Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 21/4/2010 14:43'(GMT+7)

“Hơi thở của nước” và chuyện một người trẻ

Ca trù sẽ là một điểm nhấn trong chương trình nghệ thuật mang tên “Hơi thở của nước

Ca trù sẽ là một điểm nhấn trong chương trình nghệ thuật mang tên “Hơi thở của nước

Mê phách Ca trù, yêu câu Quan họ

Sinh ra và lớn lên quanh câu hát, nhịp phách, đó là căn nguyên dẫn đến niềm đam mê của Linh. Nhưng cũng có một khoảng thời gian dài anh không nghe Quan họ, những làn điệu dân ca và cả nhịp phách Ca trù, bởi thấy bạn bè quanh mình chẳng ai nghe món cổ. Cho đến năm học lớp 10, vì chiều bố mà ngồi cùng "cụ" theo sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đến với bộ phim tài liệu dài ba kỳ về Quan họ đám, Linh nghe như bị nhập đồng. Niềm đam mê theo anh từ đó đến giờ…

Linh còn có may mắn là bà anh rất yêu Ca trù, thường hát cho Linh nghe. Nhưng nghe thôi thì chẳng đủ. Muốn sống với Ca trù, thấm và hiểu ngọn ngành thì phải để tâm theo dõi tất cả biến động xung quanh và cũng cần phải học hỏi lớp người đi trước về căn cốt của bộ môn nghệ thuật từng được tiếng "bác học". Thế rồi là học hỏi, là để tâm sức vào Ca trù, Linh lăn lộn với vốn cổ đến mức những nghệ nhân nổi danh như Phó Thị Kim Đức, Minh Mẫn, Thanh Tâm nhanh chóng nhận ra ở anh niềm đam mê và sự cầu tiến thật sự.

Người trẻ này cũng được những người trẻ khác biết tới với tư cách là đồng tác giả của Tuyển tập truyện ngắn thế hệ 8x và Tuyển tập truyện ngắn tuổi 20 của NXB Trẻ… Đáng nói là truyện ngắn, tiểu thuyết của Linh ít nhiều đều có hơi hướng giữ gìn văn hóa truyền thống.

"Vẻ đẹp Việt II"

Đam mê viết báo, viết văn, lại thường gửi vào đó những thông điệp về vốn cổ đã đành, Linh còn dám thử sức trẻ trong việc điều hành công ty chuyên biệt về lĩnh vực văn hóa dân tộc mang tên "Vẻ đẹp Việt". Một vài đầu việc đã ít nhiều gây ấn tượng như nghiên cứu phục dựng lại điệu múa cổ Bài Bông, tổ chức chương trình "Thăng Long nhân kiệt" và gần nhất là "Vẻ đẹp Việt I" tôn vinh 5 nghệ nhân hàng đầu của nghệ thuật Ca trù, Ca Huế và Nhã nhạc cung đình trong khuôn khổ Festival Làng nghề truyền thống Huế 2009.

"Hơi thở của nước" còn có tên "Vẻ đẹp Việt II", là một trong những điểm nhấn của Festival Huế 2010 (diễn ra từ ngày 5 đến 13-6). Linh cùng bạn bè muốn thuyết phục người xem quan tâm, yêu quý văn hóa dân tộc. Một sân khấu nước nở rộ hoa sen đang dần được hình thành trên hồ Tịnh Tâm thay cho bèo, rau muống và vẻ hoang lạnh. Âm thanh, ánh sáng, pháo hoa sẽ được huy động để tạo hiệu ứng nghệ thuật. "Hơi thở của nước" được kỳ vọng ở sự hòa quyện độc đáo giữa nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống, từ Nhã nhạc cung đình đến Ca trù, Quan họ và nghệ thuật sắp đặt. "Vẻ đẹp Việt II" có sự tham gia của các nghệ sĩ âm nhạc 3 miền đất nước, khoảng 400 diễn viên.

Trước lúc "Hơi thở của nước" ra mắt khán giả, Linh nói rằng anh muốn người xem đón nhận văn hóa cổ truyền trong mối liên hệ với nghệ thuật đương đại, muốn có cái nhìn tham chiếu về mạch nối nguồn sống nghệ thuật giữa các thế hệ, tạo cho nghệ nhân, nghệ sĩ lớp trước niềm tin, rằng cuộc sống này còn có nhiều người hậu sinh trân trọng và đồng hành với họ trên con đường gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền.


Phí Hà-HNM0 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất