất bản vào đối tác liên kết.

Trong bức tranh đầu tư của năm 2012 còn nhiều bất cập, nhưng vẫn có những tín hiệu mới, tích cực. Tỉ lệ sách đặt hàng tăng lên đáng kể. Nhiều ngành, địa phương dù nguồn lực còn hạn hẹp song vẫn giành kinh phí không nhỏ cho sách đặt hàng như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông... Tính toàn ngành, trên 60% số nhà xuất bản được cơ quan chủ quan đặt hàng sách với kinh phí bình quân trên 300 triệu. Một số nhà xuất bản được giao thực hiện các đề án với kinh phí lớn như: NXB Lao động – Xã hội được Bộ Thương binh lao động xã hội và Bộ Thông tin và Truyền thông đặt hàng 19 đầu sách với tổng kinh phí 3,1 tỉ đồng; Nhà xuất bản Hà Nội đươc giao triển khai bước 2 của dự án tủ sách Thăng Long với kinh phí trên 50 tỉ đồng, NXB ĐHQG HN được thông báo đầu tư dự án mỗi năm khoảng trên 10 tỉ... Theo kế hoạch 2013, dự kiến tổng số kinh phí đặt hàng tiếp tục tăng lên.

Nhiều chủ quản (của các nhà xuất bản thuộc loại hình sự nghiệp công lập) đã bố trí tăng biên chế cho các nhà xuất bản, trong đó có một số nhà xuất bản được hưởng 100% lương và các chế độ khác cho cán bộ nhà xuất bản như: ĐH CNTP HCM, ĐH Huế, Đại học Vinh, Đại học Nông nghiệp, NXB Nghệ An... Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc tăng cường đầu tư thông qua các đề án xuất bản, sách đặt hàng, cấp lương và các chế độ cho cán bộ nhà xuất bản không chỉ có ý nghĩa kinh tế quan trọng, tạo nguồn lực vật chất để nhà xuất bản tiếp tục duy trì hoạt động mà còn động viên cán bộ, công nhân viên các nhà xuất bản nỗ lực vượt khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ ba, về công tác cán bộ. Việc bố trí nhân sự lãnh đạo chỉ thực sự có hiệu quả nếu là kết quả của công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở chiến lược phát triển khoa học và khả thi. So với những năm trước, công tác này đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều cơ quan chủ quản và nhà xuất bản tập trung làm tốt việc xây dựng chiến lược qui hoạch cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản. Trong điều kiện xuất bản gặp nhiều khó khăn, một số cơ quan chủ quản vẫn nỗ lực duy trì chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả như ở Chính trị Quốc gia-Sự thật, NXB Lý luận – Chính trị, NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ...

Tuy nhiên, số lượng các nhà xuất bản được tạo điều kiện chưa nhiều, một số cơ quan chủ quản mới chỉ đặt trong tâm đến bố trí vị trí lãnh đạo mà chưa chú trọng đến công tác tạo nguồn, thiếu cơ chế hỗ trợ về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích, động viên cán bộ gắn bó lâu dài với nghề nghiệp hoặc tuy đã chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực nhưng công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện còn hạn chế. Hệ lụy của vấn đề này là tình trạng hẫng hụt về cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý cũng như biên tập viên có trình độ cao ngày càng nghiêm trọng. Hiện tượng điều động “ngang” cán bộ không có chuyên môn, thiếu kinh nghiệm sang lãnh đạo nhà xuất bản tiếp tục diễn ra.

Do hạn chế về nguồn lực và thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan chủ quản, nên dù các nhà xuất bản nhận thức rất rõ về vai trò của công tác cộng tác viên nhưng còn rất ít các nhà xuất bản xây dựng được chiến lược dài hạn về công tác này. Trong khi đó ở một số công ty phát hành sách, nhà sách có thương hiệu mạnh, tham gia thường xuyên vào tổ chức bản thảo, công tác này được thực hiện khá bài bản, có chiến lược, thu hút được đội ngũ cộng tác viên đông đảo, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động.

Vẫn còn một số cơ quan chủ quản không thực hiện đầy đủ qui định về hiệp y nhân sự lãnh đạo theo Quyết định 282 về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản. Việc chưa tuân thủ qui trình này là vi phạm các qui định của Đảng và Luật Xuất bản, gây khó khăn cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý và lãnh đạo nhà xuất bản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thứ tư, về công tác thanh tra, kiểm tra, thi đua, khen thưởng. Bên cạnh một số cơ quan chủ quản đã chủ động và thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc đối với các sai phạm của nhà xuất bản; thường xuyên có nhiều hình thức khen thưởng đúng lúc để động viên tinh thần của các tập thể, các cán bộ công nhân viên chức có thành tích tốt thì còn có không ít cơ quan chủ quản buông lỏng công tác này. Một số vụ việc tồn đọng chậm được kết luận xử lý hoặc nặng về xử lý kỷ luật mà thiếu các cơ chế khen thưởng phù hợp để động viên nhà xuất bản. Một số trường hợp, cơ quan chủ quản lúng túng, bị động, thiếu phương án hỗ trợ hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động, giải quyết dứt điểm các sai phạm kéo dài của nhà xuất bản trực thuộc; đặt hoàn toàn trách nhiệm xử lý về phía các cơ quan chỉ đạo và quản lý hoạt động xuất bản.

Thứ năm, về công tác đảng. Với những chuyển động tích cực từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội Nghị Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách xây dựng đảng hiện nay”, công tác chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy cấp trên đối với tổ chức cơ sở Đảng tại Nhà xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tự phê bình và phê bình với các nội dung kiểm điểm, đấu tranh với tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao bước đầu đem lại hiệu quả. Năm 2012, nhiều tổ chức cơ sở đảng tại các nhà xuất bản đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.

Mặc dù vậy, nhìn chung vẫn còn một số ban cán sự đảng, đảng bộ, đảng đoàn các cơ quan chủ quản chưa quan tâm và làm tốt công tác này, đặc biệt là trong công tác xây dựng và phát triển đảng. Vì thế, tình trạng nhiều chi bộ nhà xuất bản nhiều năm không kết nạp được đảng viên nào không phải là hiếm; sinh hoạt chi bộ thưa thớt, nội dung sinh hoạt đảng và chính quyền đều giống nhau; vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng tại nhà xuất bản mờ nhạt.

PV: Theo đồng chí, trong những nguyên nhân của thực trạng trên, ngoài những khó khăn chung của đất nước và những vướng mắc, thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật, thì đâu là nguyên nhân chính?

Đồng chí Nguyễn An Tiêm: Sự thiếu quan tâm của cơ quan chủ quản vẫn là nguyên nhân cơ bản trong đó xuất phát điểm vẫn là vấn đề nhận thức chưa đúng, chưa tới về vị trị, vai trò của nhà xuất bản trực thuộc trong nhiệm vụ chung của cơ quan chủ quản. Từ sự nhận thức chưa đúng, chưa tới đó dẫn đến không ít cơ quan chủ quản còn lúng túng, thiếu chủ động và linh hoạt trong phương án đầu tư, để nhà xuất bản loay hoay trong tình trạng thiếu vốn, yếu kém về cơ sở vật chất kỹ thuật mà đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhà xuất bản đánh mất quyền tự chủ bị đối tác liên doanh, liên kết chi phối, không kiểm soát được nội dung.

PV: Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo đồng chí, các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản cần chú trọng những vấn đề gì trong năm 2013 sắp tới?

Đồng chí Nguyễn An Tiêm: Để khắc phục hạn chế, theo chúng tôi, cần chú ý thực hiện tốt 5 vấn đề trọng tâm sau:

Một là, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện mô hình hoạt động của nhà xuất bản phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị, của cơ quan chủ quản và qui hoạch phát triển của ngành xuất bản, trong đó đặc biệt lưu ý các địa phương có nhà xuất bản thuộc loại hình doanh nghiệp.

Hai là, tiếp tập tập trung tăng cường nguồn lực cho các nhà xuất bản; chú trọng cải thiện cơ sở vật chất cho kỹ thuật, đặt biệt là đầu tư nâng cấp trụ sở, tăng cường các trang thiết bị tác nghiệp, tạo điều kiện cho nhà xuất bản nâng cao chất lượng xuất bản phẩm.

Ba là, đẩy mạnh đầu tư thông qua sách đặt hàng trên cơ sở nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng xuất bản phẩm. Bên cạnh mảng sách phục vụ ngành, địa phương, chú trọng đến các mảng sách, mảng đề tài truyền thống, tổng kết đánh giá thành tựu đổi mới, sách tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sách tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đạo, sách phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Bốn là, tập trung chỉ đạo nhà xuất bản xây dựng chiến lược phát triển, gắn kết các nội dung chiến lược về năng lực, thương hiệu, thị trường với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và qui hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo.

Năm là, tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp chỉ đạo giữa chủ quản với các cơ quan chỉ đạo, quản lý ngành, giữa chủ quản với nhà xuất bản trực thuộc; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà xuất bản thực hiện đúng các qui định của Đảng và pháp luật về xuất bản.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này.

Song Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất