Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 23/4/2010 21:45'(GMT+7)

Bùng phát lễ hội tạo ra sự bất thường!

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Phục hồi lễ hội cổ truyền

Theo ông Giỗ tổ Hùng Vương có phải nét độc đáo của văn hóa Việt Nam?

Xét về nguồn gốc và bản chất, tục thờ Quốc tổ Hùng Vương chỉ là sự phóng đại của tục thờ cúng tổ  tiên của người Việt. Vì mỗi gia đình có tổ tiên thì cả nước cũng có cha mẹ (Lạc Long Quân - Âu Cơ), có "tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ", có ngày lễ Quốc tổ. Đây là nét độc đáo của người Việt Nam.

Hùng Vương là biểu tượng cội nguồn dân tộc, trong đó có nhân tố lịch sử là nền văn hóa Đông Sơn, có nhân tố huyền thoại của thời kỳ huyền sử. Mà xét cho cùng, biểu tượng còn có sức cuốn hút hơn cả sự thật lịch sử!

Tại sao chỉ gần đây hội Đền Hùng mới được tổ chức long trọng như vậy?

Từ thế kỷ XIX trở  về trước, lễ hội Đền Hùng không lớn như bây giờ. Chính cách mạng đã biến đổi nó, làm cho nó trở thành một lễ hội của toàn quốc, bởi chúng ta đã nhìn thấy ở đây sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân tộc. Lịch sử đã cho thấy, tâm thức cội nguồn và sức mạnh đoàn kết dân tộc đã là điểm tựa tinh thần, tạo ra sức mạnh cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thử thách trong hàng ngàn năm qua.

Vậy mà tôi cứ nghĩ  đó là do trào lưu bùng phát lễ hội?

Đúng là chúng ta vẫn trong giai đoạn bùng phát lễ hội. Nguyên do là thời gian trước đổi mới, chúng ta đã có nhiều cấm đoán khiến truyền thống văn hoá bị đứt đoạn. Sau đổi mới nó bùng phát trở lại nên tất nhiên có sự bất thường, có một số nhiễu loạn. Ngoài một số lễ hội sự kiện như Festival Huế, Lễ hội hoa... còn lại hầu hết vẫn là các lễ hội cổ truyền được phục hồi.

Có phải vì thế mà giờ đây đi lễ hội người ta xem là chính chứ không thực sự được tham gia vào đấy?

Lễ hội chính là gương mặt của văn hoá, là nơi trao truyền văn hoá từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chúng tôi luôn phản đối việc đưa hình thức sân khấu, đưa diễn viên vào lễ hội vì lễ hội phải giữ được nét truyền thống,. Lễ hội phải là của người dân, người ta tổ chức ra để được hưởng thụ và đặc biệt là được tham gia vào đó. Ví dụ bản thân tôi chả thích gì việc chơi đánh đu hay đấu vật, nhưng khi ra lễ hội, không khí ở đó khiến tôi phấn chấn muốn được tham gia. Người ta tới các lễ hội chính vì nhu cầu này...

Nói thật là tôi không thích, thậm chí không dám đi lễ hội vì nó quá xô bồ...

Hội thì phải xô bồ rồi. Nhưng đó là cái xô bồ của trật tự, kỷ cương, còn nay là sự xô bồ của hỗn loạn... Đó là do trong kinh tế thị trường, nhiều người đã lợi dụng lễ hội để mưu cầu lợi ích về kinh tế làm cho nó bị nhiễu loạn. 

Cầu cúng nhiều thể hiện sự bất ổn

Vậy tại sao nhiều người vẫn thích đi lễ hội? Lễ hội chùa Hương, Yên Tử, đền Bà chúa Kho, đền Trần... năm nào cũng đông?

Trước hết lễ hội là dịp con người được trở về với cội nguồn tự nhiên. Cuộc sống hiện đại đã nhốt con người trong một cái lồng xi măng, sắt thép chật hẹp. Bản chất con người là một bộ phận của tự nhiên.

Có thể trong đời sống thường ngày luôn bận rộn, chúng ta không ý thức được điều đó, nhưng trong vô thức vẫn mong muốn quay về với tự nhiên. Và các lễ hội hành hương chính là dịp thoả mãn nhu cầu đó. Con người Việt Nam luôn hướng tới tương lai nhưng vẫn không quên ngoảnh lại quá khứ, tuy nhiên đôi khi cũng ngoảnh lại hơi quá (cười).

Tôi nghĩ chưa hẳn thế. Vì nếu muốn tìm về với thiên nhiên có nhiều cách, cứ gì phải chen nhau vất vả trong các lễ  hội?

Đấy cũng là do một nhu cầu nữa của con người hiện đại là cố kết cộng đồng. Cá nhân càng phát triển cao thì nhu cầu cộng đồng càng lớn. Cá nhân và cộng đồng thuộc bản chất người, chứ nó không phải 2 đại lượng mà cái này nhiều lên thì cái kia phải ít đi. Hơn nữa, con người vẫn mang một chút tập tính bầy đàn. Tại sao bóng đá lại thu hút nhiều người đến thế? Vì nó thỏa mãn nhu cầu bầy đàn: người ta không muốn xem một mình ở nhà, mà phải tụ tập ở một nơi nào đó, để cùng la hét.

Ông giải thích thế nào về hiện tượng người dân đi chùa nhiều hơn, cúng bái cầu kỳ hơn...

Đã có thời chúng ta sai lầm khi cho rằng tôn giáo, tín ngưỡng, mê tín là do con người ngu dốt, chưa hiểu biết khoa học... Nhưng ngày nay con người hiện đại hiểu biết nhiều, tài giỏi hơn... tại sao họ lại ngày càng tin vào tâm linh?

Dân gian ta có một câu rất hay "càng học càng dốt". Con người càng biết nhiều càng thấy cái bí ẩn, cái siêu nhiên càng lớn. Khoa học vẫn còn bất lực trước nhiều hiện tượng. Đặc biệt bước sang thế kỷ XXI, con người luôn cảm thấy chông chênh, hoang mang và không an toàn: khủng bố ngày càng kinh khủng, rồi chỉ một con virus cũng có nguy cơ đe dọa toàn cầu... Người ta đi cầu cúng một phần cũng chính là sự thể hiện sự mất an toàn. Cái này có tính toàn nhân loại chứ không phải riêng dân tộc nào.

Có nghĩa là không chỉ riêng người Việt Nam ta cúng bái nhiều như vậy?


Đúng thế. Khi sang Nhật Bản, tôi thấy họ cúng bái nhiều lắm. Tôi đã rất ngạc nhiên vì xã hội Nhật Bản giàu có như thế, đầy đủ như thế, họ còn cần cầu xin gì nữa. Một đồng nghiệp người Nhật đã giải thích, chính đời sống tâm linh đã cứu đời sống dân tộc Nhật tránh rơi vào trạng thái tâm thần tập thể bởi vì trong đời sống như đã được lập trình, bị dồn nén, người Nhật cần có một khoảng tâm linh, khoảng mờ ảo, cái chỗ con người không phải chịu dồn nén.

Lễ hội gắn với tín ngưỡng, người ta tìm đến sự an tâm, bình lặng của tâm hồn và muốn cầu cứu sự che chở của một thế lực siêu nhiên.

Vậy có sự phân định giữa tâm linh và mê tín không?


Tâm linh là lĩnh vực cao cả, siêu việt, siêu nhiên, cái mà con người chưa hiểu được. Trong tâm linh có tín ngưỡng tôn giáo. Còn mê tín, thực ra hiện nay chúng ta ít dùng từ này, là hành động cuồng tín gây tổn hại đến bản thân và người khác. Anh đi lễ đâu kệ anh, nhưng hành động của anh đừng có gây tổn hại đến bản thân và người khác.

Việc anh dâng một cái lễ, thắp một nén hương để mưu cầu một việc gì chính đáng thì không phải là mê tín. Nhưng nếu anh cầu xin những cái không chính đáng, làm hại đến những người khác rồi từ đó dẫn đến những hành động cuồng tín thì đáng bài trừ. Tóm lại là phải biết độ dừng, nếu vượt qua là không được.

Ông có hay đi chùa không?

Tôi là đồ đệ của Khổng Tử khi làm theo lời khuyên của ông: với quỷ thần thì "kính nhi viễn tri" (vẫn tôn kính nhưng từ xa). Với lại công việc nghiên cứu của tôi khiến tôi hay đến đền, chùa, tôi luôn thành kính thắp hương và cầu mong một cái gì đó, như vậy tôi cảm thấy bằng an và ấm lòng!

GS.TS Ngô Đức Thịnh nguyên là viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá. Hiện ông là giám đốc Trung tâm Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng, phó chủ tịch hội đồng Folklore châu Á, uỷ viên hội đồng di sản quốc gia.
 

 Theo Nhật Minh (Bee)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất