Thứ Bảy, 30/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 28/11/2010 16:35'(GMT+7)

Nghiệm thu sản phẩm dự án lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 2007)

Đ/c Phùng Hữu Phú phát biểu kết luận Hội nghị

Đ/c Phùng Hữu Phú phát biểu kết luận Hội nghị

Đồng chí Phùng Hữu Phú, UVTW Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban TGTW làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; đồng chí Su Văn Đi Sỉ Sa Vắt, Phó Chánh văn phòng TW Đảng NDCM Lào , Giám đốc Bảo tàng Cay Xỏn Phôm Vi Hẳn (Lào) làm Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Hội nghị đã nghe ý kiến phản biện, các nhận xét, đánh giá của các GS, PGS, chuyên gia ở hai nước Việt Nam và Lào về các sản phẩm trong dự án.

Bộ Biên niên sự kiện lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 2007) gồm 2 tập.

Tập 1, “Biên niên sự kiện Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 1975) tập trung trình bày toàn bộ sự kiện lịch sử quan hệ đặc biệt giữa hai nước kể từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương đến khi cuộc kháng chiến của hai nước giành thắng lợi hoàn toàn vào tháng 12/1975.

Tập 2, “Biên niên sự kiện Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1976 – 2007), tập trung trình bày toàn bộ sự kiện lịch sử quan hệ đặc biệt giữa hai nước trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Hai tập sách đã phản ánh tương đối đầy đủ toàn diện mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội và nhân dân hai nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội, ngoại giao, quốc phòng và an ninh.

Toàn cảnh Hội nghị


Bộ Hồi ký đặc biệt quan hệ Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 2007) gồm 3 tập.

Tập 1, Những bài viết của các đồng chí lãnh đạo về quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, dày 612 trang gồm các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hẳn về quan hệ đặc biệt giữa hai nước, các bài viết của các đồng chí lãnh đọa cao nhất của hai Đảng, hai Nhà nước, hai Mặt trận, các đồng chí lãnh đạo cao nhất... trong cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và Lào.

Tập 2, Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, Hồi ký, tập 1, gồm 87 bài hồi ký, ký ức của các tác giả Việt Nam, Lào về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cứu nước ở Lào.

Tập 3, Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, Hồi ký, tập 2, gồm 139 bài hồi ký, ký ức của các tác giả Việt Nam và Lào về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ba tập sách trong bộ Hồi ký trên phản ánh mối quan hệ, tình đoàn kết Việt Nam – Lào trong s uốt những chặng đường lịch sử vẻ vang, nhưng đầy gian khổ, hy sinh của hai dân tộc Việt Nam – Lào, cùng nhau chiến đấu để giải phóng đất nước, thoát khỏi ách xâm lược, giành độc lập tự do cho cả hai nước, xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Quan trọng hơn, những bài hồi ký đã khắc phục được tình trạng viết một phía mà phản ánh được cả hai phía Việt Nam và Lào đều tham gia chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc nước Lào.

Đ/c Hà Đăng góp ý cho Bộ “Văn kiện quan hệ đặc biệt
Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”

Bộ “Văn kiện quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”  (1930 - 2007) đã hoàn thành gồm 5 tập.

Tập 1, từ năm 1920 – 1945 gồm 47 văn kiện là một số bài phát biểu, bài viết, diễn đàn, bình luận, báo cáo, thư gửi của Bác Hồ về cách mạng Đông Dương, cách mạng Việt Nam – cách mạng Lào, các nghị quyết, chỉ thị, báo cáo, thư,... của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về cách mạng hai nước.

Tập 2, từ năm 1946 – 1955, bao gồm 112 văn kiện là các chỉ thị, nghị quyết, báo cáo, thư, điện trao đổi giữa Việt Nam và Lào trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược Lào, phản ánh mối quan hệ đặc biệt gữa hai nước giai đoạn này.

Tập 3, từ năm 1956 – 1975, bao gồm 129 văn kiện là thư, điện, diễn văn, hiệp định, nghị định thư, chỉ thị, thông tri, thông tư, thông báo, tuyên bố, tuyên bố chung, biên bản giao nhận, biên bản hội đàm, bản thỏa thuận, báo cáo chính trị, bài tham luận, thông cáo chung, đáp từ,... phản ánh tình hữu nghị gắn bó, sự tương trợ, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước trong quá trình dân tộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược cả hai nước.

Tập 4, từ năm 1976 – 1985, gồm 144 văn kiện là các bài diễn văn, lời phát biểu, tuyên bố chung, quyết định, kế hoạch, nhiệm vụ phương hướng, nghị quyết, hiệp định, điện, báo cáo chính trị, lời chúc mừng, thông báo, nghị định thư, hiệp ước... của Việt Nam và Lào, thể hiện mối quan hệ đặc biệt giai đoạn này.

Tập 5, từ năm 1985 – 2007, gồm 139 văn kiện, là các quyết định, kế hoạch viện trợ, chỉ thị, hiệp định, thông tri, đáp từ, báo cáo phát biểu, diễn văn, điện mừng, tuyên bố chung, chương trình, tờ trình, lời đáp giữa hai nước.

Nội dung của cả 5 tập sách có nội dung phong phú, thể hiện tình nghĩa sâu nặng, đoàn kết chiến đấu, quan hệ đặc biệt giữa hai nước Lào và Việt Nam, thể hiện rõ mối tư tưởng của mối quan hệ đặc biệt giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Hầu hết các văn bản trong bộ Văn kiện đều là bản gốc, lấy từ kho lưu trữ của các cơ quan chức năng của hai Đảng, hai Nhà nước.

Kết thúc hội nghị, tất cả các sản phẩm trong dự án đều được bỏ phiếu đánh giá là những công trình đạt chất lượng xuất sắc. Dựa trên những ý kiến đóng góp tại cuộc Hội nghị, các thành viên trong Biên soạn tiếp tục sửa chữa, bổ sung các bản thảo, hoàn tất các khâu cuối cùng.

Đây cũng là một trong những công trình lớn, mang ý nghĩa chính trị và quốc tế sâu sắc, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội Đảng lần thứ IX của Đảng Nhân dân cách mạng Lào diễn ra vào đầu năm 2011 tới.

Nam Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất