Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 26/1/2011 12:56'(GMT+7)

Ngày mai, 27-1, miền Bắc đón đợt xả nước đầu tiên: Chắt chiu từng giọt “nước vàng”

Để các trạm bơm hoạt động hết công suất, lấy nước cho vụ Đông Xuân hiệu quả nhất, EVN đã yêu cầu các công ty điện lực chủ động kiểm tra, sửa chữa lưới điện cấp cho các trạm bơm nước; thực hiện phương án cung ứng điện liên tục (24/24 giờ) và chất lượng cho các trạm bơm, kể cả các trạm bơm dã chiến trong suốt thời gian xả nước. Đồng thời tăng cường chế độ trực vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư và thiết bị dự phòng để xử lý nhanh trong tình huống xảy ra sự cố lưới điện.

“Như cánh đồng hạn nước về”
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ Đông Xuân năm nay, các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ có kế hoạch gieo cấy 630.000 ha; trong đó, diện tích làm ải khoảng 580.000 ha và làm dầm khoảng 50.000 ha. Song trước tình hình khô hạn nghiêm trọng trên diện rộng, ngay từ cuối tháng 9, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên kế hoạch chuẩn bị tiến hành xả nước cứu vụ Đông Xuân 2011, thống nhất chỉ thực hiện 2 đợt xả nước tập trung từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang (vụ Đông Xuân năm trước là 4 đợt xả). Cụ thể, đợt 1 từ 5h ngày 27-1 đến 18h ngày 2-2-2011 và đợt 2 từ  5h ngày 13-2 đến 18h ngày 20-2-2011 với lưu lượng xả là 2.100 m3/s, duy trì mực nước hạ du sông Hồng tại trạm Hà Nội thường xuyên ở mức từ +2,2m trở lên.
 
Cùng chung tay với Bộ NN&PTNT và EVN, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ cũng thường xuyên nhận định tình hình và cung cấp các bản tin về diễn biến thời tiết, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, tình hình không khí lạnh giúp các cơ quan chỉ đạo sản xuất phù hợp với thực tế.
 
Theo báo cáo của lãnh đạo EVN, Tổng cục Thuỷ lợi và Sở NN&PTNT các tỉnh miền Bắc, đến thời điểm này, mọi phương tiện, nhân lực, vật lực đã sẵn sàng đón đợt “nước vàng” cứu vụ Đông Xuân 2010 - 2011.
 
Hà Nội: Tất cả các trạm bơm đã sẵn sàng
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, Hà Nội có 126.000 ha diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân 2011, trong đó 26.000 ha sử dụng nước hồ  Đồng Mô, Suối Hai và 92 hồ nhỏ khác, còn lại 100.000 ha là sử dụng nước từ sông Hồng, sông Đà. Để chủ động đối phó với hạn hán, Sở đã chỉ đạo các quận huyện nạo vét các công trình thủy lợi, tu sửa máy móc thiết bị các trạm bơm; đồng thời yêu cầu bà con cấy theo đúng lịch vùng miền.
 
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dịch vụ thủy lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội,  100% máy bơm tưới đã sửa chữa định kỳ xong ngay từ thời điểm trước 10-1 và sẵn sàng chờ huy động; máy bơm cũ được thay thế bằng máy mới phù hợp với đặc thù hệ thống thủy lợi. Hiện nay, rất nhiều trạm bơm đầu nguồn đã hoạt động.
 
Ở trạm bơm đầu mối Hà Đông, thuộc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi La Khê cấp cho trên 5.000 ha lúa của quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, lãnh đạo xí nghiệp cho biết, công tác chuẩn bị đã hoàn tất ngay từ 30-12, theo đó xí nghiệp đã nạo vét 19km kênh chính với khối lượng 53.000 m3, gần 60.000 m2 cỏ. Các kênh cấp 2 cũng nạo vét trên 33.000 m3. Với 6 máy bơm, công suất 8.000 m3/giờ/máy và 17 trạm bơm dã chiến, công suất 1.000 m3/giờ/máy, hy vọng đợt xả đầu sẽ phấn đấu đổ ải 100% diện tích và tích được 20% lượng nước xả vào các hồ chứa.
Hải Dương: 10.000 ha lúa phải cứu hạn
Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Hải Dương, ông Trần Duy Chinh cho biết, ngay từ đầu tháng 10 – 2010, Chi cục đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống hạn, giao cho các công ty lên kế hoạch chuẩn bị số lượng máy bơm dã chiến phục vụ đợt xả nước đầu tiên. Theo chỉ đạo của Tổng cục Thuỷ lợi, đến thời điểm 10-1, tỉnh đã nạo vét được 1,1 triệu m3 đất để khơi thông dòng chảy các kênh mương; 400 trạm bơm dầu và 215 trạm bơm điện đã được bảo dưỡng kỹ càng. Như vậy, toàn tỉnh Hải Dương sẽ có khoảng hơn 600 trạm bơm được lắp đặt để chuẩn bị sẵn sàng cho đợt xả nước đầu tiên. Tỉnh Hải Dương gieo cấy 63.000 ha vụ Đông Xuân, trong đó dự kiến sẽ có khoảng 10.000 ha phải cứu hạn. Theo ông Chinh, mọi công tác chuẩn bị đã được sẵn sàng, 100% máy bơm dã chiến và cả máy bơm di động đã “trực chiến”. “Chúng tôi sẽ cố gắng đổ ải cho tất cả số diện tích cần nước ngay từ đợt 1 đến mức có thể, không để lãng phí dù chỉ là một giọt nước”.
 
Thái Bình: 500 máy bơm dã chiến đã được lắp đặt
Tại Thái Bình, nơi được coi là vựa lúa của đồng bằng sông Hồng, vụ mùa năm nay sẽ phải gieo cấy 83.000 ha. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Thái Bình Đỗ Như Hồng, từ thời điểm 31-12-2010, toàn tỉnh đã hoàn tất mọi công việc như lắp đặt các trạm bơm dã chiến, nạo vét các kênh nội đồng. Theo ông Hồng, đợt xả đầu tiên sẽ có  khoảng 500 máy bơm dã chiến được lắp đặt sẵn sàng đón nước từ thuỷ điện Hoà Bình. Số máy bơm còn lại (600 bơm) sẽ tiếp tục được bảo dưỡng và chuẩn bị sẵn sàng cho đợt xả lần 2.
 
Tuyên Quang: Chủ động chuyển đổi cây trồng đối với các vùng khó đón nước
Là tỉnh vùng cao, gần hồ thuỷ điện Tuyên Quang nhưng công tác phòng chống hạn cho vụ Đông Xuân  2011 cũng đã được sẵn sàng. Đến thời điểm này, tỉnh đã rà soát số diện tích lúa có nguy cơ bị hạn là 4.000 ha trên tổng số 17.800 ha. Trong đó, khoảng 2.339 ha sẽ có khả năng cứu hạn bằng bơm, tát nước, còn khoảng 1.600 ha khó có thể cứu hạn do địa hình quá cao, tỉnh đã chủ động yêu cầu bà con nông dân chuyển sang trồng các loại cây, rau không cần phải tưới tiêu lượng nước lớn. Theo lãnh đạo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Tuyên Quang, để chuẩn bị cho đợt xả nước đầu tiên từ hồ Tuyên Quang, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng 75 trạm bơm dã chiến. Trong đó, riêng 16 trạm bơm điện, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo phải theo dõi sát sao ngày, giờ xả nước đợt 1 để kịp thời đón nước ngay khi cửa xả nước hồ Tuyên Quang mở đợt đầu tiên vào ngày mai (27-1).
 
Nam Định: Đã nạo vét trên 3,7 triệu m3 đất khơi thông dòng chảy
Năm nay, Nam Định có khoảng 80.000 ha lúa Đông Xuân cần đổ ải, trong đó có tới trên 37.000 ha lúa có nguy cơ bị hạn nặng. Để chuẩn bị cho công tác cứu hạn, đến ngày 10-1, toàn tỉnh đã nạo vét 3.720.000 m3 đất trên các kênh mương nội đồng; gần 400 máy bơm dã chiến cũng đã được sửa chữa, bảo dưỡng kỹ càng. Do Nam Định là tỉnh có địa hình cốt đất khác nhau, nhiều địa phương có diện tích ruộng xa trạm máy bơm điện nên tỉnh đã huy động một khối lượng lớn máy bơm di động (bơm dầu và ắc quy cho bơm điện di động) để phục vụ các diện tích lúa nằm ở vùng cao, nước khó về hơn.
 
Theo Đại Đoàn kết
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất