Chủ Nhật, 22/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 11/5/2009 21:38'(GMT+7)

Giới thiệu sách "Phan Trọng Tuệ - vị Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại"

Như còn nghe vang âm trong từng con chữ tinh thần quả cảm, quên mình của hàng vạn cán bộ, công nhân, TNXP và bộ đội cùng chung tay làm nên chiến tích: "Con đường xuyên suốt Trường Sơn đã góp phần chi viện quan trọng của TW cho các chiến trường miền Nam; mở đầu cho sự thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tấn công".

Nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn huyền thoại, ngày 9/5, tại Hà Nội, Báo CAND và NXB CAND đã phối hợp tổ chức ra mắt cuốn sách "Phan Trọng Tuệ - vị Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại" tại Hà Nội.

Tới dự, có Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Đặng Văn Hiếu - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; các tướng lĩnh, sĩ quan đại diện các tổng cục, vụ, cục và Công an các địa phương. Buổi lễ còn được đón đồng chí Nguyễn Văn Trân - nguyên Bí thư TW Đảng; đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên TW Đảng, Chánh án TAND tối cao; đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT và nhiều Bộ ngành TW, Bộ Tư lệnh Biên phòng, các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt Binh đoàn Trường Sơn v.v…

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ (7/1917 - 12/1991), Huân chương Sao vàng, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Đoàn 559.

Gần 200 trang sách đã tái hiện phần nào một giai đoạn lịch sử của dân tộc, qua hồi ký của Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ và bài viết của các cộng sự thân thiết: Ông Bình Tâm, Nguyễn Tường Lân, Phi Đình Tuấn, Đào Thanh, Nguyễn Vĩnh, Nguyễn Công Nghệ, Hoàng Ngọc Châu, Trần Liêu... Đây là món quà đầy ý nghĩa dành tặng cho vị Tư lệnh đầu tiên của con đường huyền thoại, đúng vào dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm nửa thế kỷ mở đường Trường Sơn lịch sử.

Những trang hồi ký sinh động của vị Tư lệnh Phan Trọng Tuệ đã làm sống dậy một thời khói lửa gian khổ mà hào hùng của đất nước. Như còn nghe vang âm trong từng con chữ tinh thần quả cảm, quên mình của hàng vạn cán bộ, công nhân, TNXP và bộ đội cùng chung tay làm nên chiến tích: "Con đường xuyên suốt Trường Sơn đã góp phần chi viện quan trọng của TW cho các chiến trường miền Nam; mở đầu cho sự thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tấn công".

Không chỉ là một vị chỉ huy tài ba, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ còn là người sâu sát với đời sống chiến sĩ. Người đọc không khỏi rưng rưng xúc động trước tình cảm ân tình như của người cha nơi ông dành cho các nữ TNXP trong những ngày gian khổ ở Trường Sơn, khi ông mang từ Hà Nội vào cho các cô từ chiếc lược bí đến quả bồ kết để làm quà. Ông nhớ lại: "Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh gọi đùa tôi là "tướng quần thâm"…

Đây là một việc làm để thực hiện lời Bác căn dặn khi được Bác gọi lên gặp, trước ngày tôi vào tuyến, là phải chăm sóc các cháu TNXP, nhất là nữ". Lo từ vấn đề đại cuộc, ông cũng quan tâm cả những điều thiết thực với chiến sĩ Trường Sơn: Môi trường, thuốc men phòng bệnh, thông tin thắng trận… Sự quan tâm của ông đã là nguồn động viên lớn lao với các chiến sĩ, để họ vượt lên mọi hy sinh, gian khổ, hết lòng chiến đấu, lao động dũng cảm và sáng tạo.

Hồi ký của ông như một tấm gương về tâm thế một thời đại anh hùng chống Mỹ cứu nước với những khẩu hiệu đầy khí phách "Xe chưa qua, nhà không tiếc", "Địch đánh ta cứ đi", luôn giành thế chủ động đối phó với địch.

Trong hồi ức của các cộng sự từng tham gia xây dựng con đường huyền thoại, hình ảnh vị Tư lệnh hiện lên giản dị, gần gũi, mà rất đáng trân trọng. Ông Bình Tâm - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, vẫn luôn nhớ về Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ với tình cảm sâu sắc: "Ông và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã có nhiều chủ trương sáng tạo mở đường cho xe cơ giới vượt Trường Sơn. Ông còn quyết thắng cả mưa rừng Trường Sơn, để đáp ứng yêu cầu của chiến trường miền Nam. Cùng với thuyền gỗ, thuyền nan, ông còn sáng tạo ra loại thuyền chỉ có xương tre bọc bằng vải bạt để vận chuyển. Vị Tư lệnh còn cho thả hàng hóa ở nhiều sông suối và kinh nghiệm này đã được phát huy ở miền Bắc những năm Mỹ đánh phá ác liệt nhất".

Từng sát cánh bên Tư lệnh Phan Trọng Tuệ những năm tháng mở đường Trường Sơn lịch sử, ông Nguyễn Tường Lân - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559 không thể quên được những ngày ấy: Với tầm nhìn chiến lược, với trí tuệ, tài năng và tấm lòng "vì miền Nam ruột thịt", anh Phan Trọng Tuệ đã có những quyết định sáng suốt để phá thế độc tuyến vượt Trường Sơn bằng việc mở đường 20 ở vị trí thi công khó nhất, nhưng lại hiệu quả nhất và động viên chiến sĩ làm việc bằng tinh thần "chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi" để gấp rút hoàn thành, chớp thời gian với địch.

Bản lĩnh, sự tận tụy cùng trí tuệ mẫn tiệp, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã góp phần không nhỏ cùng đồng đội Đoàn 559 mở đường chiến lược Hồ Chí Minh chủ yếu từ gùi thồ thành hệ thống đường xe cơ giới chạy suốt toàn tuyến, trong thời điểm đáng ghi nhớ là giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ và cho tương lai con đường, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Đức Ngọc nhớ lại: "Đóng góp của vị Tư lệnh là không nhỏ, nhưng ông luôn khiêm tốn: "Đừng nói nhiều về tôi, hãy nói về những người đang đóng các con tàu không số, những chiến sĩ vận tải…".

Thay mặt gia đình, Đại tá Phan Gia Liên, con gái Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc cha chú từng sát cánh bên vị Tư lệnh đã không lãng quên ký ức tự hào về những ngày gian khổ ấy, để lịch sử và thế hệ hôm nay luôn ghi công những người đi trước, bảo vệ vững chắc thành quả mà cha ông đã giành được.

CAND

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất