(TCTG) - Ngô Ngọc Toản - Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Bá Thước, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại Nông Cống - Một vùng đất giàu tiềm năng và truyền thống cách mạng. Chính mảnh đất này, đã hun đúc trong anh tính cần cù, siêng năng, chịu thương, chịu khó, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hòan thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Anh còn nhớ như in, vào những năm 1965 - 1966 bị thua đau ở Miền nam, giặc Mỹ đã điên cuồng leo thang đánh phá Miền Bắc hết sức ác liệt. Ngày ngày, anh tận mắt chứng kiến cảnh máu của quê hương mình đổ, trước sự reo rắc cái chết của kẻ thù xâm lược, tình cảnh ấy, đã bùng lên ngọn lửa căm thù cao độ của người thanh niên gần tròn 17 tuổi! Tháng 5 năm 1966, anh đã được chấp nhận nhập vào hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam theo đơn tình nguyện của mình. Suốt chặng đường của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1966 đến khi đất nước được hòan toàn giải phóng anh đã trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường Miền nam (Mặt trận B2), ngày đêm sống mái với quân thù và đã cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công hiển hách. Sau Đại thắng Mùa xuân 1975, trở về Bắc, anh được chọn cử đi học Cao cấp lý luận tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương rồi chuyển về công tác tại Trường Đảng huyện Bá Thước. Mặc dù, với thương tật (Thương binh 4/4) và công tác trong một môi trường mới lạ, nhưng với truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" đã từng được thử thách, tôi luyện trong chiến tranh, anh lại tiếp tục vươn lên trong vị trí công tác mới.
Tại Trường Đảng huyện Bá Thước với cương vị là giảng viên, Phó Giám đốc, rồi Giám đốc, ở bất kỳ cương vị nào anh cũng đều là người nhiệt tình, năng nổ trong công tác, xây dựng một tác phong, nền nếp làm việc chuẩn mực, xây dựng nội bộ cơ quan, đơn vị thành một khối đoàn kết, thống nhất trong mọi hành động, được lãnh đạo và anh em các ban, ngành, đoàn thể trong huyện trân trọng và quý mến. Quãng đời trên 30 năm làm công tác giáo dục lý luận chính trị với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, cùng với sự say mê nghề nghiệp, cần mẫn như con ong làm mật, con tằm nhả tơ cống hiến cho đời, anh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị của Đảng bộ huyện.
Tâm sự với chúng tôi anh Toản nói: " Muốn cho công tác giáo dục lý luận chính trị ngày một đi vào chiều sâu, thâm nhập vào quần chúng, tạo sức mạnh vật chất to lớn, thúc đẩy phong trào cách mạng ở cơ sở lên cao: Trước hết, phải xây dựng được đội ngũ giảng viên có phẩm chất chính trị, đó là bản lĩnh, là ý chí của người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, nêu cao tính Đảng, tính chiến đấu trong nghề nghiệp của mình. đứng trước quần chúng ưu tú và cán bộ, đảng viên, giảng viên lý luận chính trị là người thầy truyền bá hệ tư tưởng tiên tiến nhất của nhân loại đó là: Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, họ có sự giác ngộ sâu sắc và niềm tin vào lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh đấu tranh với những quan điểm sai trái, lệch lạc, thù địch thể hiện sự kiên trung với Đảng được quần chúng và nhân dân, kính trọng; Thứ hai, phải có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy lý luận chính trị; có những hiểu biết cơ bản và sâu sắc về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời còn phải có sự hiểu biết sâu rộng, toàn diện về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...; Thứ ba, phải có lòng nhiệt tình với công việc được giao và phải trở thành sự đam mê, yêu thích...".
Vào cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bị sụp đổ, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào. Trong khi nhiều nơi, Trường Đảng huyện phải sáp nhập với hoặc giải thể thì Trường Đảng của huyện Bá Thước là một trong số không nhiều trường vẫn được gìn giữ đến cùng và duy trì tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực cán bộ cho cơ sở. Phải khẳng định rằng: Ngô Ngọc Toản là người đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền để có được thành công ấy.
Năm 1995 khi có Quyết định 100 của Ban Bí thư Trung ương, Quyết định 752 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, Trường Đảng huyện Bá Thước đã nhanh chóng được chuyển đổi thành Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Chức năng nhiệm vụ lúc này là: Đơn vị sự nghiệp giáo dục, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị. Với cương vị là Giám đốc, anh luôn luôn trăn trở tìm tòi hướng đi thích hợp, sao cho chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng ngày một được nâng cao. Cùng với tập thể lãnh đạo, hàng năm, anh đã xây dựng kế hoạch trình thường trực cấp uỷ xin ý kiến chỉ đạo, hầu hết các kế hoạch mà anh xây dựng đều có tính khả thi cao, do đó, luôn được sự đồng tình ủng hộ và tạo điều kiện của cấp uỷ. Hình thức tổ chức mở lớp của Trung tâm bồi dưỡng chính trị Bá Thước khá linh hoạt, uyển chuyển, thường chọn thời điểm nông nhàn để mở lớp. Những lớp có số lượng đông, anh đều chọn hình thức mở theo cụm xã, vừa tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại của học viên mà lại đảm bảo được sĩ số và chất lượng học tập. Về nội dung chương trình bồi dưỡng anh đặc biệt quan tâm, không chỉ dừng lại ở kiến thức sách vở mà phải thực sự nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Anh luôn nhắc nhở các giảng viên phải thường xuyên cập nhật thông tin một cách toàn diện, kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội, thời sự, chính sách...đảm bảo tính thiết thực, bổ ích đối với từng bài học của học viên.
Về chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên cũng được anh luôn quan tâm, chú trọng. Anh đã tham mưu cho cấp uỷ xây dựng được một đội ngũ báo cáo viên khá hùng hậu trên 60 đồng chí và hàng trăm tuyên truyền viên khác có đầy đủ phẩm chất, năng lực. Phương pháp tổ chức thông tin luôn được đổi mới, phù hợp với địa bàn cấp xã ở từng thời điểm và từng loại đối tượng. giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm thông tin một cách chính xác có hệ thống.
Về cơ sở vật chất của trường, anh là người luôn theo dõi, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước các cấp về xây dựng hệ thống Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, tích cực xây dựng các phương án, đề án có tính khả thi cao tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chăm lo xây dựng cơ sở vật chất cho Trung tâm. Từ diện tích mặt bằng quy hoạch đến cơ cấu các khối công trình xây dựng như phòng học, các phòng chức năng, ký túc xá học viên, phòng nghỉ giảng viên, các công trình phụ cận v.v...đều đảm bảo đầy đủ các yêu cầu của việc xây dựng Trung tâm chuẩn theo hướng hiện đại.
Từ những cố gắng nỗ lực của bản thân và của tập thể cán bộ, giảng viên, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Bá Thước đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2000 và Huân chương Lao động hang Nhì năm 2008, đây là Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện duy nhất trong cả nước được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, riêng cá nhân anh liên tục được bầu là chiến sỹ thi đua cấp huyện và hai lần được Chính phủ tặng Bằng khen vào những năm 2000 và 2007; Hai lần được Ban Tư tuởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) tặng bằng khen vào năm 2002 và 2005 cùng với nhiều Bằng khen, giấy khen và các phần thưởng cao quý khác của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Năm 2009 anh vinh dự được Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh đề nghị Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Với lòng nhiệt huyết của người cán bộ, giảng viên lý luận chính trị gần 1/3 thế kỷ, anh đã cùng với tập thể cán bộ, giảng viên Trường Đảng trước đây và Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện hiện nay đã xây dựng cơ quan, đơn vị luôn vững mạnh toàn diện về mọi mặt được cấp uỷ chính quyền, các cấp, các ngành đánh giá cao và khẳng định Trung tâm bồi dưỡng chính trị Bá Thước là một trong những Trung tâm đứng vào hàng tốp đầu của hệ thống Trung tâm bồi dưỡng chính trị toàn tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần đắc lực vào giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế ở địa phương.
Đỗ Bá Mạnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa