Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 22/4/2010 22:3'(GMT+7)

Ông Phần “nông thôn” và “dự án” đưa máy tính về làng

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần

PV: Vì sao ông lại mê máy tính đến vậy?

NSƯT Hữu Phần (HP): Chỉ đơn giản vì mình thích máy tính lẫn những ứng dụng thông minh của nó, tôi không chỉ “lướt web” để đọc tin, viết e-mail, viết kịch bản, mà còn…“chat”. Chính vì vậy mà mình lúc nào cũng “dính” lấy chiếc laptop. Ngoài giờ làm việc ở công ty, bạn có biết mình làm gì với máy tính vào buổi tối không? Mình thử “chat” với các bạn trẻ tuổi “teen” trên mạng đấy. Tôi có thể ngồi “dính” với máy tính đến 1 giờ sáng là chuyện thường.

PV: Chat với “teen” ư?

NSƯT HP: Đúng vậy, bạn không tin ư? Mình tập vào mạng và chat với các bạn trẻ tuổi teen. Thực ra lúc đầu mình cũng chỉ thử để trò chuyện để hiểu rõ tâm lý lứa tuổi này để hiểu con mình, cháu mình. Sau này mình thấy cũng…hay hay vì nó giúp mình nhẹ nhàng, vui vẻ sau khi kết thúc công việc. Mình đã tập dần cách nói, cách hiểu chữ viết tắt của các bạn trẻ, chẳng hạn: “2” là chào, “Pó tay, ak ,ak uhm, ah…” hay “gì” thì được viết bằng “j”…Cũng có thể một ngày nào đó, tôi sẽ viết một kịch bản phim dành cho lứa tuổi teen 8X,9X chẳng hạn.

PV: Vậy ông có gặp “tai nạn” khi chat với teen không?

NSƯT HP: Thực sự thì cũng có lúc gặp phải sự cố, chẳng hạn đang chat thì bạn đó hỏi “ấy bao nhiêu tuổi rồi? ấy có dùng webcam không? Bật lên cho tớ nhìn mặt” thì lúc đó…tôi phải tìm cách từ chối thật nhanh, kiểu như: “Bố tớ cấm dùng WC (webcam)”. (Cười)


Một cảnh trong phim "Ma làng" của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

PV: Vậy ông còn niềm đam mê nào với máy tính không?

NSƯT HP: Tôi sẽ chuyển niềm đam mê máy tính sang thành chương trình truyền hình. Sắp tới tôi sẽ kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất một chương trình hướng dẫn sử dụng máy tính cho nông thôn. Ví dụ: tiểu phẩm đưa máy tính và internet về làng, nó được thể hiện giống đời sống bình thường và được sản xuất dưới dạng tiểu phẩm hài. Chương trình sẽ đưa đến cho khán giả một lượng kiến thức về máy tính và internet thông qua hình thức giải trí. Chương trình này tôi đã xin được sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, dự kiến sẽ phát sóng từ tháng 6/2010, mỗi tuần 1 chương trình dài 15 phút (trong chương trình Cuộc sống thường ngày (trước giờ thời sự), trong 2 năm. Nội dung sẽ gồm các phần như: nông dân số, giới thiệu các loại máy tính giá rẻ cho nông thôn…Tôi hy vọng chương trình sẽ được khán giả đón nhận nhiệt tình.

PV: Đang là đạo diễn điện ảnh, và rất thành công ở đề tài nông thôn, khán giả lại thấy ông chuyển sang sản xuất Game show “Hà Nội 36 phố phường”. Ông có thể nói rõ về bước chuyển này ra sao?

NSƯT HP: Mặc dù bây giờ tôi đã nghỉ hưu và không còn làm ở Trung tâm sản xuất phim truyền hình nữa nhưng tôi vẫn còn nung nấu nhiều kế hoạch làm phim. Tôi sẽ làm phim cho tới cuối đời chứ. Còn hiện nay tôi tạm dừng sản xuất phim để thực hiện một gameshow đặc biệt: "Hà Nội 36 phố phường". Đây là một chương trình truyền thông trong hệ thống các dự án, chương trình tuyên truyền, quảng bá, giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp, sự đổi mới, phát triển của Thăng Long - Hà Nội nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm.

PV: Được biết game show này do chính ông sáng tác, ông có thể nói rõ hơn về chương trình này?

NSƯT HP: Tôi không sinh ra ở Hà Nội nhưng tôi sống ở Hà Nội từ khi tôi dưới 10 tuổi. Từ nhỏ đến nay vẫn sống ở phố cổ, tôi rất yêu Hà Nội. Tôi và một nhóm đồng nghiệp người yêu Hà Nội sáng tác ra gameshow. Mục đích của chúng tôi là chuyển tới khán giả những cảm nhận về Hà Nội. Cách chơi, diễn biến các cuộc chơi, những câu hỏi của chương trình sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết về thủ đô. Với những cảnh quay cuộc thi trên đường phố, các địa danh Hà Nội, người chơi và khán giả truyền hình sẽ được hòa mình vào đời sống thực của Hà Nội ngày nay và những điểm nhấn để hiểu rõ hơn, để yêu Hà Nội 1000 năm văn hiến.

Nhiều người nói rằng: Làm game trong thời buổi này không thích hợp. Game đang bị loãng vì ngày nào trên sóng truyền hình cũng có gameshow nên khán giả bị "nhờn" rồi. Chúng tôi cũng biết điều này ngay từ khi sáng tác và vì vậy gameshow cả chúng tôi phải khác, phải hay hơn... "Hà Nội 36 phố phường" là một trong số ít những gameshow do các tác giả Việt Nam, các tác giả Hà Nội sáng tác không giống với các gameshow Việt hóa từ nước ngoài. Hơn nữa đây là một chương trình tôn vinh Hà Nội. Tôi chắc những người yêu Hà Nội, dù đang sống ở thủ đô, hay ở các tỉnh thành phố khác, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài cũng sẽ hào hứng tham gia và xem chương trình.

PV: Bận rộn với nhiều chương trình như vậy, ông có còn tâm huyết làm phim truyền hình nữa không?

NSƯT HP: Có chứ, tôi đang viết tiếp kịch bản của phim “Ma làng” phần 2 với tên gọi “Làng Bâm Dương 10 năm sau”. Với những tuyến nhân vật vẫn như cũ nhưng tôi nâng cao tính cách của họ lên. Nếu Ma làng kết thúc vào những năm 90 thì sau 10 năm thay đổi ra sao, những nhân vật trước đây giờ thay đổi như thế nào?

Chẳng hạn, những dự án đất đai, kinh tế, sân gôn đã lấy hết đất trồng trọt của của dân. Những người nông dân cả đời lam lũ bỗng chốc trong tay có tiền tỷ. Không ai bảo họ làm gì để có nghề nghiệp, có thu nhập, họ xây nhà, mua xe và trong bỗng chốc nhà cửa tan nát vì con nghiện ngập, bố cờ bạc...Và cả những mánh khóe ăn hối lộ của một số quan chức nông thôn ăn theo các dự án đất đai….Kịch bản của “Làng Bâm Dương 10 năm sau” sẽ có những nhân vật tích cực thời kỳ bao cấp trước kia, chủ trương làm khoán 10, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân thì nay lên chức cao, có quyền hành trong tay và anh ta lại phụ trách rất nhiều dự án về đất đai, kinh tế... và trở thành một nhân vật tiêu cực kinh khủng hơn Ma làng kia rất nhiều. Ví dụ như người nghèo nhất trước kia giờ có thể trở thành một người giầu nhất... tất cả mọi cái chỉ cần lật ngược lại một chút là thay đổi cả một thế hệ và nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn của thời kỳ này và nhiều ma của thời kỳ này.

PV: Xin cảm ơn và chúc ông luôn khỏe để có các tác phẩm hay cho khán giả!


Tuyết Minh- HNM0
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất