Đạo diễn Lê Văn Duy có lẽ là nghệ sĩ nặng nợ với mảnh đất An Giang nhất. Ông đang thực hiện bộ phim “Bí thư Tỉnh ủy An Giang qua các thời kỳ”. Đây là bộ phim tài liệu được nhiều người quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông về bộ phim và vấn đề làm phim tài liệu hiện nay.
- PV: Người ta thắc mắc, 40 tập phim, mỗi tập 30 phút, không hiểu đạo diễn Lê Văn Duy khai thác những gì về những đồng chí Bí thư Tỉnh ủy của vùng đất An Giang trong bộ phim “Bí thư Tỉnh ủy An Giang qua các thời kỳ” mà ông đang làm?
- Đạo diễn LÊ VĂN DUY: Về đề tài này, khi còn là Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu tôi đã thực hiện trong loạt phim Bí thư Thành ủy TPHCM như Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Linh (biên kịch Lê Văn Duy - đạo diễn Hồ Nhân), Võ Văn Kiệt (3 tập – biên kịch Nguyễn Quang Sáng - đạo diễn Lê Văn Duy)… Bí thư Tỉnh ủy là người đứng đầu Tỉnh Đảng bộ. Mọ
Thể hiện chân dung Bí thư Tỉnh ủy, ngoài việc thể hiện tính cách, tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của ông và những người có mối liên quan mật thiết, người làm phim phải nêu bật được thành quả của địa phương. Biết khai thác đúng đắn và chân thật vấn đề này không dễ và không phải ai cũng có thể làm tốt. Với 40 nhân vật trong suốt 80 năm như thế, người làm phim đã góp phần vào việc viết lịch sử Tỉnh Đảng bộ bằng hình.
Tôi đã làm phim tài liệu chân dung nhiều nhân vật nổi tiếng cả nước nên có chút ít kinh nghiệm. Thậm chí, khi thể hiện chân dung ông Nguyễn Văn Hơn, nhà lãnh đạo hàng đầu phát động phong trào đổi mới ở An Giang, tôi còn cảm thấy độ dài 30 phút là hơi ngắn. Lẽ ra tôi phải làm hai tập phim!
- Những điều ông tâm đắc trong các bộ phim này?
- Trong năm 2010, tôi phải hoàn thành 8 tập phim. Nay mới xong 4 tập về ông Nguyễn Văn Đáng, Nguyễn Văn Hơn, Nguyễn Hữu Khánh, Lê Phú Hội… Điều khiến tôi tâm đắc, nếu ông Kim Ngọc ở miền Bắc được xem là “ông khoán hộ” thì An Giang có ông Sáu Hơn tức Nguyễn Văn Hơn, được xem là “người giao trả ruộng đất, mở cửa kho bạc nhà nước cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất”. Điều thứ hai là chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc và phong cách ngoại giao hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia ở An Giang. An Giang là vựa lúa lớn nhất trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, là nơi sản sinh ra những làng cá bè, cá ba sa xuất khẩu. Muốn phát triển nông thôn miền Nam tốt và có hiệu quả có lẽ nên tìm hiểu thực tiễn ở An Giang.
Điều quan trọng sau cùng, mỗi cuộc đời và sự nghiệp các nhân vật chính trong phim đều là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ. Còn một điểm nhỏ lần đầu tiên trong phim tài liệu chân dung tôi có đề cập đến sự đóng góp khiêm tốn nhưng to lớn của “Một nửa yêu thương” của nhân vật chính.
- Phim tài liệu thường không dễ xem, cũng không có đầu ra. Xin ông cho biết phim của ông sẽ được phát hành thế nào?
- Khác với vài đồng nghiệp thích xông pha vào các mặt trái xã hội đương thời, tôi thích làm phim ca ngợi quê hương, đất nước, ngợi ca những con người nhân hậu và chính trực. Những sự việc tôi đưa lên phim không mang tính thời sự nóng hổi nhưng dễ xem, dễ đọng lại trong lòng người. Nếu người làm phim có tâm huyết, có nghề, nghiêm túc, yêu nghệ thuật điện ảnh thì phim họ chắc chắn có người xem. Để phim phổ biến rộng rãi, tôi làm phim video. Trước mắt, Đài Truyền hình An Giang sẽ phát sóng các phim này. Phim sẽ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phát hành.
- Công việc làm phim vất vả, đòi hỏi phải đi liên tục, nhiều người vào tuổi ông thường chọn việc nghỉ ngơi, dường như ông lại dành quá nhiều đam mê cho việc làm phim?
- Thế hệ tôi vốn dĩ vất vả, đa đoan. Làm phim thời chiến mà còn sống sót, khỏe mạnh như tôi, quả là số phận ưu đãi. Những thương tích thời chiến vẫn hành hạ tôi mỗi ngày. Thời bình tôi cũng vất vả, đa đoan. Thôi thì, lỡ phóng lao phải theo lao. Thể hiện đơn thuần cái Mới là lợi thế của các bạn trẻ. Nhưng thể hiện cái Cũ chuyển đổi sang cái Mới là thuận lợi của những người như tôi. Các đồng nghiệp thuộc thế hệ tôi hầu như đã ngừng làm phim. Nếu nói tôi không thích giàu sang, không thích nghỉ ngơi, ngẫm ra không xác thực. Nhưng đã trót từ bỏ sự giàu sang thời còn rất trẻ, nay dù tôi có muốn làm giàu như thiên hạ rất khó, nếu không nói là không thể, vậy nên tôi chỉ còn mỗi con đường duy nhất mà tôi đã học tập nhạc sĩ Hoàng Việt: “Chỉ có chết mới hết sáng tác!”.
Ít ai biết đạo diễn Lê Văn Duy là người thực hiện cả chục bộ phim, vừa truyện vừa tài liệu, về mảnh đất An Giang. Dường như với ông, An Giang không chỉ là quê hương mà bao trùm lên đó là một tình yêu đặc biệt…
Sau bộ phim tài liệu lịch sử “Những ngày ở Bảy Núi” (1970), ông còn có một loạt phim “Đối thoại với quê hương”, “Trở lại đồi Tức Dụp”, “Thoại Ngọc Hầu” (tài liệu) và “Dòng sông hát”, “Thời thơ ấu”, “Viên ngọc Côn Sơn”, “Trái đắng” (phim truyện) cũng về mảnh đất và con người An Giang. Ông đang thực hiện bộ trường thiên tiểu thuyết con người An Giang, đã in và phát hành 7 quyển. |
HẠ CHINH-SGGP