Một trong những điểm nổi bật trong cải cách thủ tục hành chính tại Đà
Nẵng là việc xây dựng và đưa Tổng đài hành chính công vào hoạt động, góp
phần quan trọng trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải
cách hành chính, nhất là cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến
theo yêu cầu của công dân, tổ chức.
Đà Nẵng là một đô thị trẻ, thu hút nhiều người từ các địa phương khác
đến sinh sống, làm việc, học tập. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, mở rộng,
chỉnh trang phát triển đô thị, dẫn đến sự thay đổi nơi ở của một bộ phận
dân cư sinh sống ở thành phố.
Để tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các quyền tự do dân chủ theo
quy định của pháp luật, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước thực hiện
tốt công tác quản lý nhà nước, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn
minh đô thị, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Chương trình
cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng bộ máy hành chính
dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo quản
lý thống nhất, thông suốt, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự nghiệp
phát triển kinh tế-xã hội.
Để đạt mục tiêu đó, trọng tâm cải cách hành chính của thành phố trong cả
giai đoạn 2011- 2020 hướng đến việc nâng cao tính chuyên nghiệp của đội
ngũ cán bộ, công chức viên chức, trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện
hệ thống quản lý công vụ, công chức theo hướng khoa học, thực tài; cải
thiện chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực thi công vụ có chất
lượng và hiệu quả; hình thành chính quyền điện tử và đảm bảo cung ứng
ngày càng tốt hơn các dịch vụ công.
Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và theo chương trình tổng
thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ, thành phố đề ra một số
nhiệm vụ mới.
Cụ thể là cải cách thể chế; xây dựng quy định về việc lấy ý kiến nhân
dân đối với các chủ trương, chính sách quan trọng của thành phố; đề xuất
Trung ương cho phép triển khai các chính sách đặc thù của thành phố đáp
ứng yêu cầu phát triển nhanh về kinh tế- xã hội, hiện đại và phù hợp
với điều kiện thực tiễn về quản lý nhà nước của chính quyền đô thị.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục rà soát, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống
thể chế quản lý hành chính của thành phố trên nguyên tắc đảm bảo tính
thống nhất và chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung
ương.
Về cải cách thủ tục hành chính, Đà Nẵng tập trung đơn giản hóa các thủ
tục thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, y tế, giáo dục...
Thành phố cũng lần đầu tiên đưa ra nội dung về cải cách thủ tục hành
chính trong nội bộ các cơ quan, đơn vị các cấp; xây dựng phương pháp
đánh giá tác động của thủ tục hành chính đến chi phí xã hội, chi phí
quản lý hành chính nhà nước; đổi mới phương thức cung ứng dịch vụ hành
chính công theo hướng đơn giản, liên thông, liên kết, hiện đại, trực
tuyến và thể hiện rõ văn hóa phục vụ; xây dựng hệ thống theo dõi, đánh
giá chất lượng dịch vụ hành chính công.
Thành phố nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức và hoạt động của chính
quyền đô thị; xây dựng “Trung tâm một cửa điện tử thành phố” tại trung
tâm hành chính thành phố.
Đà Nẵng cũng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức chuyên nghiệp,
hợp lý về cơ cấu gắn với vị trí việc làm; triển khai hệ thống vị trí
chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ; tổ chức thi tuyển cạnh tranh để bổ
nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp sở và tương đương trở xuống;
xây dựng cơ chế đánh giá cán bộ, công chức viên chức theo kết quả công
việc, gắn đánh giá với cơ chế trả thu nhập và khen thưởng...
Thành phố thực hiện tin học hóa các quy trình công việc trong nội bộ cơ
quan hành chính, trong giao dịch với các cơ quan hành chính khác và
trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động phục
vụ hành chính công, dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công; công bố danh
mục các dịch vụ hành chính công trực tuyến trên trang thông tin điện tử
của các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng và sử dụng thống nhất
biểu mẫu điện tử trong giao dịch giữa cơ quan hành chính, tổ chức và cá
nhân; hình thành các cơ sở dữ liệu chung, phục vụ công tác quản lý hành
chính nhà nước mang tính liên ngành, liên cấp...
Thành phố đồng thời hình thành hệ thống các giải pháp thực hiện đồng bộ.
Một trong những giải pháp được chú trọng là tăng cường công tác chỉ đạo
triển khai cải cách hành chính từ Ủy ban Nhân dân thành phố, Chủ tịch
Ủy ban Nhân dân thành phố đối với các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân
các cấp; thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân thành
phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm cá nhân về
mặt chỉ đạo, đôn đốc triển khai các nội dung cải cách hành chính thuộc
phạm vi quản lý của ngành và địa phương; nâng cao năng lực, trình độ đội
ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu về cải cách hành chính ở
cấp thành phố và cấp quận, huyện...
Ông Võ Công Chánh, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết năm 2014, Sở Nội
vụ thành phố đã tham mưu triển khai nhiều giải pháp đổi mới và nâng cao
hiệu lực của bộ máy chính quyền và trong công tác cán bộ, cải cách hành
chính, thanh tra công vụ... qua đó góp phần tích cực vào việc giữ vững
thứ hạng cao của thành phố trong các bảng xếp hạng tỉnh, thành phố theo
nhiều chỉ số quốc gia.
Đó là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (xếp thứ nhất); chỉ số sẵn
sàng ứng dụng công nghệ thông tin (dẫn đầu 4 năm liên tiếp); chỉ số quản
trị hành chính công cấp tỉnh (xếp thứ 2); chỉ số cải cách hành chính
(dẫn đầu 2 năm liên tiếp 2012, 2013).
Nhiều mô hình mới, cách làm mới của thành phố Đà Nẵng được Trung ương và
các tỉnh, thành phố đánh giá cao. Tuy nhiên, trong công tác cải cách
hành chính, vẫn còn một số lĩnh vực thủ tục hành chính chậm trễ, nhất là
lĩnh vực đất đai.
Một trong những điểm nổi bật trong cải cách thủ tục hành chính tại Đà
Nẵng là việc xây dựng và đưa Tổng đài hành chính công vào hoạt động, góp
phần quan trọng trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải
cách hành chính, nhất là cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến
theo yêu cầu của công dân, tổ chức.
Giờ đây, khi có thắc mắc về bất cứ vấn đề gì, người dân, du khách, các
tổ chức, doanh nghiệp có thể gọi điện thoại đến tổng đài 0511.3881.888
hay nhắn tin tới tổng đài 8188 hoặc qua Cổng thông tin dịch vụ công
(dichvucong.danang.gov.vn)… để được tư vấn, hướng dẫn và giải đáp kịp
thời.
Hiện Trung tâm là đầu mối cung cấp và giải đáp mọi thắc mắc về thông
tin kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố cho người dân; cung cấp dịch
vụ công trực tuyến, giúp tổ chức và công dân truy vấn về tình trạng xử
lý hồ sơ của các sở, ban, ngành, quận, huyện.
Bên cạnh đó, trung tâm còn là đầu mối tiếp nhận mọi thông tin của người
dân để phân luồng, chuyển cho các cơ quan thẩm quyền liên quan xử lý một
cách nhanh chóng, hiệu quả.
Trung tâm còn theo dõi, giám sát và đánh giá quá trình cung cấp dịch vụ
công trực tuyến của các sở, ban, ngành, quận, huyện thuộc Ủy ban Nhân
dân thành phố và đánh giá mức độ hài lòng của công dân khi tham gia các
dịch vụ công trực tuyến. Đây cũng là đơn vị chịu trách nhiệm tổng hợp,
truy xuất thông tin phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của
lãnh đạo thành phố.
Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của công dân (do Viện Nghiên cứu phát
triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng thực hiện) đối với chất lượng cung ứng dịch
vụ hành chính công, đặc biệt thuộc lĩnh vực hộ khẩu, quản lý cư trú, có
98,8% đánh giá là hài lòng với dịch vụ (tính từ mức trung bình trở
lên); tỷ lệ đánh giá không hài lòng chiếm 1,3%.
So sánh tương quan giữa các quận thì chất lượng hài lòng đối với dịch vụ
tại 2 quận Liên Chiểu và Hải Châu được đánh giá cao nhất với tỷ lệ
99,3%.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công dân, số lượng người dân
đánh giá "đồng ý" và "rất đồng ý" với tỷ lệ cao. Tỷ lệ người dân đánh
giá thái độ làm việc của cán bộ nhiệt tình và lịch sự ở mức "đồng ý" đến
"rất đồng ý" đạt 89,9%; tỷ lệ phản hồi ở mức đánh giá "rất không đồng
ý" đến "không đồng ý" chỉ chiếm khoảng 0,2%./.
Văn Sơn (TTXVN)