Để đạt mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng nhà nước thực hiện chính sách điều hành tiền tệ một cách “linh hoạt”. Nhưng doanh nghiệp lại cần sự ổn định tỷ giá để theo đuổi giá trị riêng.
Tăng tỷ giá – nhà nhập khẩu ‘gánh hạn”
“Đối với tôi là nhà nhập khẩu thì vấn đề tỷ giá cần nhất là sự ổn định, mà không quan trọng cao hay thấp”, ông N.V.Q, giám đốc một doanh nghiệp ở Hà Nội nói. Là nhà nhập khẩu nên ông N.V.Q thường phải “gánh hạn” sau mỗi lần Ngân hàng nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD và VND.
Ông N.V.Q đã lên kế hoạch nhập khẩu một lô hàng vào thời điểm trung tuần tháng 12-2009, với tỷ giá VND/USD do Ngân hàng Nhà nước công bố là 17.941 đồng/USD. Thời điểm đó, các ngân hàng thương mại cũng niêm yết giá 1 USD bán ra “ăn” 18.479 đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 18.544 VND/USD từ ngày 11-2-2010, thì giá USD mà ngân hàng thương mại bán ra niêm yết ngày 16-3 là 19.100 đồng/USD. Như vậy, nếu thời điểm này phải thanh toán hợp đồng thì ông N.V.Q sẽ phải trả thêm mỗi USD là 621 đồng. Tổng cộng lô hàng trị giá gần 100 nghìn USD thì ông N.V.Q sẽ mất thêm khoảng 60 triệu đồng. Chưa hết. Khi cần chưa chắc đã mua được giá USD đúng như ngân hàng niêm yết, vì ngân hàng sẽ tính thêm nhiều loại phí, ông N.V.Q thêm.
Một nhà nhập khẩu khác (đề nghị không nêu tên) cũng cho biết, dù Ngân hàng nhà nước điều chỉnh tỷ giá gần sát với giá thị trường để chống hiện tượng làm giá, nhưng thời điểm đầu năm, khi nhu cầu mua đồng USD còn chưa nhiều, thì việc mua được lượng USD theo như mong muốn không phải dễ. Kế toán doanh nghiệp này nhớ lại vài tháng trước, một số ngân hàng vẫn gợi ý doanh nghiệp mua ngoại tệ theo thỏa thuận. “Còn giá niêm yết vẫn chỉ để niêm yết”, chị này nói. Nếu doanh nghiệp chấp nhận, hai bên sẽ tiến hành mua bán. Nhưng phía ngân hàng cũng không khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp thì việc mua bán bằng ngoại tệ bắt buộc phải thông qua ngân hàng. Vì vậy nếu không mua được ngoại tệ, hoặc không chấp nhận “phụ phí” thì chỉ còn nước hủy hợp đồng… Còn đối với những cá nhân có nhu cầu mua ngoại tệ để đi học, hoặc du lịch nước ngoài thì lại thường tìm đến thị trường chợ đen. Anh Nguyễn Hà Minh ở Nam Đồng, Hà Nội nói: “Mua đô la ở ngoài giá cao hơn nhưng tiện. Mua của ngân hàng nhiều thủ tục lằng nhằng lắm”. Cho dù biết mua bán ngoại tệ chợ đen là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và giá cao, nhưng nhiều người vẫn làm vì một chữ “tiện”. Điều này cũng cho thấy công tác quản lý ngoại hối vẫn còn nhiều việc phải làm.
Thị trường đã chuyển biến tích cực
Tuy nhiên đến thời điểm này, thị trường ngoại hối nhìn một cách tổng thể đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sau khi NHNN quy định lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế tại các TCTD là 1%/năm, lợi ích của việc nắm giữ USD đã giảm. Cùng với đó, việc điều chỉnh tỷ giá lên 18.544 đồng/USD đã khiến cho tâm lý găm giữ ngoại tệ đã phần nào được giải tỏa, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân bán ngoại tệ cho ngân hàng và ra thị trường. Nhờ đó các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu dễ dàng tiếp cận ngoại tệ hơn, tăng cường tính thanh khoản trên thị trường ngoại hối.
Ngày 16-3, giá USD tiếp tục xuống giá mạnh. Giá USD trên thị trường tự do Hà Nội được niêm yết ở mức 19.300 – 19.330 đồng/USD, giảm khoảng 40 đồng/USD so với hôm trước. Đây là mức giá thấp nhất trên thị trường tự do trong thời gian tính từ đầu năm đến nay. USD tự do giảm liên tục đã kéo khoảng cách giữa USD tự do và USD ngân hàng đến sát nhau nhất từ trước đến nay. Mức chênh lệch hiện nay chỉ còn 200 đồng/USD. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá VND/USD vẫn được giữ ở mức 18.544 đồng/USD. Giá USD giao dịch do các ngân hàng thương mại công bố duy trì ở mức 19.080 – 19.100 đồng/USD.
Ngày 9-3, Ngân hàng nhà nước phát đi thông điệp: “Thị trường ngoại hối đã có những biểu hiện tích cực hơn. Doanh số mua bán của hệ thống ngân hàng với khách hàng, đặc biệt là với các tổ chức kinh tế tiếp tục tăng, giúp trạng thái ngoại tệ của hệ thống Ngân hàng thương mại được cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp đã bắt đầu bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng”. Bên cạnh đó, sau khi NHNN triển khai các biện pháp can thiệp thị trường vàng, tỷ giá trên thị trường tự do đã giảm. Cung - cầu ngoại tệ đã cân bằng, tăng cường sự lưu thông trên thị trường ngoại tệ.
Quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 7% xuống 4% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, từ 3% xuống 2% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, đã giúp các ngân hàng thương mại tăng nguồn ngoại tệ để cho vay thêm khoảng 500 triệu USD, đồng thời giảm chi phí huy động vốn khoảng 0,1% và tác động ổn định tỷ giá.
Tỷ giá trên thị trường tự do giảm nhẹ so với thời điểm trước khi điều chỉnh tỷ giá, khiến chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tự do được thu hẹp từ mức trên 1000 đồng/USD hiện chỉ còn khoảng 300-400 đồng/USD. Bên cạnh những tác động tích cực, việc điều chỉnh tăng tỷ giá cũng đem lại một số hệ quả không tránh khỏi như tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài cũng như trả nợ vay bằng ngoại tệ trong nước, tác động làm tăng giá nhập khẩu.
Ông N.V.Q cho rằng, “bây giờ tình hình đã dễ chịu hơn rồi, tôi có thể dễ dàng mua ngoại tệ nếu có hợp đồng”. Ông N.V.Q cũng đồng tình với cách điều hành “linh hoạt” của Ngân hàng nhà nước để đạt các mục tiêu tổng quát, nhưng mong muốn các nhà thực thi chính sách nên “hài hòa” lợi ích để giảm thiểu những thiệt hại cho những doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà nhập khẩu như ông.
Trong những tháng tới đây, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chủ động và thận trọng để kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 25%, lãi suất và tỷ giá phù hợp với mục tiêu và điều kiện kinh tế vĩ mô, lượng tiền cung ứng bổ sung cho lưu thông ở mức hợp lý để bảo đảm khả năng an toàn thanh toán hệ thống ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế.
Trong đó, giải pháp điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá linh hoạt trong mối quan hệ với lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân thương mại và các kênh đầu tư khác nhằm khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, theo đó điều chỉnh linh hoạt tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng hoặc tăng giảm ở mức độ hợp lý, phù hợp với tín hiệu thị trường, có sự điều tiết của nhà nước, bảo đảm mục tiêu ổn định giá trị VND.
(Theo Nhân Dân điện tử)