Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Năm, 7/5/2009 19:56'(GMT+7)

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận với "Chiến thắng Điện Biên"

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991) - Ảnh tư liệu.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991) - Ảnh tư liệu.

Đỗ Nhuận là một nhạc sĩ lớn - một gương mặt tiêu biểu và đặc sắc vào bậc nhất trong nền âm nhạc hiện đại. Sự nghiệp sáng tác của ông trùm lên suốt chiều dài lịch sử từ thời tiền khởi nghĩa, qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, cho đến khi ông qua đời. Ông cũng là nhạc sĩ chiếm ngôi vị số một về sự phong phú của nhiều thể loại mà lĩnh vực nào cũng để lại nhiều thành tựu lớn: thanh nhạc, khí nhạc, giao hưởng, nhạc kịch. Phong cách sáng tác của ông cũng hết sức đa dạng với việc xử lý nhuần nhuyễn các chất liệu âm nhạc dân gian, truyền thống. Về mặt đề tài, chủ đề, có thể coi Đỗ Nhuận như một cuốn biên niên sử về âm nhạc, bởi tất thảy những sự kiện chính trị, xã hội lớn, những biến động đáng kể của lịch sử ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam đều được ông biểu hiện sâu sắc trong tác phẩm, mà Chiến thắng Điện Biên là một trường hợp tiêu biểu.

Nhớ lại những ngày tháng này 55 năm về trước. Khi ấy, toàn Đảng toàn dân đang dốc sức cho chiến dịch Điện Biên-cái mốc cuối cùng ở giai đoạn tổng phản công. Thắng trận này, chúng ta có thể kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ gian khổ. Và 56 ngày đêm đã trở thành cơn ác mộng khủng khiếp đối với quân thù. Biểu hiện chiến thắng này – như một sự kế tiếp của Chương Dương, Hàm Tử, Đống Đa trước đây – Đỗ Nhuận đã tìm được một ngôn ngữ âm nhạc giàu hình tượng và có hiệu quả nhất. Sự pha trộn giữa các chất liệu dân ca Tây Bắc (mà chủ yếu là điệu xòe Thái) và làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ là một dụng ý của tác giả: cuộc chiến đấu ở Điện Biên là một cuộc chiến tranh nhân dân, đã có sự hiện diện của rất nhiều dân tộc trên mọi miền đất nước ta, người miền núi cũng như người miền xuôi. Với một tiết tấu vui nhộn nhưng gần với chất xòe Thái, Chiến thắng Điện Biên được mở đầu như một tiếng reo vui sảng khoái, nô nức:

“Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở miền tây Bắc tưng bừng vui, bản Mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa ...”

Khung cảnh Tây Bắc những giờ phút sau giải phóng được nhạc sĩ khắc họa thật tưng bừng, ngoạn mục. Đó là những “nương lúa mới trồng”, “những đàn em bé nắm tay xòe hoa”. Rồi vẫn còn đây hình ảnh của đoàn chiến sĩ chiến đấu những ngày qua: ‘"Súng đại bác quấn lá ngụy trang”. Có một chi tiết rất đỗi lãng mạn:  Bộ đội trong chiến đấu thì phải ngụy trang để tránh máy bay địch, ngụy trang bằng lá cây rừng, từ mũ, ba lô, trang phục đến vũ khí (mà cụ thể trong bài này là những khẩu đại bác). Ví cành lá cây còn tươi nên những con bươm bướm đã bay theo, đậu trên những cành lá đó. Nên mới có lời hát: “Từng đàn bươm bướm trắng rỡn lá ngụy trang”. Rõ ràng đó là một quan sát, cảm xúc rất đỗi tinh tế, lãng mạn của người vừa chiến thắng, đang còn ngập tràn niềm vui lạc quan.

Toàn bộ bài hát là một xâu chuỗi những cảm xúc reo mừng, tung hô, biểu hiện một trạng thái hưng phấn cao độ của tác giả - đồng thời là một chiến sĩ trong quân đội chiến thắng. Có lẽ vì vậy mà tác giả không có ý phân chia bài hát thành những đoạn mạch, câu cú rạch ròi. Và âm hưởng của cả bài được tạo nên bởi một tiết tấu khẩn trương, náo nhiệt nhờ ở việc xử lý hàng loạt những nốt móc đơn có chấm nối tiếp sang những móc kép và các nốt luyến láy liên tiếp gây không khí ngày hội.

Thường thì khi sáng tác ca khúc - nhất là lại biểu hiện không khí đầy hân hoan như bài này - các nhạc sĩ hay tạo ra những cao trào - tức là chỗ dồn nén cảm xúc - có thể là nốt cao nhất, cũng có thể những nốt trầm nhất của bài. Nhưng Chiến thắng Điện Biên không ở vào thông lệ đó. Ngay mở đầu, với những nốt nhạc cao vút ở khúc dạo đầu (prelutte: nhạc dạo để dẫn vào lời bài hát), người nghe đã có cảm giác được hối thúc, kích thích cảm xúc đến cao độ nhất. Cũng bởi vậy mà khi diễn tấu phần đệm ở phần nhạc dạo này, các dàn nhạc hay sử dụng bộ đồng và âm sắc kèn trompette. Cả bài hát luôn có sự đan xen những nốt nhạc ở những âm khu cao và thấp. Có cảm giác như toàn bài là cao trào - đó là cao trào của cảm hứng chiến thắng, hào sảng và hoành tráng. Đây là một cách viết gần như cả bài là cao trào, nhưng hát vẫn hết sức thoải mái, không một chút gắng gượng. Bài hát này khiến bất cứ ai cũng có thể cất giọng, đồng hòa trong một dàn đồng ca. Đây cũng là một bài hát tiêu biểu cho thể ca khúc quần chúng (chanson populaire).

Cảm hứng hân hoan, náo nức được duy trì suốt cả bài và được củng cố ở phần kết, đóng lại toàn bộ một bức tranh chiến thắng hoành tráng bằng âm thanh: “Giờ chiến thắng ta đã về, vui mừng đón chúng ta tiến về. Núi sông bừng lên. Đất nước ta sáng ngời cánh đồng Điện Biên cờ chiến thắng tưng bừng trên trời”.

Sự kiện “56 ngày đêm khoét núi,ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” để dẫn đến chiến thắng cuối cùng, đem lại hòa bình cho dân tộc đã lùi vào quá khứ. Nhưng Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận thì vẫn mãi mãi còn âm vang. Mỗi khi nghe lại bài hát này, lòng người Việt Nam lại thấy nao nao, kiêu hãnh về một sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc./.

Thôn Ca

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất